Sunday, July 3, 2016

Giấc mơ bám biển của ngư dân miền Trung

Xuân Nguyên, thông tín viên RFA 2016-07-03  
000_9Y4W7
Một người dân đi dọc bờ biển với cá chết dạt lên bờ biển huyện Quảng Trạch, Quảng Bình hôm 20/4/2016.  AFP photo
Hàng ngàn ngư dân thuộc bốn tỉnh miền Trung đang mơ giấc mơ ‘bám biển’ để làm ăn sinh sống sau thảm họa môi trường xảy ra. Vậy làm thế nào để giấc mơ của những ngư dân này thành hiện thực?
Ngày 30/6/2016 vừa qua, tập đoàn Formosa Hà Tĩnh đã nhận trách nhiệm về việc gây ra thảm họa ô nhiễm môi trường biển miền Trung, và tập đoàn này đền bù 500 triệu USD, tương đương 11.500 tỷ đồng cho việc khắc phục thảm họa, giúp ngư dân chuyển đổi nghề nghiệp, đồng thời hứa sẽ hạn chế việc xả thải, thay đổi công nghệ xả thải trong tương lai…

Hướng giải quyết thảm họa của chính quyền

Chính quyền Việt Nam đã chấp nhận những cam kết bồi thường từ tập đoàn Formosa Hà Tĩnh, mặc dù họ chưa tham khảo ý kiến của các ngư dân trong vùng thảm họa, hay việc chưa tính toán, chưa thống kê về mức độ thiệt hại... Ngay sau khi Formosa Hà Tĩnh nhận trách nhiệm và đưa ra giá đền bù 500 triệu USD, chính quyền Việt Nam mở phiên họp chính phủ để bàn về vấn đề ‘sử dụng 500 triệu USD để hỗ trợ cho ngư dân 4 tỉnh miền Trung’, đồng tìm các giải pháp để giải quyết thảm họa ô nhiễm môi trường.
Bây giờ cần giúp họ bám biển bằng cách đóng tàu lớn để cho họ để họ đi ra khơi thay vì đánh bắt gần bờ, ra khơi như vậy thì có thể công việc, cuộc sống của họ mới ổn định hơn.
-LM Phê rô Phan Văn Đồng
Trang thông tin điện tử Người Lao Động, ngày 1/7/2016 đã đăng tải bài viết về việc ‘sử dụng 500 triệu USD đền bù của Formosa Hà Tĩnh ra sao’, bài viết đó đã trích việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo các cơ quan hữu trách:
Thứ nhất, Thủ tướng chỉ đạo hỗ trợ lâu dài về sinh kế cho ngư dân, chú trọng hỗ trợ theo hướng đầu tư cho chương trình đánh bắt xa bờ để mang lại hiệu quả dài lâu, bền vững hơn.
Thứ hai, Thủ tướng chỉ đạo phân về Quỹ hỗ trợ môi trường để khôi phục môi trường biển đã bị xâm hại.”
Theo báo Tiền Phong, ngày 30/6/2016 nói về đề xuất ‘chính sách hỗ trợ cho ngư dân vùng ô nhiễm’. Thứ trưởng bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông Thôn Vũ Văn Tám cho biết, bộ đang chuẩn bị trình lên thủ tướng đề nghị hỗ trợ, khắc phục hậu quả ô nhiễm cho ngư dân 4 tỉnh miền Trung. Nội dung của chính sách bao gồm, thứ nhất tạo điều kiện cho những ngư dân có tàu đánh bắt cá công suất lớn từ 90 mã lực (Cv) trở lên được tiếp tục đánh bắt xa bờ; thứ hai là phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội để đào tạo nghề và chuyển đổi nghề nghiệp cho những ngư dân làm nghề đánh bắt gần bờ, làm muối, mắm…; Thứ ba, Bộ cũng sẽ đề xuất một dự án khôi phục, tái tạo lại các rạn san hô cũng như các hệ sinh thái.

