Sunday, July 3, 2016

Hoa Kỳ sẽ áp đặt nhân quyền vào viện trợ đối với VN như với Campuchia?

Nguồn tin của Đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) vừa cho biết Hoa Kỳ đã theo dõi những chỉ trích của cuộc đàn áp gần đây của Chính phủ Campuchia đối với giới đối lập và xã hội dân sự và hành động bằng cách liên kết gói viện trợ hàng triệu đô la của mình cho quốc gia này trong năm 2017 với việc cải thiện nhân quyền.
Công nhân Campuchia đình công bị đàn áp. Hình dienngon.vn

Gói hỗ trợ của Hoa Kỳ cho Campuchia trong năm tài chính tiếp theo sẽ lên đến khoảng 77,8 triệu USD, theo một dự luật đã được phê duyệt trong tháng trước. Khoản viện trợ này sẽ dành cho các dự án nhằm cải thiện chăm sóc sức khỏe, dỡ bỏ bom mìn và tòa án xét xử Khmer Đỏ, và một số lĩnh vực khác.
 Nhưng dự luật của Hoa Kỳ đã quy định rằng viện trợ cho Campuchia sẽ được giải ngân chỉ khi Phnom Penh ngừng "bạo lực và quấy rối đối với xã hội dân sự tại Campuchia, trong đó có đối lập chính trị."
 Còn Việt Nam thì sao?
 Có thể nói, từ trước đến nay chính quyền Việt Nam đã khá thoải mái đàn áp nhân quyền nhưng vẫn chưa bao giờ bị Hoa Kỳ và phương Tây áp chế các điều kiện viện trợ, ít nhất trên phương diện công khai.
 Tình hình đó đã dẫn tới hậu quả “nước đổ đầu vịt” ngay trong lúc Tổng thống Mỹ Obama đặt chân đến Hà Nội. Hàng loạt khách mời của tổng thống Mỹ thuộc giới xã hội dân sự đã bị công an Việt Nam thẳng tay nhốt tại nhà riêng. Có đến 9 trên tổng số 15 ghế mời bị trống trong cuộc gặp với tổng thống Mỹ - một hình ản quá đặc trưng cho thấy nếu cả tổng thống Mỹ mà còn bị ngành công an Việt Nam coi thường, bất cứ người dân Việt nào dám thể hiện chính kiến phản đối chính quyền cũng có thể bị bắt.
 Sau khi Tổng thống Obama rời Hà Nội, một loạt động tác trả đũa nhân quyền của chính quyền đã diễn ra. Vụ bắt bớ lớn nhất nhắm vào bà Cấn Thị Thêu – một thủ lĩnh của dân oan đất đai ở Dương Nội, Hà Nội. Có đến bảy chục công an và cảnh sát cơ động xông vào nhà bà Thêu vào lúc 5 giờ sáng. Bức ảnh bà bị hai cảnh sát cơ động mặc áo giáp chống đạn cùng vũ khí từ đầu đến chân bắt giữ cho thấy chính quyền và người dân đã chia hẳn hai chiến tuyến.
 Cũng vào thời gian tháng 6 năm 2016, sáu tổ chức xã hội dân sự độc lập với sự khởi xướng của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, đã ra một tuyên bố chung khẩn thiết khuyến nghị các tổ chức tín dụng quốc tế và các chính phủ nước ngoài rằng đã đến lúc cần suy nghĩ một cách nghiêm túc về cài nhân quyền như một trong những điều kiện tiên quyết vào các chương trình cung cấp tín dụng, đặc biệt là vốn ODA và IDA, kể cả vay vốn ODA với lãi suất thị trường (không ưu đãi) cho Việt Nam.
 Trên phạm vi toàn cầu, dự luật phân bổ 52 tỷ USD cho các dự án và các hoạt động, bao gồm tăng cường quan hệ đối ngoại, tiến hành các hoạt động chống khủng bố, cải thiện sức khỏe và thúc đẩy dân chủ.
 Động thái Hoa Kỳ đặt điều kiện nhân quyền về cung cấp viện trợ cho Campuchia sẽ là một hy vọng để gắn chặt viện trợ với cải thiện nhân quyền ở Việt Nam.
 Lê Dung / SBTN

No comments:

Post a Comment