Friday, April 1, 2016

'Có lãnh đạo tử tế sẽ có công dân tử tế'

Theo BBC-1 tháng 4 2016 

Image copyrightDo Viet Khoa
Image captionÔng Đỗ Việt Khoa cũng tham gia tự ứng cử Đại biểu Quốc hội
Thầy giáo Đỗ Việt Khoa, người nhiều năm đấu tranh chống lại gian lận trong thi cử và giáo dục cho rằng, để có xã hội tử tế cần những người công dân tử tế, nhưng cốt lõi nhất là có những lãnh đạo tốt để người dân học tập.
Ông Đỗ Việt Khoa cùng nhà xã hội học Khuất Thu Hồng và anh Nguyễn Khắc Giang từ viện Nghiên cứu Chính sách tham gia trong chương trình Bàn tròn thứ Năm về 'làm người tử tế' ở Việt Nam hôm 31/03.
Xem lại thảo luận tại: http://bit.ly/1UwZ70o
"Môi trường sống, môi trường xã hội là nguyên nhân quan trọng nhất cho sự tử tế của con người mà người làm gương trước hết là cha mẹ, anh chị trong gia đình, sau đó là thầy cô giáo ở trường, mà cao hơn nữa là những tấm gương của chính quyền.
"Nếu chúng ta có lãnh đạo trong sáng, toàn tâm toàn ý với dân, trách nhiệm, thực sự vì dân, thực sự dân chủ, thì tôi đảm bảo rằng không có công dân nào chê trách lãnh đạo đó, và họ coi đó là tấm gương để học tập.
"Đáng tiếc là Việt Nam bây giờ không có được lãnh đạo như vậy," thầy giáo nói thêm, trẻ em Việt Nam từ nhỏ đã được học và nhìn thấy cái xấu ở khắp nơi, từ trên đường phố cho tới trong nhà trường.
Tuy nhiên Tiến sỹ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện nghiên cứu ISDS cho rằng, mỗi người Việt Nam cũng cần có trách nhiệm trong việc lựa chọn ra lãnh đạo, thể chế tốt đẹp hơn.
"Chúng ta cũng phải tự trách mình, chúng ta đã lựa chọn thể chế như vậy, chúng ta chấp nhận một thể chế như vậy, và nếu thể chế có vấn đề thì chính là mỗi người dân Việt Nam ở đây cũng góp phần cho cái thể chế đó có vấn đề.
"Để xã hội Việt Nam tốt đẹp hơn thì phải có sự nỗ lực của mỗi người dân chứ không thể có phép màu. Một ông lãnh đạo hay 10 ông lãnh đạo nào cũng rất khó để thay đổi, nếu chúng ta không chọn ra một thể chế tốt đẹp thì cũng khó mà thay đổi," chuyên gia nghiên cứu xã hội nhận xét.
Image copyrightAFP
Image captionNguyễn Khắc Giang cho rằng, để có thể chế tốt hơn, thì người dân cũng có trách nhiệm bầu ra những người tốt nhất lãnh đạo đất nước
Chia sẻ quan điểm trên, anh Nguyễn Khắc Giang từ viện Nghiên cứu Kinh tế Chính sách khẳng định thêm, thể chế có vai trò "hết sức quan trọng trong việc định hình lại khả năng sống tử tế của mỗi người.
"Mỗi cá nhân đều có trách nhiệm trong chuyện này. Nếu chúng ta muốn có được thể chế tốt hơn, thi hành pháp luật tốt hơn thì trước tiên chúng ta phải bầu chọn ra được những người tốt nhất để lãnh đạo đất nước.
"Điều này thì ở Việt Nam chưa phải là dễ dàng. Mỗi người dân chúng ta vẫn có quyền bầu cử, ít nhất là bầu ra đại diện của mình trong kỳ bầu cử quốc hội sắp tới, và chúng ta có lá phiếu để bầu chọn.
"Chỉ qua một hành động có thể rất nhỏ là bầu ra những người đại diện cho mình trong quốc hội thôi thì chúng ta đã góp phần hướng tới tương lai mà Việt Nam có thể trở thành quốc gia có nhiều người tử tế hơn."

'Khó và khổ'

Image copyrightKhuat Thu Hong
Image captionNhà xã hội học Khuất Thu Hồng cho rằng cả đạo đức và pháp luật - hai công cụ điều chỉnh hành vi của con người trong xã hội đều đã tê liệt
Bình luận về một ý kiến trên Facebook của BBC Tiếng Việt cho rằng làm người tử tế ở Việt Nam 'quá khó và quá khổ', bà Khuất Thu Hồng nói khổ ở chỗ, nhiều người bị cho là lập dị, thậm chí là 'ngu xuẩn' khi sống tử tế, thực thi luật pháp nghiêm chỉnh.
"Khổ ở chỗ, việc luật pháp là thứ đưa ra để người ta chấp hành một cách nghiêm cẩn thì lại gây cho người ta rất nhiều phiền hà và làm cho người ta không phục."
Tiến sỹ xã hội học nhắc tới hai công cụ quan trọng để điều chỉnh hành vi của con người trong xã hội là luật pháp và đạo đức, nhưng hai công cụ này dường như bị 'tê liệt' hoặc đã 'mất tác dụng', bà Khuất Thu Hồng nói.
"Ở Việt Nam tôi sợ rằng cả luật pháp và đạo đức đều đã tê liệt vì thế nó khiến người dân mất lòng tin vào hai công cụ kiểm soát hành vi này, nên người ta sẵn sàng bỏ qua những đòi hỏi, những ứng xử cần có để trở thành một người tử tế.
"Họ tin rằng nếu mình thực thi pháp luật nghiêm cẩn, nếu mình hành xử đúng đạo đức thì mình sẽ trở thành người lập dị, người ngu ngốc hoặc bị thiệt thòi. Đấy là thực tế rất đau xót ở Việt Nam."
Image copyrightNguyen Khac Giang
Image captionNguyễn Khắc Giang từ Viện Nghiên cứu Kinh tế Chính sách
Cây bút bình luận Khắc Giang lại nêu ra hai vấn đề, mà theo anh, tác động tới việc người Việt có sống tử tế hay không, là vật chất và niềm tin xã hội.
Tuy nhiên bà Thu Hồng lại cho rằng vấn đề không phải là kinh tế, vật chất. Bà lấy ví dụ, thời chiến tranh người Việt sống trong điều kiện kinh tế khó khăn hơn rất nhiều, "nhưng thời ấy không tệ như bây giờ".
Thầy giáo Đỗ Việt Khoa nêu ví dụ từ chính những trải nghiệm của ông khi nêu ra và đấu tranh cho những vấn đề tiêu cực, ông đã nhiều lần bị dọa 'tiêu diệt', 'khủng bố' nhưng khi nhờ cậy đến luật pháp can thiệp thì không nhận được lời đáp, hỗ trợ hay hướng dẫn nào.
Anh Khắc Giang bình luận, với tiêu chuẩn của Việt Nam hiện nay, "để yêu cầu một người sống tử tế theo đúng tiêu chuẩn là chấp hành pháp luật thì không chỉ là về mặt nhà nước mà còn là yêu cầu nỗ lực rất lớn của cá nhân nữa."

No comments:

Post a Comment