Saturday, April 9, 2016

Vì sao Nghệ An muốn xây trung tâm hành chính ‘chỉ’ 2000 tỷ mà vẫn không có tiền?

Đầu tháng 4/2016, Chính phủ Việt Nam đã phải yêu cầu chính quyền tỉnh Nghệ An dừng xây trung tâm hành chính với lý do “Trong bối cảnh ngân sách nhà nước đang khó khăn, Chính phủ yêu cầu các địa phương dừng xây dựng các khu trung tâm hành chính, chờ đánh giá hiệu quả thực tế”.
Phối cảnh tổng thể khu hành chính tập trung tỉnh Nghệ An. (Ảnh: Hải Bình)
Con số mà chính quyền Nghệ An trình lên Chính phủ là khá “khiêm tốn”: hơn 2000 tỷ đồng. Con số này chỉ bằng 1/5 dự trù kinh phí xây khu trung tâm hành chính của chính quyền Hải Phòng. Nếu vào những năm trước, số tiền vài ba ngàn tỷ đồng được xem là “chyện nhỏ” và kế hoạch của nhiều chính quyền địa phương được các bộ ngành thông qua dễ dàng, thì nay không còn chuyện phóng tay tới trời như thế.
Từ trước khi đại hội 12 của đảng cầm quyền diễn ra vào đầu năm 2016, Bộ trưởng kế hoạch và đầu tư lúc đó là Bùi Quang Vinh đã phát pháo hiệu cấp cứu đầu tiên: Ngân sách trung ương chỉ còn vẻn vẹn 45000 tỷ đồng mà “không biết dùng làm gì”. Sau đó là hàng loạt vụ vỡ nợ của chính quyền địa phương như vụ Thành ủy Bạc Liêu. Một hiện tượng vỡ nợ ngân sách chưa từng có từ sau thời Giá - Lương - Tiền 1985 đang dồn dập xảy ra trong hệ thống hành chính đảng và chính quyền.
Ngay sau đại hội 12, tình hình ngân sách càng xấu hơn. Những quan chức của Ủy ban tài chính quốc hội nói thẳng “Nước đến chân rồi!’ hoặc “Tình hình ngân sách năm nay gay lắm!”. Mới đây, một quan chức quốc hội còn huỵch toẹt “Không thể đi vay để lấy tiền trả lương cho cán bộ công chức viên chức”.
Hẳn nhiên đã rõ: đang xuất hiện tình trạng một số chính quyền địa phương phải “giật gấu vá vai” bằng cách đi vay mượn. Không chỉ vay ngân sách trung ương mà còn vay cả ngân hàng. Nếu không làm thế thì không có tiền để trả lương cho đội ngũ “hành là chính”.
Trong bối cảnh đó, bội chi ngân sách 2015 lên đến 6.1% GDP, cao hơn rất nhiều so với mức 4.5% GDP mà Quốc hội chấp thuận cho chính phủ Nguyễn Tấn Dũng.
Cần nhắc lại, mới chỉ vào năm 2015, chiến dịch xây trụ sở từ vài ngàn đến hàng chục ngàn tỷ đã dắt tay nhau dưới tấm biển chỉ đường của ý thức hệ dân đói quan no như Hà Giang, Phú Yên, Lai Châu, Nghệ An, Hải Dương, Khánh Hòa, Hà Tĩnh…
Nhưng cũng chính  tại những địa phương quá trống vắng truyền thống lo cho dân nghèo này, chuyện quan xã ăn chặn gạo và tiền cứu đói của dân chúng đã không còn trong vòng lén lút. “Minh bạch” hơn nhiều, nông dân tiếp tục còng lưng làm lụng và đóng thuế để xây trụ sở cho giới quan lại ăn trên ngồi trốc.
Trên các diễn đàn mạng, người dân và giới trí thức sôi sục thi nhau kể tội chính phủ và chế độ. Không còn bút mực hay từ ngữ nào tả xiết. Nhẫn tâm đến tận cùng, không phải “tổ yến” mà chính những "tổ mối" như các chính quyền Khánh Hòa, Hà Tĩnh, Hải Phòng… đã làm ruỗng mục ngân sách quốc gia và phá tan hoang nền kinh tế cứu đói dân tộc.
Hãy liên tưởng lại "ngai rồng" và "cung điện Nông Đức Mạnh"... với tất cả thói hư tật xấu đến tận cùng vô liêm sỉ của giới quan lại Việt. Bằng vào cuộc chạy đua xây “tổ yến” không tiền khoáng hậu, giới quan chức “ăn của dân không chừa thứ gì” đang cố thực hiện những đục khoét cuối cùng mà không chờ đến ngày “hạ cánh an toàn”, cùng với chiến dịch bồi đắp con ông cháu cha vào những chức vụ hàng đầu.
04/08/2016 - 20:36
Lê Dung / SBTN

No comments:

Post a Comment