Sunday, May 15, 2016

Thiên tạo và nhân tạo

Trần Viết Đại Hưng -14-05-2016
1
Từ hồi khai thiên lập địa, con người vốn sợ hãi trước những hiện tượng trong thiên nhiên như sấm chớp bão bùng, mưa gió, nắng hạn để rồi đi đến chuyện thờ cúng thần mưa, thần gió, thần sấm v..v.. Dần dần do khoa học ngày càng tiến bộ, con người ngày càng tự tin hơn và đi đến chỗ cao ngạo, cho rằng con người có thể làm ra được tất cả, coi như cướp quyền tạo hóa. Thiên tạo ( thường được gọi là Hóa công, tức thợ trời) sẽ được bàn tay con người thay thế ( nhân tạo) chăng? Liệu con người có thể làm ra bất cứ cái gì mà ông trời đã sinh ra không ? Câu trả lời không đơn giản mà phải tìm hiểu và so sánh những gì con người có thể làm và những gì trời sinh thì mới đưa ra một kết luận khách quan và chính xác được.
Trên trái đất này, núi Everest là núi cao nhất thế giới với chiều cao khoảng chừng 29028 bộ ( feet ), nghĩa là khoảng chừng 8550 m. Con người cho đến giờ phút này chỉ xây dựng nhà chọc trời cao trên dưới chừng 2000 m. Có lẽ không bao giờ công trình kiến trúc của con người đạt đến độ cao 8550 m như đỉnh núi Everest. Nói thế để thấy con người còn lâu mới qua mặt thiên nhiên trong chuyện kiến tạo độ cao. Rồi độ sâu nhất dưới biển được tìm thấy là một vùng biển nằm gần nước Phi luật Tân có độ sâu chừng 10000m. Với độ sâu này còn lâu con người, cho dù với những phương tiện đào sâu hiện đại nhất, cũng khó mà đào được độ sâu 10000m như độ sâu gần một eo biển ở Phi luật Tân. Con người một lần nữa lại thua thợ trời trong chuyện đào sâu dưới nước.
Mấy trăm năm nay có sự tranh cãi về chuyện thế giới con người và sinh vật trên trái đất này là do Sáng tạo ( creation) hay Tiến hóa ( evolution) mà thành. Thuyết Sáng Tạo cho rằng Thượng đế ( ông trời ) sinh ra trái đất và mọi loài, trong khi thuyết Tiến Hóa cho rằng sự sống trên trái đất có được do tiến hóa mà thành chứ không có ai sinh ra cả. Thuyết Tiến Hóa đã đưa ra nhiều giải thích khoa học về sự tiến hóa của mọi loài nhưng không giải thích được mọi chuyện. Thuyết Tiến Hóa không giải thích nổi chuyện cái trứng có trước hay con gà có trước. Xem ra nó vẫn có những hạn chế trong cố gắng tìm cách giải thích sự có mặt và chuyển biến của mọi loài.
Khởi đầu là nhà khoa học Jean Baptiste Lamarck ( 1744- 1829). Ông đưa ra một học thuyết tương đối hoàn chỉnh về sự tiến hóa của sinh vật. Ông thu thập và phân loại các động vật không xương sống ở Viện Bảo tàng lịch sử tự nhiên ở Paris. Dùng phương pháp so sánh những loài còn sống với những loài đã hóa thạch, Lamarck nhận thấy có sự biến đổi theo trình tự thời gian ở những hóa thạch cổ đến các hóa thạch trẻ hơn để dẫn đến các loài hiện tại ( các dạng phức tạp hiện nay xuất phát từ các dạng đơn giản từ thời xa xưa). Lamarck công bố học thuyết Tiến Hóa của ông vào năm 1809. Ông cho rằng rõ ràng là tạo hóa tạo ra mọi vật từng tí một và nối tiếp nhau phát triển lên trong thời gian vô hạn định.
Giống như bậc thầy đi trước Aristote, Lamarck cũng sắp xếp các sinh vật thành những bậc thang, mỗi bậc gồm các dạng giống nhau. Ở trên cùng là những sinh vật nhỏ li ti mà ông tin rằng chúng được tạo thành liên tục bằng cách tự sinh sản từ các vật liệu vô cơ. Ở trên cùng của bậc thang tiến hóa là các động vật và thực vật phức tạp nhất. Sự tiến hóa phát sinh do xu hướng nội tại vươn tới sự hoàn thiện. Khi một sinh vật đạt tới tình trạng hoàn thiện, chúng sẽ thích nghi ngày càng tốt với môi trường sống.
