Sunday, May 15, 2016

Ethanol công nghệ Trung Quốc: ‘Chủ trương lớn’ thành ác mộng

PHÚ THỌ (NV) - Chính quyền tỉnh Phú Thọ muốn nhà cầm quyền trung ương có quyết định dứt khoát về nhà máy Ethanol Phú Thọ - công trình đã ngốn 2,400 tỷ nhưng bỏ hoang từ năm 2011 đến nay.

Một góc nhà máy Ethanol Phú Thọ. (Hình: VietNamNet)

Cuối năm 2007, ông Nguyễn Tấn Dũng, lúc đó là thủ tướng Việt Nam phê duyệt “Đề án phát triển nhiên liệu sinh học đến 2015 và tầm nhìn đến 2025,” nhằm “phát triển nhiên liệu sinh học để thay thế một phần nhiên liệu hóa thạch góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường.”

Đề án này là nền cho sự ra đời của hàng loạt nhà máy sản xuất ethanol. Ethanol là tên một loại cồn chiết xuất từ khoai mì để pha vào xăng thường, tạo thành xăng sinh học.

Đề án đó cũng là cơ sở để chính quyền Việt Nam cho phép trưng dụng 50 héc ta đất thuộc loại màu mỡ nhất ở huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ để xây dựng nhà máy Ethanol Phú Thọ.

Năm 2009, công trình này được khởi công. Năm 2011 khi đã thực hiện được 80% kế hoạch đầu tư thì công trình này bị bỏ hoang vì bất đồng về chủ rương đầu tư. Nhà xưởng, thiết bị trị giá vài ngàn tỉ đồng bị vút lăn lóc, phơi cho cả mưa lẫn nắng hủy hoại. Chưa kể tới việc mất 50 héc ta đất có thể trồng được hai vụ lúa và chuyện nông dân bốn huyện ở Phụ Thọ phải phá bỏ hàng ngàn héc ta khoai mì mà họ được khuyến khích trồng để cung cấp nguyên liệu cho nhà máy Ethanol Phú Thọ.

Việt Nam hiện còn sáu nhà máy sản xuất ethanol giống như nhà máy Ethanol Phú Thọ - không hoạt động thì cũng sắp phả sản vì thua lỗ. Gần như tất cả những nhà máy này đều sử dụng công nghệ của Trung Quốc.

Hồi đầu tháng này, sau khi Bộ Công Thương của Việt Nam công bố một báo cáo về các nhà máy sản xuất ethanol, nhiều người Việt cùng chửi thề trên mạng xã hội vì họ chưa hết bàng hoàng từ các thông tin liên quan đến nhà máy Ethanol Dung Quất.

Vào cuối tháng 4, báo chí Việt Nam cho biết, ngoài 1,900 tỷ đồng đã chi cho dự án xây dựng nhà máy Ethanol Dung Quất và nay coi như mất trắng, mỗi tháng, nhà máy Bio Ethanol Dung Quất đang ngốn thêm hai tỷ nữa dù đã tạm ngưng hoạt động.

Lý do chính khiến nhà máy Ethanol Dung Quất tọa lạc tại Quảng Ngãi phải ngưng hoạt động vì sản phẩm có giá thành của quá cao. Bắt đầu vận hành vào tháng 2 năm 2012, nhà máy Ethanol Dung Quất chưa bao giờ có lời mà còn lỗ nặng vì chi phí quá lớn, giá thành của sản phẩm cao hơn giá bán trung bình của sản phẩm cùng loại trên thị trường tới 2,000 đồng một lít.

Bởi càng sản xuất càng lỗ, kể từ tháng 4 năm ngoái đến nay, nhà máy Bio Ethanol Dung Quất đã ngưng hoạt động. Đáng nói là trong 12 tháng vừa qua, mỗi tháng, công quỹ Việt Nam mất thêm hai tỷ đồng để trả lãi và chi phí bảo trì. Nói cách khác, ngoài 1,900 tỷ vốn đầu tư, tổng thiệt hại trong 12 tháng vừa qua khoảng 50 tỷ đồng và mức độ thiệt hại sẽ còn tiếp tục tăng.

Các nhà máy sản xuất ethanol còn lại ở Việt Nam đều trong tình trạng y hệt như nhà máy Ethanol Phú Thọ và nhà máy Ethanol Dung Quất: Ngốn rất nhiều tiền rồi bỏ hoang hoặc ngưng hoạt động vì càng hoạt động thì mức độ thua lỗ càng lớn.

Trong báo cáo mới nhất liên quan đến các nhà máy sản xuất ethanol tại Việt Nam, Bộ Công Thương Việt Nam cho biết, bốn trong số bảy nhà máy sản xuất ethanol đã ngưng hoạt động sử dụng 100% cả công nghệ lẫn thiết bị của Trung Quốc. Ba trong số bảy nhà máy còn lại tuy có sử dụng công nghệ của một số quốc gia khác nhưng thiết bị vẫn là của Trung Quốc. Ngoài một số dở dang vì nhận ra rằng đổ vào bao nhiêu tiền sẽ mất bấy nhiêu, số còn lại sau khi khánh thành cũng chỉ vận hành một thời gian ngắn rồi ngưng.


Tại sao trong khi có rất nhiều quốc gia đã và đang tăng mức độ sử dụng xăng sinh học (xăng pha ethanol) thì các nhà máy sản xuất tại Việt Nam lại lại phải ngưng hoạt động? Bộ Công Thương của Việt Nam trả lời, đó là do công nghệ hoặc thiết bị mà những nhà máy này sử dụng đều thuộc loại lạc hậu, Trung Quốc không sử dụng nữa mới bán lại cho Việt Nam. Ngoài yếu tố giá thành cao, ethanol do những nhà máy này sản xuất ra không đủ chất lượng để pha vào xăng thường, tạo thành xăng sinh học. (G.Đ)

14-05-2016 2:37:34 PM 

No comments:

Post a Comment