Giấc mơ bám biển

Từ xã Kỳ Hà, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, Linh mục Phê rô Phan Văn Đồng quản xứ Quý Hòa cho biết, từ khi Formosa Hà Tĩnh nhận trách nhiệm về việc gây ô nhiễm môi trường biển, những ngư dân ở đây đang lo lắng không biết đến bao giờ họ mới được trở lại làm việc. Theo Linh mục Phê rô Phan Văn Đồng những ngư dân này càng lo lắng hơn khi nghe thông tin về chính sách chuyển đổi nghề cho ngư dân từ phía chính quyền. Trong tâm trạng lo lắng, Linh mục nói:
000_Hkg2509292-622.jpg
Cá do ngư dân đánh bắt xa bờ, ảnh minh họa chụp trước đây.
“Những ngư dân ở đây bám biển đã lâu, bây giờ đem họ làm công nhân, làm những công việc khác… những công việc đó không phù hợp với họ. Bây giờ cần giúp họ bám biển bằng cách đóng tàu lớn để cho họ để họ đi ra khơi thay vì đánh bắt gần bờ, ra khơi như vậy thì có thể công việc, cuộc sống của họ mới ổn định hơn.”
Một ngư dân và cũng là người làm nghề thu mua hải sản ở tỉnh Quảng Bình chia sẻ, trước đây người già đã mất sức lao động, họ chỉ cần ra biển nhặt mấy hòn sỏi, dăm ba con ốc, sò… để bán cũng có tiền nuôi sống bản thân. Ông ước vọng được tiếp tục bám biển để làm ăn sinh sống:
Tôi chỉ tôi ước muốn làm thế nào biển sạch, chúng tôi làm thế nào để đánh bắt cá thôi, chứ chúng tôi không muốn yêu cầu gì hết. Từ ông cha, đến bố mẹ, rồi con cái chúng tôi sống trên đất này là mảnh đất quê hương ông cha để lại. Giờ chúng tôi không muốn gì hết, chỉ làm thế nào cho biển sạch để chúng tôi đánh bắt cá lại thôi.”
Từ trung tâm của thảm họa ô nhiễm môi trường, ông Hằng - ngư dân ở Vũng Áng, huyện Kỳ Anh thấy rằng, việc thực hiện chính sách chuyển đổi nghề nghiệp của chính quyền đối với ngư dân là không cần thiết, thay vì chuyển đổi nghề nghiệp cho ngư dân hãy giúp họ bám biển. Hoài nghi về việc Formosa Hà Tĩnh và chính quyền Việt Nam nói sẽ hỗ trợ việc ngư dân chuyển đổi nghề nghiệp, ông nói:
Dân chúng tôi nghĩ việc chuyển đổi đó có khả năng là để Formosa tiếp tục hoạt động và xả thải tiếp. Vì đã chuyển đổi thì không làm biển, mà không làm biển thì để biển cho Formosa xả thải.
-Ông Hằng
“Dân chúng tôi nghĩ việc chuyển đổi đó có khả năng là để Formosa tiếp tục hoạt động và xả thải tiếp. Vì đã chuyển đổi thì không làm biển, mà không làm biển thì để biển cho Formosa xả thải.”
Từ Quảng Trị, một ngư dân cho biết, gia đình ông tất cả 8 người, con cái còn chưa đến tuổi lao động, nên vợ phải ở chăm con, cả nhà chỉ biết trông chờ vào ông. Tuy nhiên, gần 3 tháng nay, ông chỉ nhận được một số gạo ít ỏi từ phía chính quyền. Mặc dù trông chờ, nhưng không hy vọng về việc chuyển đổi nghề nghiệp sẽ cải thiện được cuộc sống hiện tại, ông nhận xét:
“Nhà nước Việt Nam thì anh cũng hiểu rồi, hứa thì hứa suông thôi, thực tế thì không biết khi nào mới chuyển đổi. Mà không biết khi nào, trông chờ vào chính phủ chuyển đổi. Trông mong chuyển đổi thế nào để mình có một cái nghề tương lai mà làm.”
Ông Hằng yêu cầu chính quyền Việt Nam cần có biện pháp mạnh để ngăn chặn những thảm họa tương tự có thể xảy ra trong tương lai, bằng việc trừng trị thích đáng thủ phạm đã gây ra thảm họa ô nhiễm môi trường biển miền Trung. Ông tiếp lời:
“Vì ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có nói rằng, nếu điều tra ra thủ phạm rồi thì phải trừng trị thích đáng dù đó là ai.
Chúng tôi tin tưởng lời nói của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, chúng tin rằng chúng tôi sẽ có một giải pháp để làm ăn ổn định cuộc sống.”
Về việc làm thế nào để giúp ngư dân bám biển? Linh mục Phê rô Phan Văn Đồng thấy rằng, chính quyền Việt Nam và các cơ quan hữu trách cần ưu tiên vấn đề xử lý môi trường biển, bởi khi và chỉ khi biển sạch, không còn độc tố thì ngư dân mới trở lại cuộc sống như trước kia, và người dân mới dám mua, ăn các sản phẩm của ngư dân làm ra, đánh bắt. Lo lắng về việc xử lý và thời gian xử lý ô nhiễm môi trường biển, Linh mục Phê rô Phan Văn Đồng nói:
“Về việc xử lý môi trường để biển sạch, tôi thấy rất là khó. Tại vì nước có chứa chất độc hại đã hòa tan dưới đáy đại dương khá nhiều rồi, còn các kim loại nặng sẽ chìm lại ở vùng biển gần nhà máy Formosa, và cả vùng biển Kỳ Anh khá nhiều. Việc thu hồi, nạo vét, dọn sạch số kim loại nặng đã chìm dưới đáy biển là việc rất phúc tạp và khó khăn.”
Những ngư dân mà chúng tôi có cơ hội trò chuyện đều bày tỏ mong muốn, họ không muốn chuyển đổi ngành nghề, mà chỉ muốn được tiếp tục bám biển để làm ăn sinh sống, được làm nghề do tổ tiên truyền lại. Chính vì thế, họ mong muốn chính quyền Việt Nam cần có biện pháp tích cực trong việc khôi phục môi trường, tạo điều kiện để họ tiếp tục ổn định cuộc sống. Đồng thời cần đóng cửa nhà máy Formosa Hà Tĩnh để tránh những thảm họa ô nhiễm môi trường trong tương lai.

No comments:

Post a Comment