Lamarck còn đưa ra quan niệm cho rằng những phần nào cơ thể được sử dụng thường xuyên sẽ trở nên lớn hơn và mạnh hơn, trong khi những phần của thân thể không được sử dụng sẽ bị thoái hoá và đào thải . Ông đưa thêm quan niệm về sự di truyền các tính chất tập nhiễm . Theo lý thuyết này, những biến đổi mà sinh vật thu nhận được trong suốt đời sống của chúng có thể di truyền đến cho thế hệ sau. Ví dụ cụ thể là trường hợp của con hươu cao cổ. Theo sự giải thích của Lamarck, tổ tiên của loài hươu này lúc đầu có cổ ngắn, nhưng rồi cổ cứ phải vươn dài ra để có thể ăn những lá cây ở những tàn cây cao vốn là nguồn thức ăn chính của chúng. Sự thường xuyên phải rướn cổ như thế làm cho cổ của con cháu chúng sẽ cứ dài ra. Cứ tiếp tục như thế thì thế hệ sau có cổ dài hơn thế hệ trước đó và hình thành loại hươu cao cổ như chúng ta nhìn thấy ngày nay.
Nhân nói đến loài hươu cao cổ thì cũng nói thêm đến hai loài chim có cánh ngắn là chim Ðà điểu ở Phi châu và chim cánh cụt ( Penguine) ở những đảo vùng Bắc Ðại tây Dương. Hai loài chim này vì cánh ngắn nên không bay được vì thế chúng chỉ đi hay chạy mà thôi. Thế thì thuyết Tiến hóa giải thích hiện tượng cánh ngắn của hai loài chim này như thế nào? Có phải vì thích ứng với môi trường thiên nhiên mà cánh của chúng lúc đầu dài có thể bay được, nhưng dần dần ngắn đi để có cánh ngắn như ngày hôm nay ? Hay là khi có mặt trên trái đất thì Ðà điểu và chim cánh cụt Penguine đã có cánh ngắn như thế và kéo dài đặc điểm cánh ngắn và cánh cụt cho đến ngày hôm nay? Trời sinh chúng ra như thế nào thì ngày nay chúng vẫn giữ đặc điểm cánh ngắn như ngày nay! Thuyết tiến hóa thật sự bế tắc nếu muốn giải thích cánh ngắn ở hai loài chim Ðà điểu và chim cánh cụt.
Về cơ bản, quan niệm tiến hóa của Lamarck là đúng đắn nhưng ông ít được nhắc nhở đến sau này vì những dữ kiện tiến hóa do ông đưa ra đã không được chứng minh đầy đủ. Nhiều thí nghiệm lại còn cho thấy các tính chất tập nhiễm không thể di truyền đến thế hệ sau. Chỉ có những thay đổi trong cấu trúc di truyền của các tế bào sinh dục mới có thể truyền từ cha mẹ đến con cái.
Sau Lamarck thì đến học thuyết Tiến Hóa của nhà tự nhiên học Darwin ( 1809- 1882). Darwin đã đưa ra một học thuyết toàn diện về nguồn gốc của loài do chọn lọc tự nhiên. Theo học thuyết Darwin, tất cả các sinh vật da dạng ngày nay là kết quả của một lịch sử tiến hóa lâu dài. Tất cả mọi loài sinh vật thường xuyên thay đổi và những thay đổi này của mỗi loài giúp cho chúng thích nghi với môi trường sống. Học thuyết này đã cho thấy không cần một bàn tay siêu nhiên nào sáng tạo ra những sinh vật đa dạng trên trái đất. Một trong các đặc tính chung của sinh vật là khả năng biến dị di truyền, có nghĩa là khi có sự biến dị trên cơ thể của loài nào để thích nghi với môi trường sống thì sự biến dị này sẽ di truyền đến đời sau. Những biến dị này cung cấp nguyên liệu cho sự tiến hóa hoạt động.
Darwin còn đưa ra lý thuyết ” Ðấu tranh sinh tồn “, bao gồm không chỉ sự sống sót của một cá thể mà cả nguyên cả loài. Những cá thể thích nghi nhất với môi trường sẽ tồn tại qua quá trình chọn lọc tự nhiên. Trong các cá thể biến dị trong một loài, những cá thể nào có khả năng thích nghi nhất với môi trường sẽ có nhiều cơ hội sống sót và sinh sản để truyền lại cho thế hệ sau những đặc điểm biến dị đó. Sự biến thiên về sức mạnh, kích thước, hình dạng, sự thông minh, sự chịu đựng, tuy rất nhỏ và tiến từ thấp đến cao. Do đó, các sinh vật tồn tại hay tuyệt chủng tùy thuộc vào khả năng thích nghi với môi trường sống chung quanh và mọi sinh vật, kể cả con người, đều có liên hệ với nhau và cùng tiến hóa trong nhiều triệu năm từ những mầm sống xa xưa. Dù thuyết Tiến Hóa có những bằng chứng khoa học nhưng các nhà sinh vật và khoa học gia vẫn còn tranh cãi về một số chi tiết về vấn đề mầm mống nguyên thủy từ đâu mà sinh ra, và cơ chế tiến hóa và sự vận hành của tiến hóa ra sao.
