Ngô Nhân Dụng
Bộ trưởng Quốc Phòng Trung Cộng lại qua Việt Nam, chuyến đi thứ ba của các quan chức trọng yếu Trung Cộng kể từ ngày Ðại Hội 12 của đảng Cộng Sản kết thúc. Tại sao ông Thường Vạn Toàn (Chang Wanquan,常万全) không chờ đến khi Nguyễn Xuân Phúc lập chính phủ mới đầy đủ mà phải vội vã qua Hà Nội gặp Phùng Quang Thanh, một người sắp mãn nhiệm? Chuyến đi này có thể nhằm theo dõi, kiểm tra coi việc thay đổi guồng máy nhân sự đang diễn ra có đúng kế hoạch như Bắc Kinh đề xướng hay không.
Thường Vạn Toàn qua Hà Nội sau khi hai tàu Hải Giám Trung Cộng tấn công tàu đánh cá Việt Nam ngoài khơi, trong vùng quần đảo Hoàng Sa, cướp hải sản và đánh các ngư phủ. Trong khi đó, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng vẫn hô hào hai bên phải cộng tác chặt chẽ!
Mối đe dọa của Trung Cộng hiển nhiên trên mặt chính trị và quân sự. Cộng Sản Trung Hoa có cần phải đánh chiếm nước ta hay không? Họ thực sự không cần vì có thể đạt được những mục tiêu chiến lược bằng cách khác.
Trong thời đại này sức mạnh các quốc gia phải dựa trên kinh tế. Chúng ta đã chứng kiến một guồng máy quân sự khổng lồ của Liên Xô, có lúc đóng quân trên một nửa Âu Châu, cuối cùng cũng bất lực khi hệ thống kinh tế quốc doanh tê liệt rồi sụp đổ. Cộng Sản Trung Hoa từ 30 năm qua chú trọng đến phát triển kinh tế hơn là quân sự. Trung Cộng có thể ảnh hưởng tới vận mệnh Việt Nam qua con đường kinh tế, dễ dàng và chắc chắn hơn.
Trong năm 2015, thâm thủng mậu dịch cả nước đối với Trung Quốc lên tới hơn 32.3 tỷ đô la Mỹ, nhập 50 tỷ, xuất 17.7 tỷ đô. Số thiếu hụt tăng nhanh so với năm trước, năm 2013 là 23.7 tỷ, năm 2014 là 28.9 tỷ. Ðó chỉ là cán cân mậu dịch chính thức, chưa kể đến những gánh hàng buôn lậu qua một biên giới hầu như không ai kiểm soát vì các quan chức địa phương rất dễ được hối lộ và đã được “bôi trơn” từ lâu.
Ngay cả khi chính quyền Việt Nam khoe xuất cảng qua Mỹ nhiều hơn, thì trong số hàng may dệt mà Việt Nam bán cho Mỹ, 80% đến 90% là vật liệu nhập cảng từ bên Tàu. Nghĩa là chỉ xuất cảng giúp cho Bắc Kinh, gánh vàng Mỹ đi đổ sông Ngô. Một giáo sư ở Hà Nội nói với đài RFA, công nhận: Kinh tế Việt Nam đang lệ thuộc Trung Quốc đến những thứ nhỏ nhặt như cây kim, sợi chỉ. Trong 11 tháng đầu năm 2015, riêng số hàng rau, trái cây Việt Nam nhập cảng từ bên Tàu đã tăng hơn 21%, lên tới 165 triệu Mỹ kim. Ðó chỉ là con số chính thức, con số thật có thể gấp đôi hay gấp ba. Những thứ rau, trái đó có thể trồng được trong nước, nhưng các nhà vườn người Việt đã bị hàng Trung Quốc đè bẹp.
Ðiều nguy hiểm cho đất nước là Cộng Sản Việt Nam vẫn mở cửa cho Trung Quốc tấn công trên những trận địa kinh tế mà người dân Việt bình thường không để ý tới, vì không nhìn thấy trước mắt.
