Trong quy trình bầu cử hiện nay ở Việt Nam, hội nghị cử tri tại nơi cư trú là thủ tục bắt buộc đối với mọi ứng viên, nhằm lấy “tín nhiệm” đối với họ. Nếu quá 50% thì họ sẽ vào vòng tiếp theo, nếu không đạt thì coi như bị loại. Đối với các ứng viên độc lập, chính quyền CSVN đã sử dụng nhiều biện pháp coi thường pháp luật để phá hoại hội nghị cử tri.
Người ủng hộ anh Hoàng Dũng bị ném mắm tôm - fb Hoàng Dũng
Tối ngày 28/3/2016, tại Hội trường trường Trung học Cơ sở Độc Lập, Quận Phú Nhuận, ứng viên độc lập đầu tiên tại Sài Gòn và cả nước có buổi hội nghị cử tri là anh Hoàng Văn Dũng – thành viên phong trào Con đường Việt Nam, một nhà hoạt động dân chủ - nhân quyền.
Theo anh Dũng chia sẻ qua trang facebook cá nhân và trả lời báo chí, cũng như nhiều người ủng hộ anh cho biết, những người ủng hộ không được vào bên trong, ngay cả vợ của anh Dũng ban đầu cũng không được vào. Bên trong phòng hội nghị, không khí bình thường, không căng thẳng, nhưng có nhiều ý kiến phê bình đại biểu tự ứng cử này, trong đó ông bị mô tả là “chống phá chính quyền, không ủng hộ hay đồng tình với chủ trương của nhà nước”, và “đi biểu tình chống Trung Quốc”.
Trái với không khí “bình thường” trong phòng đó, bên ngoài, những người ủng hộ anh Dũng đã bị ném mắm tôm bởi những kẻ lạ mặt đi xe gắn máy ngang qua, trước sự chứng kiến của nhân viên công an.
Người tiếp theo bị gây khó khăn là ông Nguyễn Kim Môn và ông Phan Vân Bách tại Hà Nội. Đối với ông Môn, chính quyền nơi cư trú đã không thông báo cho ông về buổi hội nghị cử tri, ông có được thông tin nhờ những người hàng xóm thông báo. Sau khi thông tin bại lộ, phía chính quyền đã tới thu lại giấy mời của các hộ dân và hoãn buổi tiếp xúc cử tri. Trước đó, công ty của ông Môn liên tiếp bị kiểm tra thuế bất thường.
Đối với ông Phan Vân Bách, sáng ngày 30/3/2016, chính quyền đã bí mật tổ chức hội nghị cử tri, không thông báo cho ông. Khi hay tin, ông Bách tới địa điểm làm hội nghị, thì họ ngăn cản không cho ông vào tham gia. Ông Bách sau đó đã có đơn tố cáo gửi tới Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban bầu cử Hà Nội.
Kế đến, ngày 30/3/2016, ông Đỗ Anh Tuấn tại Vĩnh Phúc đã trải qua một hội nghị cử tri tại nơi làm việc. Theo ông Tuấn, Công ty ông có 104 người nhưng chỉ mời 15 người, mời các công ty khác 103 người. Thành phần mời chủ yếu là các đảng viên cộng sản. Đa số là những người ông không biết là ai, và họ cũng không biết là ai.
Tại buổi hội nghị, những người lạ mặt “tố cáo” ông Tuấn “tự ứng cử mà không xin phép, không báo cáo tổ chức đoàn thanh niên, qua theo dõi facebook thì anh nói xấu đảng và nhà nước rất nhiều”, “mong muốn sửa hiến pháp là một ước mơ ngông cuồng”.
Đối với tất cả các ứng viên độc lập, trong đó có ca sỹ Mai Khôi tối ngày 31/3/2016, tại hội nghị cử tri, họ không được phát chương trình hành động của họ, không có cơ hội để nêu quan điểm cá nhân thuyết phục cử tri. Đa số các cuộc hội nghị cử tri đều biến thành buổi “đấu tố” các ứng viên độc lập. Toàn bộ những ứng viên độc lập kể trên đều không qua được cuộc “lấy phiếu tín nhiệm”.
Tất cả những gì các ứng viên độc lập trải qua đều trái với các quy định bầu cử hiện hành do chính CSVN đặt ra. Việc làm này nhằm ngăn cản bước tiến tranh cử của các ứng viên độc lập, và cũng thể hiện rõ sự lo sợ của chính quyền trước việc người dân biết và thực thi quyền công dân cao cả.
Cho đến nay, còn nhiều ứng viên độc lập chưa nhận được thông tin về hội nghị cử tri đối với họ. Từ nay đến ngày 12/4 – hạn cuối kết thúc các hội nghị cử tri, người dân sẽ còn thấy cái gọi là “dân chủ đến thế là cùng” đầy mùi mắm tôm tại Việt Nam ra sao.
03/31/2016 - 23:26
Nhật Nam / SBTN
No comments:
Post a Comment