Ngoài ra Darwin còn đưa ra kết luận là toàn thể những động vật tương tự nhau phải tiến hóa từ một tổ tiên chung và tất cả các sinh vật phải tiến hóa từ một vài hoặc một tổ tiên chung đã sống cách đây nhiều triệu năm.
Dĩ nhiên học thuyết Tiến Hóa được coi như một thành tựu khoa học trong khi thuyết Sáng tạo không được coi là một lý thuyết khoa học. Do đó có sự mâu thuẫn khi dạy thuyết Sáng Tạo và Tiến Hóa trong lớp học. Khoa học tìm hiểu những hiện tượng thiên nhiên bằng quan sát trực tiếp và thực nghiệm. Những diễn giải về những sự kiện khoa học luôn chỉ có tính cách tạm thời và phải được kiểm chứng sau này. Trong khi thuyết Sáng tạo chỉ căn cứ vào những lời mạc khải hay viện đến Ðấng siêu nhiên thì không có tính khoa học vì không có bằng cớ để chứng minh. Có sự khác biệt sâu đậm giữa niềm tin tôn giáo vào sự Sáng Tạo và những giải thích khoa học của thuyết Tiến Hóa. Do đó trình bày cả hai quan điểm trong lớp học thì mang lại sự hoang mang cho học sinh vì sự mâu thuẫn của hai học thuyết. Do đó trong lớp học nên dạy thuyết Tiến Hóa còn cuối tuần đi nhà thờ thì ngồi nghe giảng thuyết Sáng Tạo. Làm như vậy sẽ có sự hài hòa giữa trí não và tinh thần. Khoa học tượng trưng cho lý trí và tôn giáo thường đề cao phần hồn của con người. Tin tưởng vào thuyết Tiến Hóa và có cảm tình với thuyết Sáng Tạo thì cũng không có gì gọi là bất bình thường đối với một con người.
Cộng sản Việt Nam vốn đề cao với học thuyết Duy vật nên khá tâm đắc với thuyết Tiến Hóa của Darwin, bởi vậy chúng cho giảng dạy thuyết Tiến Hóa của Darwin trong môn Sinh vật ở bậc trung học. Thuyết Tiến Hóa cho rằng con người ngày hôm nay là do con khỉ qua nhiều triệu năm lao động tiến hóa mà thành. Ðiều giải thích này không hợp lý vì cho tới ngày hôm nay có nhiều loài khỉ và vượn, mặc dù đã lao động qua nhiều triệu năm, vẫn ở dạng khỉ và vượn. Câu hỏi đặt ra ở đây là theo thuyết Tiến Hóa, khỉ , vượn tiến hóa thành người thế thì tại sao có nhiều loại khỉ, vượn vẫn không thành người được ! Cho nên học thuyết Tiến Hóa vẫn không hoàn chỉnh khi cố gắng giải thích về nguồn gốc của con người. Thuyết Tiến Hóa chưa hoàn toàn đánh bại thuyết Sáng Tạo về sự xuất hiện của con người trên trái đất.
Vào tháng 2/1997, các nhà khoa học thuộc viện Roslin ở Edinburrgh ( Scotland) đã tạo ra được một con cừu theo kiểu sinh sản vô tính ( cloning) và đặt tên con cừu là Dolly. Họ lấy nhân ( chứa chất liệu di truyền DNA) từ tế bào con cừu trưởng thành rồi đem cấy vào một noãn bào của con cừu đã loại bỏ nhân để tạo ra một phôi. Sau đó đem cấy phôi này vào tử cung của một con cừu cái cưu mang cái thai và đẻ giùm. Có điều phải nói ở đây là sau khi sinh ra được một vài năm, con cừu sinh sản vô tính Dolly đã chết và nói chung sức khỏe nó cũng không được lành mạnh như một con cừu được sinh ra theo cách bình thường. Có lẽ vì sự thoái hoá gien và từ đó ít khả năng tồn tại hơn những con vật bình thường. Tuổi thọ của con cừu Dolly cũng ngắn thua con cừu bình thường. Xem thế mới thấy con cừu do con người làm ra theo kiểu sinh sản vô tính cũng không thể nào bằng được con cừu được sinh ra bởi một con cừu đực và một con cừu cái. Một số nhà sinh vật hăm he sẽ làm ra con người vô tính và nhiều nước đã ra luật cấm làm chuyện này vì nó phi đạo đức. Thử tưởng tượng một con người sinh ra không có cha và mẹ thì tương lai và cuộc sống của người đó sẽ đi về đâu. Ðó là chưa nói đến chuyện sức khỏe của con người vô tính ( nếu tạo được) chắc chắn sẽ không được lành mạnh, bình thường như một con người được hình thành do người nam cha và người nữ mẹ. Con người còn lâu mới cướp quyền tạo hóa trong chuyện tạo thành một con người có thể xác và tinh thần bình thường.