Một món hàng không ai nhìn thấy là điện từ Trung Quốc truyền qua Việt Nam trong những sợi dây. Các tỉnh phía Bắc nước ta đang nhập cảng điện từ Trung Quốc, tới 6% tổng số điện tiêu thụ trên toàn quốc. Coi như một biên giới đã bỏ ngỏ cho điện chảy qua. Nếu nhà cung cấp bên Tàu cúp điện, vì “sự cố kỹ thuật” nào đó, thì hoạt động kinh tế ở mấy tỉnh phía Bắc sẽ ngưng trệ ngay. Có cảnh lệ thuộc ngoại bang nào đáng sợ như thế không?
Mấy năm trước, ông Phùng Ðình Thức, chủ tịch PetroVietnam phải lên tiếng ta thán rằng công ty Ðiện Lực Việt Nam (EVN) không mua điện từ các nhà sản xuất trong nước mà lại đi mua điện Trung Quốc. Khu điện lực phía Bắc mua điện từ Vân Nam, mà giá điện mỗi năm lại tăng.
Trước đây, ký giả Ben Bland đã viết trên nhật báo Financial Times một bài, “Nhu cầu điện sẽ khiến xung đột Bắc Kinh Hà Nội giảm bớt” (Electricity demands could limit Beijing-Hanoi rift). Nói trắng ra là, vì lệ thuộc về điện, Hà Nội sẽ không dám chống lại Bắc Kinh. Sau khi quan sát thị trường điện lực Ben Bland khẳng định: “Bắc Kinh ngày càng điều khiển kinh tế Việt Nam” (Beijing is increasingly driving Vietnam's economy).
Ben Bland cũng nhận xét Trung Quốc không quan tâm chuyện đầu tư. Trong năm 2010 họ chỉ bỏ vô 365 triệu Mỹ kim, bằng một phần trăm tổng số các quốc gia đầu tư trực tiếp vào Việt Nam. Không cần đầu tư nhiều, vì Trung Quốc có con đường khác để gây ảnh hưởng kinh tế, là đem tiền cho vay. Và họ cho vay dễ dàng hơn ngân hàng các nước khác, đặc biệt trong các công trình xây dựng nhà máy điện.
Ai cũng biết một nước đang bắt đầu phát triển thì nhu cầu điện lực rất lớn. Các quốc gia mới lên đều phải vay tiền ngoại quốc, gọi thầu các công ty ngoại quốc tới xây dựng nhà máy phát điện trong nước mình. Người Việt Nam có thể đi vay các ngân hàng quốc tế, có thể gọi các công ty quốc tế tới đấu thầu trong việc xây cất. Tại sao chính quyền Việt Nam không mở các cuộc “đấu thầu” công khai để các ngân hàng quốc tế cạnh tranh với nhau trong việc đem tiền tới cho vay? Tại sao không mới các công ty quốc tế cạnh tranh đem máy móc, thiết bị tới xây dựng nhà máy điện, sử dụng các chuyên viên và công nhân Việt Nam? Tại sao chính quyền Cộng Sản Việt Nam lại chăm chỉ đi vay các ngân hàng Trung Quốc thay vì vay nước khác?
Ðiện nằm trong một chiến lược kinh tế của Trung Cộng. Họ tấn công ba mặt, tài chánh, kỹ thuật và nhân dụng, mặt nào họ cũng có lợi. Các công ty kỹ thuật Trung Quốc có thể “hiến giá” chấp nhận lấy giá rẻ hơn các công ty quốc tế khác. Vì trình độ kỹ thuật của họ thấp hơn, phẩm chất các máy móc của họ cũng thấp hơn. Và tất nhiên, lương các chuyên viên và nhân công của họ cũng thấp hơn tiêu chuẩn quốc tế! Nhưng khi cho vay, họ cũng đòi được đưa máy móc, phẩm vật và lao động của họ vào Việt Nam.
Sau những vụ vay tiền rồi vỡ nợ kiểu Vinashin, chính quyền Việt Nam rất khó vay tiền trên thị trường thế giới. Nhưng đó không phải là lý do chính. Các ngân hàng quốc doanh Trung Quốc sẵn sàng cho Việt Nam vay với lãi suất thấp hơn trên thị trường quốc tế. Ðổi lại, họ đặt thêm điều kiện khi cho vay để hưởng lợi trong việc khác. Một điều kiện là Cộng Sản Việt Nam phải cho các công ty Trung Quốc trúng thầu cung cấp thiết bị và xây dựng nhà máy.
