Saturday, July 2, 2016

Nửa năm, chục ngàn doanh nghiệp phá sản, ngưng hoạt động

Số doanh nghiệp ngưng hoạt động, chờ phá sản tăng đều theo thời gian. (Hình: Dân Trí)
HÀ NỘI (NV) – Thống kê mới nhất do Tổng Cục Thống Kê Việt Nam công bố cho thấy, trong nửa đầu của năm nay, tại Việt Nam có 31,000 doanh nghiệp ngưng hoạt động và 5,500 doanh nghiệp phá sản.
So với cùng kỳ năm ngoái, số doanh nghiệp ngưng hoạt động tăng 15%, số doanh nghiệp phá sản tăng 17%. Trung bình, mỗi tháng tại Việt Nam có hơn 6,000 doanh nghiệp phá sản hoặc chờ phá sản.
Nếu trước đây, đa số các doanh nghiệp phá sản hoặc chờ phá sản thuộc loại doanh nghiệp nhỏ thì nay, phần lớn là doanh nghiệp thuộc loại vừa, có vốn từ mười tỉ đồng trở lên.
Những con số vừa kể cho thấy kinh tế Việt Nam tiếp tục suy thoái trầm trọng. Tổng Cục Thống Kê của Việt Nam giải thích, sở dĩ số doanh nghiệp ngưng hoạt động và số doanh nghiệp phá sản tăng là vì thương mại và đầu tư trên toàn cầu chậm lại, kinh tế Việt Nam bị tác động bởi những biến động khó lường từ các thị trường tài chính tiền tệ trên thế giới. Tuy nhiên hoạt động thương mại và đầu tư trên toàn cầu chỉ mới chậm lại trong thời gian gần đây, còn tình trạng kinh tế suy thoái tại Việt Nam đã kéo dài cả thập niên.
Việt Nam từng có khoảng một triệu doanh nghiệp nhưng đến giờ thì đã có gần một nửa ngừng hoạt động hay chờ phá sản và trong vòng mười năm nay, con số này chỉ tăng chứ không giảm.
Dẫu đã có rất nhiều chuyên gia, tổ chức quốc tế chứng minh, doanh nghiệp Việt Nam lụn bại vì kiểu quản lý, điều hành của chính quyền Việt Nam và chính quyền Việt Nam đã vài lần thừa nhận điều đó nhưng “mèo vẫn hoàn mèo.”
Hồi đầu tháng trước, tại cuộc đối thoại giữa doanh giới với thủ tướng Việt Nam, ông Vũ Tiến Lộc, chủ tịch Phòng Thương Mại-Công Nghiệp Việt Nam (VCCI), lập lại một thống kê, theo đó, trong số khoảng 500,000 doanh nghiệp đang hoạt động, chỉ 42% có lãi. Nếu xét về quy mô thì tại Việt Nam chỉ có 2% doanh nghiệp thuộc loại lớn, 2% thuộc loại vừa và tới 96% chỉ là doanh nghiệp nhỏ hoặc siêu nhỏ. Ðáng lưu ý là gần đây, thay vì phát triển, mở rộng hoạt động, doanh nghiệp Việt Nam có xu hướng thu hẹp qui mô cho nhỏ hơn nữa.
Ðược xem như người đại diện cho doanh giới Việt Nam, ông Lộc bảo rằng, tất cả những điều vừa kể tuy bất thường song có thể hiểu vì sao.
Các nghiên cứu về môi trường kinh doanh tại Việt Nam trong thời gian vừa qua cho thấy, thuế và các loại phí mà chính quyền Việt Nam đặt định đã ngốn tới 40.8% lợi nhuận của doanh nghiệp. Lãi mà hệ thống ngân hàng buộc doanh nghiệp phải trả khi cần vay vốn cũng cao thuộc loại nhất khu vực vì doanh nghiệp bị buộc phải gánh cả những chi phí do nợ xấu (những khoản nợ chủ yếu là cho các doanh nghiệp nhà nước vay sau đó không có khả năng thu hồi) và nợ nần của chính phủ. Chưa kể những khoản lót tay và những rủi ro đủ loại vì môi trường kinh doanh không an toàn.
Do chính quyền Việt Nam đặt ra mục tiêu là từ nay đến năm 2020 phải có từ 1.5 triệu đến hai triệu doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả, ông Lộc khuyến cáo, muốn thế, phải gỡ bỏ gánh nặng thuế và phí. Nếu tiếp tục tận thu thì doanh nghiệp không thể hồi phục và phát triển, lâu dài không thể tạo và giữ các nguồn thu cho ngân sách.
Chủ tịch VCCI lưu ý thêm là bởi sắp tới, Việt Nam phải hội nhập sâu, rộng nên chính quyền Việt Nam phải có chính sách nâng cao năng lực hội nhập của doanh nghiệp. Phải tập trung toàn lực để phát triển doanh nghiệp, xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi và an toàn, giảm tối đa rủi ro cho doanh nghiệp.
Những đề nghị, góp ý như thế đã được lặp đi, lặp lại trong hàng chục năm nhưng bình đẳng trong kinh doanh, các qui định tiếng là hỗ trợ doanh nghiệp song lại biến doanh nghiệp thành phía đi xin, thiếu sự minh bạch về các biện pháp hỗ trợ doanh giới và điều kiện thụ hưởng thì… vẫn y như trước. (G.Ð)
02-07-2016

No comments:

Post a Comment