Khi người đàn bà sinh con ra thì có một điều kỳ diệu xảy ra là hai vú người mẹ đang chứa đầy máu và thịt biến thành bầu sữa để nuôi con. Sữa người mẹ rất phù hợp cho việc phát triển não bộ của cháu bé. Ðây là nguồn thực phẩm thiên nhiên có giá trị dinh dưỡng cao dành cho các cháu mới sinh. Ngoài chuyện sữa mẹ giúp phát triển não bộ, nó còn che chở và tăng sức đề kháng và trong ba tháng đầu từ khi mới sinh ra, thể xác em bé chưa đủ sức đề kháng chống lại sự bệnh hoạn từ bên ngoài vào. Sau những nghiên cứu còn cho thấy những cháu bé bú sữa mẹ thì ít khi mắc bệnh tiêu chảy, ít mắc bệnh béo phì và ung thư. Những chất béo trong sữa mẹ giúp cho trung tâm hô hấp của cháu bé được mạnh mẽ hơn. Cho tới giờ phút này mặc dù với những phương tiện khoa học tối tân, các khoa học gia cũng không thể chế được một loại sữa bột hay nước nào có thể so sánh với chất lượng bổ dưỡng và chống lại bệnh tật của sữa mẹ. Sữa bò có thể tạm thay thế sữa mẹ để nuôi trẻ sơ sinh đối với những bà mẹ không đủ sữa cho con bú hay bận phải đi làm không cho con bú thường xuyên được. Nhưng sữa bò cũng có những hạn chế về mặt dinh dưỡng và không thể so sánh với sữa mẹ. Sữa bò ở dạng bột hay đặc do con người chế tạo ra từ sữa bò vắt từ vú bò cái không bao giờ bằng được sữa mẹ trời sinhï. Ở Tây phương có những ngân hàng sữa lưu trữ sữa mẹ để cung cấp cho những đứa trẻ quen dùng sữa mẹ và dị ứng với sữa bò.
Khoa học Y khoa trong những năm vừa qua đã có sự tiến bộ vượt bực. Riêng trong lĩnh vực Y khoa thẩm mỹ, phải ghi nhận thiện chí và ích lợi của các bác sĩ giải phẫu thẩm mỹ đã giúp cho những đứa trẻ lỡ sinh ra với những dị tật trên gương mặt như sứt môi, hàm ếch có được một gương mặt lành lặn, giúp cho các em đỡ phải mặc cảm khi lớn lên. Nhưng Y khoa thẩm mỹ cũng khó biến một cặp cắt ti hí mắt lươn thành một cặp mắt bồ câu to tròn. Dù tài giỏi đến đâu, các bác sĩ Y khoa cũng khó biến người con gái với một dung nhan ” ma chê quỷ hờn ” như cô nàng Thị Nở của nhà văn Nam Cao thành một hoa hậu được ! Những chuyện bơm mông, độn ngực bằng chất hóa học vào thân thể người đàn bà để có cặp mông đầy và bộ ngực no tròn, khêu gợi sẽ có những hậu quả không tốt về lâu, về dài khi chất hóa học Silicon chảy ra. Ðiều đó cho thấy vẻ đẹp trời cho là vẻ đẹp tự nhiên đáng quý, còn vẻ đẹp do Y khoa thẩm mỹ tạo nên là vẻ đẹp giả tạo và có những hậu quả xấu cho sức khỏe sau này. Nói tóm lại, cho dù thời đại tân tiến có những mỹ phẩm tốt và dù tài nghệ giải phẫu của bác sĩ thẩm mỹ có tài giỏi đến đâu thì cũng không tạo được một sắc đẹp toàn mỹ nơi người đàn bà như tạo hóa đã sinh ra. Thợ người còn lâu mới so sánh nổi với thợ trời trong chuyện tạo nên sắc đẹp.
Một điều cần nói thêm là cho dù ngành Y khoa ngày nay tiến bộ vượt bực thì vẫn không tạo được giới tính cho đứa bé khi bào thai trong bụng người mẹ được tượng hình. Ðứa bé sẽ là trai hay gái là do trời sinh mà khoa học Y khoa không tài nào tạo được giới tính cho đứa bé dù kiến thức Y khoa ngày nay đủ để giải thích từ lúc bào thai được tượng hình cho đến lúc đứa bé được sinh ra. Với kỹ thuật siêu âm người ta có thể biết được giới tính của đứa bé khi bào thai được vài tháng nhưng không quyết định được chuyện làm cho bào thai là trai hay gái. Con người một lần nữa phải chào thua ông trời trong chuyện quyết định giới tính của bào thai là trai hay gái.
