Hạ Vũ, thông tín viên RFA 2016-05-15
Nhiều người đã bày tỏ quyết tâm dù bị đàn áp đánh đập thế nào thì vẫn xuống đường cho cuộc biểu tình ngày 15 tháng 5 năm 2016. Citizen photo
Nhiều người đã bày tỏ quyết tâm dù bị đàn áp đánh đập thế nào thì vẫn xuống đường cho cuộc biểu tình ngày 15 tháng 5 năm 2016. Citizen photo
Chủ nhật những tuần vừa qua, trong tháng 5 năm 2016, ở khắp các tỉnh thành của Việt Nam, người dân sôi sục biểu tình phản đối nhà nước vì đã không đưa ra một giải pháp cụ thể nào cho vấn nạn cá chết hàng loạt suốt dọc bờ biển miền Trung.
Những người biểu tình đã bị đàn áp ở nhiều nơi, ngăn chặn ở một số nơi hoặc như đội cổ động Hải Phòng đã gây “ngỡ ngàng” cho toàn thể cộng đồng bằng hình thức biểu tình hết sức độc đáo, rất “Hải Phòng”. Nhiều phụ nữ bị đánh đập, cản trợ, khủng bố tinh thần... Có người, cùng với con gái của mình không những đã bị đánh mà còn bị cộng đồng mạng “khủng bố” bằng nhiều hình thức sau ngày biểu tình.
Những người biểu tình đã bộc lộ suy nghĩ, cảm xúc và quan điểm của mình và những suy nghĩ đó, đã được truyền thông truyền tải rộng rãi tới công chúng trên các phương tiện truyền thông. Thế còn những người phụ nữ không tham gia biểu tình thì sao? Họ có suy nghĩ gì và quan điểm thế nào về vấn đề này?
Mình nghĩ là ở Việt Nam thì không nên đưa con cái đi biểu tình. Bởi vì chính phủ Việt Nam không tôn trọng quyền tự do của mọi người, nhất là của trẻ con.
- Chị Ngọc
Báo chí lề phải gần đây liên tục đưa tin, theo Bộ Khoa học và Công nghệ, đã có gần 100 chuyên gia từ hơn 30 viện nghiên cứu, trường đại học trong nước ở nhiều lĩnh vực như: nuôi trồng thủy sản, địa chất, hóa, công nghệ vũ trụ... vào cuộc tìm nguyên nhân cá chết bất thường ở các tỉnh miền Trung.
Các chuyên gia đã lấy hàng trăm mẫu cá chết trên biển và trong lồng, mẫu nước, trầm tích, sinh vật phù du từ ngày 7/4/2016 để phân tích độc tố, dịch bệnh thủy sản, sự hiện diện của tảo độc, các thông số môi trường. Họ cũng lấy số liệu về động đất để phân tích sự hiện diện của hiện tượng sốc nhiệt, ảnh hưởng của hiện tượng này; số liệu về viễn thám để tìm hiểu dòng chảy, dầu loang….
Nhiều nguyên nhân như hiện tượng shock nhiệt, ảnh hưởng của dầu loang... đã được loại trừ. Nguyên nhân mà người dân cho rằng đã gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt này, vấn đề xả thải thiếu khoa học và không được kiểm soát của các nhà máy trong khu công nghiệp Formosa, cũng đã được loại trừ. Và cho đến hôm nay, nhóm nghiên cứu được trang bị đầy đủ các phương tiện hiện đại, tiêu tốn không biết bao nhiêu ngân sách nhà nước này vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính xác dẫn đến hiện tượng cá chết hàng loạt suốt 200km biển miền Trung.
Trong khi lãnh đạo và truyền thông của Đảng ra sức chứng minh biển và cá biển an toàn, kêu gọi người dân ủng hộ ngư dân miền Trung ăn cá một cách mù quáng, người dân vẫn tiếp tục xuống đường vào các sáng chủ nhật nhằm bày tỏ quan ngại về vấn nạn môi trường cũng như yêu cầu chính quyền minh bạch thông tin.
Dư luận viên, hòa bình viên và những người thân Cộng khác ra sức chửi rủa, tạo sức ép dư luận lên những người biểu tình, tạo thêm sức ép tâm lý. Những người “trung dung” như chị Ngọc (Hà Nội) cho rằng:
“Mình nghĩ là ở Việt Nam thì không nên đưa con cái đi biểu tình. Bởi vì chính phủ Việt Nam không tôn trọng quyền tự do của mọi người, nhất là của trẻ con.”
Cho trẻ nhỏ đi tuần hành vì môi trường là một việc làm rất có ý nghĩa, cha mẹ lên tiếng vì môi trường là vì tương lai của chúng. Khi người dân xuống đường với con cái họ, vì họ còn chút ít hy vọng rằng họ có một tiếng nói để có thể được nghe thấy, rằng tương lai của trẻ em phải được báo động và quan tâm.
Tuy nhiên, trong bối cảnh Việt Nam, vì chính quyền đối xử với người dân không trong tương quan của một nhà nước PHÁP QUYỀN và coi trọng con người, mỗi người làm mẹ đều cân nhắc vấn đề này một cách cẩn trọng. Tú – một bà mẹ ở Hà Nội cho biết:
“Đi nó đè cho bẹp ruột. Nếu là ngày thường thì cũng đi nhưng mà chủ nhật thì không có ai trông con cho mà đi mà bế nó đi thì chúng nó đè cho bẹp ruột.”