Các ngân hàng Trung Quốc khi cho vay đã yêu cầu Cộng Sản Việt Nam phải sửa đổi các điều kiện gọi thầu. Phải hạ tiêu chuẩn các máy móc thiết bị xuống một mức thấp hơn, để các nhà thầu Trung Quốc đủ điều kiện tham dự! Và Cộng Sản Việt Nam rất dễ tính trong việc này. Thế là khi xây dựng mỗi nhà máy điện, Trung Cộng sẽ xuất cảng các máy móc, các sản phẩm kỹ thuật thấp kém của họ. Khi so sánh hai nhà máy điện, một ở Na Dương sử dụng các kỹ thuật của Nhật Bản và các nước Tây phương, hai là ở Cao Ngạn dùng kỹ thuật Tàu, thiết bị Tàu, thì các chuyên gia đã thấy hiệu năng ở Cam Ngạn rất thấp so với Na Dương, và đã trục trặc nhiều lần.
Chưa hết, Trung Cộng được dịp xuất cảng nhân lực dư thừa trong nước họ, đem lao động không chuyên môn sang Việt Nam làm việc. Báo Thanh Niên ở Sài Gòn đã có lần nhận thấy tại công trường nhà máy đạm thuộc dự án khí-điện-đạm Cà Mau có những công nhân Trung Quốc sang làm những “công việc thủ công” như “khiêng gạch, bẻ sắt” với tiền công mỗi ngày khoảng 100 nghìn đồng.
Những ngân hàng và công ty kỹ thuật của Âu Châu, Ấn Ðộ hay Hàn Quốc, họ không có chính sách pha lẫn lợi ích kinh tế với mục tiêu chính trị, họ không thể cung cấp những “gói hàng” đủ mặt với giá thấp như vậy, tự nhiên bị gạt bỏ ra ngoài cuộc cạnh tranh! Các công ty Trung Quốc đang làm nhà máy điện khắp nước Việt Nam, từ Kontum, Quảng Ngãi, cho tới Sơn Tây. Trong cuộc gọi thầu làm nhà máy điện ở Cao Ngạn, chỉ có bốn công ty Trung Quốc tham dự; sau cùng công ty HPE của Trung Quốc đã trúng thầu! Công ty Sơn Ðông của Trung Quốc không cần tranh thầu với ai trong dự án nhà máy điện Cẩm Phả 2, vì cả guồng máy chính quyền được lệnh riêng của Nguyễn Tấn Dũng phải cho họ trúng thầu theo thủ tục đặc biệt, “vì lý do nhu cầu cấp bách!” Ông Nguyễn Tấn Dũng có được đồng nào khi ra lệnh như vậy, hay chỉ làm theo “chính sách lớn của đảng và nhà nước,” như ông giải thích về vụ Bô Xít?
Nhưng trong các cuộc trao đổi ba mặt như vậy, thì Việt Nam bị thiệt hại những gì? Thiệt hại trước tiên là phải chấp nhận những sản phẩm kỹ thuật với phẩm chất thấp hơn. Thiệt hại thứ hai là phải chấp nhận cho công nhân nước khác vào làm việc trong nước mình trong lúc nạn thất nghiệp trong nước mình cũng rất cao. Thứ ba, nền kinh tế càng ngày càng lệ thuộc vào Trung Cộng! Lệ thuộc kinh tế rất khó gỡ!
Ðảng Cộng Sản sẵn sàng bán tất cả các thứ để bảo vệ độc quyền cai trị. Ông Thường Vạn Toàn có thể đến Hà Nội để khen ngợi Nguyễn Phú Trọng đã dàn cảnh thay đổi nhân sự thành công. Nhưng cũng để nhắc nhở họ phải trung thành tuyệt đối với Bắc Kinh. Ðể nhắc Trọng nhớ rằng: “Còn Trung Cộng che chở thì Việt Cộng còn tồn tại!” Sau đại hội vừa năm ngoái, Nguyễn Phú Trọng vẫn bảo các đảng viên: “Phải trung thành tuyệt đối với dân, với chế độ, với Ðảng, giữ cho được chế độ này, Ðảng này.” Không nói gì đến việc gìn giữ “Ðất nước này.”
Theo NguoiViet
No comments:
Post a Comment