Rồi đến những thực phẩm cải biến gien ( gene). Khoa học đã giúp cho những loại thực phẩm như bắp, lúa có sức thu hoạch nhiều hơn nhưng những thực phẩm này đã cho thấy chúng chứa những chất độc và đã bị một số nước trên thế giới tẩy chay. Cho nên khi cải biến gien để có sự thu hoạch nhiều hơn thì rơi vào tình trạng ” lợi bất cập hại “. Ở đây cũng nói thêm là giống cá Hồi sống ngoài biển cả là một nguồn thực phẩm tốt và nhiều chất dinh dưỡng cho con người. Nhưng khi cá Hồi được nuôi ở trong những nông trại do con người lập ra mà nguồn nước nuôi bị tù đọng chứ không luân lưu như nước ngoài biển thì khi ăn những con cá Hồi nuôi ở nông trại này, cơ thể người có nhiều nguy cơ mắc bệnh ung thư. Rõ ràng ăn cá Hồi sống ngoài thiên nhiên thì có nhiều chất bổ dưỡng, còn ăn cá Hồi trong những nông trại chứa nước biển thì có nhiều nguy cơ bị mắc ung thư. Sự khác biệt coi như đã quá rõ ràng và cho chúng ta thấy rằng cá Hồi nuôi ngoài thiên nhiên biển cả đem lại lợi ích cho sức khỏe con người, trong khi cá Hồi do con người nuôi trong nông trại là một thứ thực phẩm nguy hiểm cho sức khỏe con người.
Ngày nay con người thường ngăn đập để tạo thành thủy điện, vốn là một nguồn năng lượng rẻ riền và quý báu cho sự phát triển kỹ nghệ và đời sống của dân cư. Nhưng khi xây đập để ngăn nước lại, cái lợi là tạo thành nguồn năng lực thủy điện ích lợi cho việc sản xuất , cái hại là làm cho môi trường sinh thái dọc theo bờ sông bị hủy hoại và còn làm cho các giống thủy vật sống trong dòng sông bị tiêu hao. Một ví dụ cụ thể là chuyện xây đập thủy điện do Trung Cộng trên sông Mekong phát xuất từ Tây Tạng và đoạn cuối thì chảy qua Việt Nam trước khi chảy ra biển. Khi xây dựng đập thủy điện như vậy, những loài thủy sản sống trong dòng sông bị hao hụt khá nhiều và làm cho lưu lượng của dòng sông yếu và cạn đi. Thường thì nước sông chảy ra biển, nhưng khi lưu lượng dòng sông yếu đi thì có tình trạng nước sông nhiễm mặn do nước biển chảy ngược xâm lấn vào sông.Tình trạng nhiễm mặn đang xảy ra ở vùng Ðồng Bằng sông Cửu Long cũng là do những đập thủy điện do Trung cộng xây ở thượng nguồn sông Mekông gây ra. Ðiều đó cho thấy rằng khi con người có những kế hoạch làm thay đổi thiên nhiên theo lợi ích của mình thì sẽ có những hậu quả xảy ra từ sự thay đổi đó. Một điều cần nói thêm là chuyện phá rừng vô tổ chức đã là nguyên nhân gây ra lụt lội vì khi rừng mất đi, rễ cây không còn để giữ đất , gây ra tình trạng nước lũ .
Học giả Nguyễn hiến Lê cũng khuyên chúng ta nên sống ” thuận thiên ” , có nghĩa là sống hợp với đạo trời. Trong cuốn sách ” Trang Tử Nam Hoa Kinh” ông đã bày tỏ ý kiến của mình như sau:
” Qui tắc đầu tiên để dưỡng sinh là thuận thiên. Một phần lớn triết học của Trang dựng trên hai chữ thuận thiên đó. Ở trên tôi đã dẫn bài 3 kể cách mổ bò của người bếp vua Văn Huệ. Người đó phải hiểu rõ cơ cấu thiên nhiên của con bò, tránh những gân, xương, chỉ lách lưỡi dao vào những kẽ, nhờ vậy mà không tốn sức, không mòn dao. Cách đó là cách tiếp vật mà cũng là cách dưỡng sinh, vì cơ thể của ta cũng là ” vật ” . Ta phải hiểu cơ cấu của nó, hiểu các bộ phận cần những gì, hoạt động ra sao để điều khiển nó cho hợp với tự nhiên, chứ không mù quáng chống đối nó. Chẳng hạn bị nóng, hoặc khi đi tả nhiều lần, khát nước thì cứ uống; khi không thèm ăn thì cứ nhịn ăn, khi làm việc mệt mỏi thì phải tĩnh dưỡng, đừng cố sức làm tới kiệt quệ. Khi đau ốm thì tốt nhất là nghỉ ngơi, ăn ít, để cơ thể tự chống với bệnh, thuốc chỉ để giúp cơ thể thôi, không nên dùng nhiều. Bài học đó của Trang thời nào cũng nên nhắc lại, nhất là thời này người ta bắt thể xác và tinh thần làm việc nhiều quá, dùng thuốc cũng nhiều quá.
