Saturday, July 2, 2016

‘Phát hành trái phiếu ngoại tệ trong nước’ và quả đắng trái phiếu tiền đồng

Kế hoạch vay trả nợ năm 2016 được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phê duyệt trong tháng 6/2016 đang khiến phản dội dư luận và bật lên nhiều dấu hỏi.
ẢNh: ndh.vn
Câu hỏi lớn nhất là tại sao chính phủ trả nợ 12 tỷ USD nhưng lại đi vay đến 20 tỷ USD? Thâm thủng ngân sách đã kinh khủng đến mức nào?
 Một câu hỏi khác cũng đáng ngại không kém: làm thế nào chính phủ có thể phát hành trái phiếu huy động ngoại tệ trong nước mà vẫn muốn “chống đô la hóa”?
 Trong kế hoạch vay trả nợ năm 2016 có nêu định hướng huy động 17,000 tỷ đồng bằng phát hành trái phiếu ngoại tệ trong nước và quốc tế. Giới quan chức lãnh đạo hy vọng với quy mô phát hành không quá lớn, chỉ tương đương khoảng 800 triệu USD như vậy thì có thể thực hiện được ở trong nước, như đối với khoản huy động 1 tỷ USD hồi tháng 4/2015 phát hành cho Vietcombank.
 Chi tiết đáng chú ý là cho đến thời gian gần đây, không còn thấy ai nhắc đến tham vọng phát hành 3 tỷ USD “trái phiếu đặc biệt” – một sáng kiến phát sinh thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Cũng cho tới nay, không có bất cứ vết tích gì cho thấy kế hoạch trên đã được triển khai.
 Rất có thể, thái độ của các tổ chức tín dụng và tập đoàn quốc tế quay lưng với chính phủ Việt Nam đã khiến chính phủ này không còn thấy cơ chế phát hành tái phiếu ra nước ngoài là “ngon ăn”, do đó bắt buộc phải quay lại “hành” các ngân hàng lớn trong nước, đặc biệt là Vietcombank và Eximbank. 
 Có ý kiến cho rằng phát hành trái phiếu ngoại tệ trong nước không những không đi ngược chủ trương chống đô la hóa, mà thậm chí giúp hạn chế nạn đô la hóa ở Việt Nam. Lý do là vì lượng USD dư thừa, đang “trôi nổi” trên thị trường (chợ đen) sẽ được hút về và được xử lý bởi Bộ Tài chính, đồng nghĩa với việc nạn đô la hóa sẽ giảm.
 Nhưng ngay tại thời điểm này và khi đang phát sinh hiện tượng hai ngân hàng BIDV và VietinBank tìm cách từ chối nộp vào ngân sách số tiền 4,7000 tỷ đồng cổ tức của năm 2015, ngay cả việc phát hành trái phiếu trong nước cũng khó khăn hơn nhiều.
 Đã có vài chuyên gia tài chính “băn khoăn” rằng “việc phát hành trái phiếu ngoại tệ trong nước vô hình trung sẽ đi ngược lại chủ trương chống đô la hóa mà Ngân hàng Nhà nước và cả Chính phủ đã và đang cố gắng thực thi bằng nhiều giải pháp, trong đó có hạ lãi suất tiền gửi USD xuống còn 0% từ cuối năm 2015”.
 Những chuyên gia trên cho rằng không nên hy vọng phát hành trái phiếu bằng ngoại tệ trong nước thành công với lãi suất thấp (hơn mức tương ứng khi phát hành ở ngoài nước), và cần nhận thức được rằng nếu đã chọn phát hành trái phiếu bằng ngoại tệ trong nước thì phải gác lại mục tiêu chống đô la hóa.
 Tóm lại, tình thế “tiền đâu” của chính phủ Việt Nam vẫn như gà mắc tóc.
 Cần nhắc lại, cơ chế phát hành trái phiếu tiền đồng trong nhiều năm qua đã khiến chính phủ rơi vào một vòng xoáy không lối thoát: nợ công trong nước gia tăng chóng mặt. 
 Hàng chục năm qua và đặc biệt từ khi ông Nguyễn Tấn Dũng chấp nhiệm vai trò thủ tướng, lượng phát hành trái phiếu chính phủ giai đoạn 2011-2015 đã tăng gấp 2.5 lần giai đoạn 2006-2010, chủ yếu phát hành cho khối ngân hàng thương mại. Sau một thời gian đủ dài, các khoản lãi và một phần nợ gốc phải trả trong ngắn hạn đang ngày càng tăng cao, gây sức ép lên cân bằng ngân sách nhà nước. Trong một vòng luẩn quẩn, Chính phủ lại phải liên tục phát hành trái phiếu chính phủ để bù đắp thâm hụt ngân sách nhà nước. Hậu quả là, từ năm 2014, một lượng lớn trái phiếu chính phủ đến hạn thanh toán và Chính phủ đang phải liên tục phát hành trái phiếu chính phủ mới do ngân sách nhà nước không thể đáp ứng. Cũng hệ quả là quy mô nợ công tăng theo tần suất và quy mô phát hành trái phiếu chính phủ.
Mới đây, thêm một tin tức khiến lòng người bất an cực độ: ngay cả cơ quan Kiểm toán nhà nước cũng không nắm rõ số nợ công và tỷ lệ nợ công của năm 2014 là bao nhiêu. Vô hình trung, toàn bộ các báo cáo về tỷ lệ nợ công/GDP vẫn “dưới ngưỡng nguy hiểm 65% GDP” của Chính phủ và Quốc hội đã chẳng còn chút ý nghĩa nào!
07/02/2016 - 18:14
Lê Dung / SBTN

No comments:

Post a Comment