Mỗi bà mẹ đều cân nhắc thiệt hơn rất kỹ càng mỗi khi quyết định tham gia một hoạt động nào đó, đặc biệt là các hoạt động liên quan đến “chuyện chính trị” mà họ biết chắc sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống và sự an toàn của con cái họ. Tuy nhiên, nỗi lo lắng, uất hận thì trong lòng ai cũng tràn trề. Hễ không có con cái để lo lắng, họ luôn luôn rất sẵn sàng. Chị Hạnh, một người khuyết tật ở huyện Gia Lâm – Hà Nội đã luôn muốn xuống đường nhưng sức khỏe không cho phép, chia sẻ quan điểm:
“Có làm ăn gì đâu, suốt ngày theo dõi đi biểu tình đây này. Chị cũng muốn đi lắm, máu đi lắm. Ở nhà cứ chơi suốt ngày, độc bán vài cái hàng cũng chán. Cứ muốn đi biểu tình nhưng mà sức khỏe kém nên là cũng hốt. Ở nhà cứ theo dõi. Kiểu này thì chắc chết hết. Chắc là Chủ nhật tuần nào chúng nó cũng tổ chức. Cái thằng này này (bạn), chị nghĩ là cái thằng này hôm vừa rồi kiểu gì nó cũng bị tóm nhưng mà nó cũng thoát được rồi. Nó nhắn tin nó bảo là em bị vồ trượt. Chúng nó chủ yếu là tóm một vài thằng kiểu trùm một tí để mọi người dân còn sợ. Nhưng mà kiểu này dân lại càng căm giận, càng ức chế thêm.
Thật ra là chúng nó không có đạo đức. Việc tai hại như thế, bây giờ chất độc đấy nó ngấm xuống lòng đất rồi mình ăn nước ở đâu, chả bơm nước lên ăn thì ăn nước ở đâu. Chết dần chết mòn hết, nước ở đâu ăn. Nước mưa thì cũng không có, không khí mà nó độc thì nó ngấm vào thì nước cũng độc thì mình cũng chết. Bây giờ làm thế nào, sống kiểu gì mà bây giờ nhà nước thì cứ bao che như thế, không ủng hộ dân thì thôi lại còn đàn áp, bắt bớ, đánh đập, cả phụ nữ như thế mà được.
Bên Nhật, người ta còn đi hộ tống người Việt Nam đi biểu tình, Việt Nam làm sao mà lại ngu thế không biết. Người ta đi biểu tình để đòi công lý, đòi quyền lợi chứ có phải là đi cướp giật đâu mà sao mà đi đàn áp như thế.
- Chị Hạnh
Bây giờ người nước ngoài người ta nhìn vào, thấy người Việt Nam được coi là người trong gia đình, không bao bọc lẫn nhau lại còn đánh nhau thế thì hỏi người ta nghĩ gì về mình. Như bên Nhật, người ta còn đi hộ tống người Việt Nam đi biểu tình, Việt Nam làm sao mà lại ngu thế không biết. Người ta đi biểu tình để đòi công lý, đòi quyền lợi chứ có phải là đi cướp giật đâu mà sao mà đi đàn áp như thế. Căm thù hả! Thế nhưng mà người Việt Nam mình, ví dụ như cả xóm này làm gì có mấy người theo dõi đâu, người ta chỉ là nông dân nông thôn, suốt ngày đi làm chứ có biết gì đâu. Nó không đưa lên vô tuyến. Nó bưng bít hết, người dân có biết gì đâu chỉ có một số người theo dõi tin tức qua internet thì biết được, nói ra thì dân lại chả hiểu, lại bảo là toàn cái bọn phản động!”
Nhiều nhà nghiên cứu lịch sử cho các cuộc biểu tình là nhân tố quan trọng trong quá trình tiến hóa của nhân loại. Chính các cuộc biểu tình đã khơi mào hoặc kết thúc các cuộc cách mạng lớn trong lịch sử, từ cách mạng Mỹ đến cách mạng Pháp. Cũng chính các cuộc biểu tình đã mang lại độc lập cho nhiều quốc gia thuộc địa ở châu Phi và châu Á, bao gồm cả Ấn Độ; chấm dứt chế độ phân biệt chủng tộc ở Nam Phi; dẫn đến việc Mỹ rút quân ra khỏi Việt Nam; mang lại chiến thắng cho các phong trào tranh đấu cho nhân quyền và nữ quyền, cho giới lao động, và nhiều nỗ lực bảo vệ môi trường...
Biểu tình là hành động văn minh thể hiện quyền tự do ngôn luận của người dân, được quy định tại Điều 25 Hiếp pháp Việt Nam năm 2013.
Trong buổi tiếp xúc cử tri tại TP.HCM, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định: “Nếu được làm Đại biểu Quốc hội, tôi sẽ chú trọng xây dựng các hình thức, cơ chế, biện pháp cụ thể thích hợp để nhân dân bày tỏ chính kiến và thực hiện quyền làm chủ của mình.”
Có thể nói, ở Việt Nam, biểu tình vẫn là một lựa chọn tối ưu cho những kẻ thấp cổ bé miệng nếu họ muốn tiếng nói của họ được nghe. Hẳn một lúc nào đó, khi những người phụ nữ đã quen thuộc với việc sử dụng quyền biểu tình và đất nước đã có được những quyền tự do cơ bản, họ - những người phụ nữ sẽ không chỉ phản đối những bất công trong cuộc sống thường ngày, liên quan đến nữ quyền bằng cách like và share các bài viết của Trang Hạ hay mạnh mẽ chia sẻ quan điểm trên các diễn đàn mà còn xuống đường yêu cầu chính phủ thực thi đầy đủ các cam kết quốc tế cũng như luật đã ban hành về quyền phụ nữ.
No comments:
Post a Comment