Thuận thiên còn có nghĩa là sống gần thiên nhiên, ăn những thức thiên nhiên, đừng làm trái thiên nhiên: chúng ta ngày nay sống chen chúc trong các thành phố thiếu không khí và nước trong sạch, ăn những thực phẩm bón bằng phân hóa học, phun bằng những thuốc sát trùng, cũng trái với thiên nhiên nữa. Âu, Mỹ , hiện đã thấy cái hại của văn minh cơ giới làm cho không khí, nước, đất đều nhiễm độc và một mặt lập những cơ quan nghiên cứu cách giảm những cái độc đó đi, một mặt khuyến khích mọi người sống gần thiên nhiên, ăn những thực phẩm thiên nhiên.
Thuận thiên còn có nghĩa thứ ba nữa là an thời xử thuận để cho buồn rầu, lo, nghĩ, giận ghét không xâm nhập tâm hồn, làm thương tổn tính tình, như vậy với thảnh thơi tiêu dao được. Lo nghĩ làm gì khi ta không biết được họa ở đâu, phúc ở đâu, có khi phúc đó mà là họa, họa đó mà là phúc, như nàng Lệ Cơ trong bài 2.11,(1) hoặc truyện Tái Ông thất mã trong Hoài Nam tử
( Trang Tử Nam Hoa Kinh của Nguyễn hiến Lê trang 126, 127 , Nhà xuất bản Văn Hóa)
Ngay cả dân chúng ở những nước văn minh ở Tây phương ngày hôm nay cũng bắt đầu có khuynh hướng ăn những thực phẩm hữu cơ ( organic), nghĩa là những thực phẩm được trồng tỉa không bón bằng phân hóa học. Có nhiều người cho rằng thực phẩm được trồng tỉa bằng phân hóa học thì sẽ có nhiều hậu quả không tốt cho sức khỏe con người khi ăn vào. Cho nên thực phẩm thiên nhiên là thực phẩm bảo đảm chất lượng dinh dưỡng không độc hại dành cho sức khỏe con người, trong khi cây trái trồng có sự vun bón bằng phân hóa học sẽ gây ra những tác hại khôn lường và những bệnh hoạn về sau cho những người dùng chúng. Con người đã phun quá nhiều chất hóa học vào thiên nhiên và cho tới ngày hôm nay môi trường sống đã bị nhiễm độc trầm trọng. Tầng ozone ngày càng mỏng do những hóa chất kỹ nghệ thải ra và vì vậy mà trái đất ngày càng nóng dần lên và có thể gây ra nhiều thảm trạng cho môi trường sống.
Ngày nay con người ta chế tạo được những người máy ( Robot) tối tân, có thể tính vài triệu phép tính trong vài giây, nhưng rồi Robot dù co tân tiến tới đâu cũng không thể so sánh sự phán đoán của bộ óc con người. Người máy dẫu có siêu việt, tinh vi đến đâu thì cũng chỉ là người máy, không thể so sánh với lý trí và tinh thần trong một con người được. Người máy có thể làm những chuyện mà con người không theo kịp như chuyện tính toán, lập kế hoạch, sản xuất vật dụng nhưng có những điều người máy không làm được những điều như con người sự nhận xét, phân tích tính tình của một người khác. Khi máy hư thì nằm ụ chờ sửa chữa, còn khi con người ” long thể bất an” thì con người có thể tự mình đi tìm cách chữa bệnh cho mình bằng cách đi khám bác sĩ và nhà thương, kiếm thuốc uống để vượt qua cơn bệnh. Rồi còn chuyện ý chí con người nữa, đó là chuyện mà người máy không bao giờ có . Khi giải quyết một vấn đề, bộ óc con người hồi tưởng quá khứ, đánh giá tình hình hiện tại và dự phóng tương lai, với khả năng tổng hợp như thế thì bộ óc nhân tạo của người máy Robot không thể làm nổi. Người chế tạo ra máy để phục vụ con người nên máy không thể hơn người được.
