Thiên Điểu-04-07-2016
(VNTB) - Chính phủ chưa hề hỏi ý kiến người bị hại cụ thể là ngư dân ven biển miền Trung nhưng tự ý thỏa thuận nhận bồi thường. Nếu không phải là hành vi thông đồng với tội phạm thì là gì khác?
Cuối cùng, sau ba tháng tìm đủ mọi cách che giấu không được thì người ta cũng công bố và thừa nhận thủ phạm đầu độc biển miền Trung, kèm theo một dàn xếp áp đặt bất chấp cả luật pháp lẫn trách nhiệm xã hội. Đó là một chính phủ tự ý thỏa thuận với tội phạm là Tập đoàn Formosa khi quyết định nhận 500 triệu dollar bồi thường mà không cần tham khảo ý kiến bất cứ cơ quan nào khác lẫn người bị thiệt hại trực tiếp.
Cũng gần như ngay lập tức, sau khi công bố Formosa chính là thủ phạm xả độc, ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ra ngay thông điệp chỉ đạo về kế hoạch sử dụng số tiền bồi thường mà Formosa đưa ra.
Những động thái trên cho thấy một sự thật vốn đã tồn tại từ lâu ở Việt Nam: Luật pháp không ý nghĩa gì đối với thể chế cầm quyền và người dân không là gì trong xã hội mà tội phạm với kẻ có quyền lực câu kết với nhau.
Thông thường, trong một vụ án, chỉ có Tòa án mới có quyền phán xét việc bồi thường cho nạn nhân.
Ở trong vụ này, chính phủ tân nhiệm đã lập luôn một cú double khi che giấu không xong thì tự thỏa thuận với tội phạm về mức bồi thường. Gạt tất cả các cơ quan hành pháp lẫn lập pháp ra ngoài. Đồng thời giành luôn quyền sử dụng tiền bồi thường mà không tham khảo ý kiến người bị hại.
Một sai lầm hay là một cố ý của ê kíp chính phủ mới?
Theo luật pháp hiện hành của Việt Nam, không có bất cứ cơ sở nào cho phép Chính phủ tự ý quyết định mức bồi thường và sử dụng cả tiền bồi thường theo ý mình như vậy.
Trong phạm vi vụ đầu độc biển, có hai chủ thể bị xâm hại về kinh tế là nhà nước và người dân ven biển. Mức độ thiệt hại cho cả hai chủ thể này là vô cùng nghiêm trọng. Riêng trong thời gian mà Chính phủ cố ý kéo dài để tìm cách che giấu cho thủ phạm thì ngành du lịch, ngành thủy sản đã bị thiệt hại hàng tỷ dollar. Người dân bị thiệt hại cũng hàng tỷ dollar. Chưa nói tới hậu quả tác động lâu dài thì mức bồi thường 500 triệu dollar được Chính phủ ấn định dựa trên cơ sở nào? Nhất là khi nó không được thông qua ý kiến với Quốc hội hay người dân, vì nếu xét riêng chủ thể bị hại là người dân thì ngay Chính phủ Việt Nam cũng phải liên đới trách nhiệm bồi thường cho dân bởi tội danh "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".
Về phía người dân, không chỉ phải gánh chịu hậu quả trực tiếp bởi chất độc do Formosa xả ra. Tổn thất về sinh mạng đã có, tổn hại về sức khỏe trên diện rộng chưa có nghiên cứu nào được thực hiện để đánh giá. Chính phủ chưa hề hỏi ý kiến người bị hại cụ thể là ngư dân ven biển miền Trung nhưng tự ý thỏa thuận nhận bồi thường. Nếu không phải là hành vi thông đồng với tội phạm thì là gì khác? Tự ý quyết định phương án sử dụng tiền bồi thường - trong đó có phần của người dân - nếu xét về luật thì chính là hành vi "chiếm đoạt tài sản".
Nhìn lại toàn bộ vụ việc, có thể nói bộ máy chính phủ tân nhiêm do ông Nguyễn Xuân Phúc đã bộc lộ ngay sự yếu kém khi dính vào một vụ việc vốn có nhiều lựa chọn nhưng lại chọn đi theo con đường sinh tử.
Ngay khi người dân xuống đường biểu tình kêu gọi bảo vệ môi trường và truy tìm thủ phạm, chính người viết đã đưa ra cảnh báo và nhận định: Vụ việc này là thử thách lớn cho chính phủ tân nhiệm, đồng thời qua đó sẽ có nhiều bài học lớn cho cả chế độ cầm quyền lẫn phong trào xã hội dân sự. Và bây giờ, sau khi công bố nguyên nhân cá chết, những sai lầm của chính phủ do ông Nguyễn Xuân Phúc đứng đầu đã đối diện với cái kết thúc sớm khi chưa kịp xây dựng bộ máy ổn định, tạo được dấu ấn uy tín đã chạm vào cái bẫy lợi ích.
Tạm thời bỏ qua những suy diễn vì thỏa thuận lợi ích ngầm, riêng các cơ sở luật pháp minh bạch đã quá đủ để khẳng định: Vụ cá chết sẽ kéo theo cái chết của chính phủ tân nhiệm.
Chắc chắn những vụ kiện từ người dân lẫn các tổ chức độc lập sẽ trả lời trong thời gian không xa.
No comments:
Post a Comment