VIỆT NAM - Đó là đề nghị của ông Trương Trọng Nghĩa, một trong những đại biểu của thành phố Sài Gòn tại Quốc Hội Việt Nam.
Các đại biểu Quốc Hội khóa 13 của Việt Nam đang tham dự kỳ họp cuối cùng trong nhiệm kỳ của họ. Đến cuối tháng 5, dân chúng Việt Nam sẽ bỏ phiếu bầu những đại biểu Quốc Hội cho nhiệm kỳ mới.
Ông Trương Trọng Nghĩa. (Hình: Tuổi Trẻ)
Hôm 1 tháng 4, khi các đại biểu Quốc Hội khóa 13 thảo luận về kinh tế-xã hội Việt Nam, ông Nghĩa - người thường xuyên đưa ra nhiều nhận định, đề nghị thuộc loại cấm kỵ, đặc biệt là người liên tục yêu cầu chính quyền Việt Nam phải thay đổi cả thái độ lẫn cách hành xử trong quan hệ Việt Trung - thêm một lần nữa gây xôn xao dư luận khi yêu cầu phải xác định lại “ta,” “bạn” và “thù.”
Trước nay, chính quyền Việt Nam vẫn xác định, “ta” là CSVN và những người ủng hộ họ, “bạn” là những quốc gia, những cá nhân “có cùng ý thức hệ cộng sản,” ủng hộ và hỗ trợ đảng CSVN duy trì vai trò “lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối,” ngược với điều này là “thù.”
Ông Nghĩa bảo rằng, quan niệm “ta,” “bạn,” “thù” như thế khó mà bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và đem lại thịnh vượng cho Việt Nam.
Theo ông Nghĩa, nay, nên xác định lại, “ta” là tất cả những người Việt ở trong và ngoài Việt Nam. “Bạn” là tất cả những người ủng hộ sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, hỗ trợ Việt Nam trở thành dân chủ, công bằng, văn minh, giàu mạnh. Ông Nghĩa nhấn mạnh, “‘ta’ và ‘bạn’ dẫu khác biệt về quan điểm, cách thức nhưng khác hẳn với ‘thù.’ ‘Thù’ là những thế lực cản trở đổi mới, cản trở phát triển, xâm hại lợi ích quốc gia dân tộc, làm cho Việt Nam suy yếu, lệ thuộc ngoại quốc, khiến người Việt chia rẽ, phá hoại an toàn và an ninh của quốc gia.”
Ông Nghĩa dẫn sự tích Mỵ Châu, Trọng Thủy và nhấn mạnh, “nỏ thần” của An Dương Vương là tinh thần ái quốc và sự đoàn kết của người Việt. Nhờ “nỏ thần” đó mà Việt Nam tồn tại hơn 4,000 năm qua. Giữ “nỏ thần” không chỉ nhằm bảo vệ Việt Nam trước họa xâm lăng mà còn nhằm xây dựng Việt Nam trở thành hùng cường. Ông ví von: “Nỏ thần chớ để sa tay giặc. Mất cả cơ đồ lẫn biển sâu.”
Bởi chính quyền Việt Nam không muốn thay đổi quan niệm về “ta,” “bạn,” “thù,” ông Nghĩa dẫn ra thực trạng, trí thức giỏi không muốn quay về làm việc, doanh nhân giỏi muốn bỏ đi. Ông Nghĩa còn chỉ ra một điểm phi lý là dù những viên chức đương nhiệm, cũng như đã nghỉ hưu vừa khăng khăng giữ quan niệm về “ta,” “bạn,” “thù” theo kiểu cũ, vừa tìm đủ cách để cho chính mình và con cháu của mình ra ngoại quốc định cư. Sở dĩ có thực trạng này không phải vì Việt Nam nghèo mà vì người ta cảm thấy không vui, không an toàn về mặt pháp lý, các quyền cơ bản không được tôn trọng, kể cả sự lo âu về nguy cơ bị lệ thuộc. Thay đổi quan niệm “ta,” “bạn,” “thù” là thay đổi cách hành xử, dẫu chưa giàu nhưng dân chúng thật sự có tự do, dân chủ, thật sự được sống an toàn, sống với nhau có tình. Người Việt có thể tự hào về xứ sở của mình.
Theo ông Nghĩa, trách nhiệm lớn nhất của chính quyền Việt Nam là phải làm sao để Việt Nam trở thành một nơi đáng sống, mọi người muốn ở lại chứ không muốn bỏ đi. (G.Đ)
04-01- 2016 1:27:50 PM
No comments:
Post a Comment