Cộng sản Việt Nam vì theo chủ nghĩa duy vật nên luôn luôn tin tưởng vào ý chí của con người trong việc chiến thắng với thiên nhiên. Những câu thơ, ” Bàn tay ta làm nên tất cả. Với sức người sỏi đá cũng thành cơm ” ( Hoàng trung Thông) và những câu khẩu hiệu, ” Vắt đất ra nước, thay trời làm mưa” cho thấy cái ý tưởng ngông nghênh duy ý chí của nhà nước Cộng sản. Chế độ Cộng sản đã có một thời huy hoàng và càng làm cho Cộng sản Việt Nam tin tưởng vào thế tất thắng của chủ nghĩa qua biểu ngữ , ” Chủ nghĩa Mác – Lênin bách chiến bách thắng muôn năm”. Nhưng rồi trời không chiều lòng người Cộng sản . Cuối thập niên 80, Liên Bang Xô Viết và khối Ðông Âu tự sụp đổ và tan rã dù không bị ai đánh cả. Cộng sản Việt Nam bàng hoàng nhìn khối Cộng sản đàn anh tan tành thành mây khói mà lo sợ cho chính thân phận mình. Cộng sản thường cho rằng Tư Bản rồi đây trước sau gì cũng giãy chết, nhưng Tư Bản đã không giãy chết mà khối Cộng sản chết mà không kịp giãy ! Thì ra ” Ðất có tuần, Dân có vận ” , mọi chế độ xã hội rồi cũng thay đổi theo định luật vô thường của Ðức Phật chứ không cứ đứng vững mãi với thời gian và sự sụp đổ của Liên xô và khối Ðông Âu không phải là thí dụ duy nhất.
Kể từ ngày Liên xô sụp đổ đến nay cũng đã được 15 năm và chế độ Cộng sản Việt Nam vẫn còn tồn tại với những kế hoạch vá víu, bán nước hại dân . Chúng làm tất cả những gì có thể làm được để chống đỡ cho một chế độ thối nát bất công đã đến hồi bị lịch sử đào thải. Chúng đem đất đai biển cả của tiền nhân để bán tháo bán đổ cho ngoại bang Trung Cộng. Hải quân biên phòng Trung Cộng vừa đây mới giết 9 ngư dân Thanh Hóa càng làm rõ tội ác bán nước của bọn Cộng sản Việt Nam. Ngoại bang giết dân mình mà chúng ” nghẹn ngào ” không đưa ra được một lời phản kháng cho ra hồn. Lý do là Trung Cộng bây giờ bảo trợ cho sự sống còn chính quyền Cộng sản Việt Nam nên làm sao mà Cộng sản Việt Nam chống đối Trung Cộng cho được ! Trong nước chúng cai trị dân bằng một chế độ toàn trị độc tài, bưng bít thông tin, đàn áp nhân quyền, siết chặt tự do, tôn giáo. Chúng tưởng với chế độ công an trị như thế chúng sẽ kéo dài tuổi thọ cho chính quyền thất nhân tâm của chúng. Nhưng chuyện bắt bớ tù đầy không phải là biện pháp hữu hiệu để bịt tiếng nói tự do của con người. Thượng tọa Thiện Minh sau 26 năm tù đày, mới đây khi được thả ra đã dõng dạc tuyên bố trên đài Á châu tự do, ” Nơi nào có áp bức thì nơi đó có đấu tranh. Cho nên nhà nước đừng đặt vấn đề là có còn người chống đối hay không mà nên nghĩ đến chuyện nhà nước còn đàn áp người khác nữa hay không?” Khi ngày càng có những người dân không còn sợ áp bức tù đày như Thượng tọa Thiện Minh thì chế độ Cộng sản Việt Nam coi như tới ngày cáo chung. Rồi lại đến chuyện đấu đá ngày càng quyết liệt của hai Ðại tướng chột mắt Lê đức Anh và Ðại tướng cai đẻ Võ nguyên Giáp đến độ không thể hòa giải được nữa. Sự lên tiếng của Ðồng văn Cống, Phạm văn Xô và Nguyễn văn Thi tố cáo hành vi làm tay sai và độc ác cho kẻ thù Pháp của Lê đức Anh đã làm cho vấn đề tranh chấp thêm trầm trọng và chắc chắn đưa đến sự sụp đổ không tránh nổi của Ðảng Cộng sản Việt Nam. Cộng sản Việt Nam có lẽ rồi cũng giống như Ðảng Cộng sản Liên xô: Tự tan rã sụp đổ chứ không do ai đánh cả! Căn bệnh hiện nay của chế độ Cộng sản Việt Nam giống như một chứng bệnh ung thư đến giai đoạn cuối. Ðông y cũng như Tây y đều bó tay không chữa nổi và con bệnh chỉ chờ ngày bước sang thế giới bên kia.
Có điều nghịch lý và khó hiểu cần nêu ra ở đây là ông tổ Cộng sản vô thần ở Việt Nam là Hồ chí Minh cũng có nhắc đến ông trời. Trong thời đánh Mỹ Hồ chí Minh còn để lại câu nói, ” Ðối với tội ác của Ðếá quốc Mỹ thì Trời không dung, Ðất không tha“. Và trong bản di chúc viết ngày 14 tháng 8 năm 1969 được bí mật chuyển ra ngoại quốc có đoạn viết, ” Ai cũng tưởng tôi là con người vô thần, nhưng riêng Ðức cha Lê hữu Từ thì biết tôi rất tin có Ðấng Tạo Hóa. Vì tin có ông Trời nên tôi xin khẩn cầu cho nước ta và các nước Cộng sản khác trên thế giới sớm thoát ách Cộng sản. Tôi cũng xin ông Trời cho tờ di chúc này có ngày được phổ biến khắp nơi…” Một người vô thần như Hồ chí Minh mà cũng biết tin ông Trời, tin tạo hóa cũng là chuyện lạ ! Bức chúc thư thống thiết này đã đến với mọi người trong và ngoài nước, rõ ràng là có bàn tay ông trời giúp đỡ theo lời khẩn cầu của ông tổ vô thần ở Việt Nam là Hồ chí Minh. Không biết người hầu cận Vũ Kỳ có nhúng tay vào trong chuyện chuyển lá chúc thư độc đáo và thống thiết này của Hồ chí Minh ra nước ngoài hay không? (Muốn đọc toàn bộ lá chúc thư này xin tìm đọc cuốn sách “Con người muôn mặt Hồ chí Minh” của Trần viết Ðại Hưng do nhà xuất bản Văn Mới mới ấn hành). Nhìn tình tình rối ren và suy sụp hiện nay của Ðảng Cộng sản Việt Nam thì thấy nguyện ước muốn Việt Nam sớm thoát khỏi ách Cộng sản cũng sắp trở thành sự thật một ngày không xa.
Thuận thiên giả tồn, nghịch thiên giả vong: Làm thuận theo trời thì tồn tại, làm nghịch với trời thì tiêu vong. Thánh nhân đã dạy rành rành như thế nhưng bọn vô thần Cộng sản hiện nay ở Việt Nam không ý thức được ý nghĩa sâu xa của câu nói để đời này cho đến khi thức tỉnh thì cũng đã quá muộn. Vì nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam gây ra quá nhiều tội ác chồng chất với nhân dân nên một mai đây khi có chuyện đổi đời, sẽ không có cách mạng nhung êm ái như ở Tiệp, không có cách mạng cam ngọt ngào như ở Ukraina mà chỉ có cách mạng máu xảy ra khi người dân đứng lên lật đổ bọn buôn dân bán nước, làm tay sai cho ngoại bang. Chỉ có máu mới rửa sạch những ô uế, lọc lừa, phản trắc, nhục nhã mà Ðảng Cộng sản đã gây ra trong gần một thế kỷ trên quê hương Việt Nam yêu dấu.
Theo đúng quy luật của trời đất, ai ở hiền thì gặp lành và kẻ nào gieo gió thì phải gặt bão. Lưới trời lồng lộng nhưng không có gì lọt qua được. Âu đó cũng là sự công bình của trời đất dành cho con người mà nhờ có sự công bình đó mà cái ác trước sau gì cũng phải bị tiêu vong và cái thiện sớm tối gì cũng được sáng tỏ và xiển dương muôn đời.
Lawndale, một buổi trưa trời xám chì có mưa bay lất phất đầu tháng 3 năm 2005
TRẦN VIẾT ÐẠI HƯNG
Email: dalatogo@yahoo.com
(1) Chuyện Tái ông thất mã thì ai cũng biết rồi. Còn chuyện nàng Lệ Cơ thì được kể lại rằng Lệ Cơ là con gái viên quan giữ biên giới ở đất Ngải . Khi vua Hiến Công nước Tấn đón nàng về cung, nàng khóc tới ướt đẫm vạt áo, nhưng về với hoàng cung, cùng vua đồng sàng, nếm cao lương mỹ vị, nàng hối hận giọt lệ mà nàng đã đổ ra ngày xưa. Cho nên chuyện đời biết đâu là may biết đâu là rủi. Nhưng các bậc đại trí khuyên ta cứ ăn ở cho phải đạo, hợp lòng người, thuận ý trời thì may hay rủi có xảy ra cũng bình tĩnh mà đón nhận.
Theo VietNamDaily.News

No comments:

Post a Comment