Saturday, April 9, 2016

Trung Quốc tiếp tục làm phức tạp tình hình Biển Đông

Theo Petrotimes-09:06 | 10/04/2016 

Quân đội Trung Quốc đang tính tổ chức một chuyến đi đầu tiên đưa thường dân đi cùng với hải quân tới quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Kế hoạch phi pháp này được rêu rao chỉ vài ngày sau khi Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi ngoan cố tuyên bố không chịu rút giàn khoan Hải Dương 981 khỏi vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, bất chấp phản đối của Việt Nam.

trung quoc tiep tuc lam phuc tap tinh hinh bien dong
Lính Trung Quốc đồn trú trái phép ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam
Quân đội Trung Quốc ngang nhiên thông báo, 3 độc giả của tờ báo chính thức của họ - tờ nhật báo Quân giải phóng nhân dân Trung Hoa (PLA Daily) sẽ được đi cùng với hải quân ra quần đảo Hoàng Sa trong tháng này.
Theo đó, để được lựa chọn, các độc giả phải viết bình luận về Hoàng Sa trên app (ứng dụng trên điện thoại di động) của PLA Daily, hoặc trên các tài khoản của tờ báo này trên mạng xã hội WeChat hay Weibo.
Một đại diện của tờ báo cho biết họ sẽ chọn 3 người thắng cuộc tham gia chuyến đi kéo dài 3 ngày, khởi hành trên một chiếc tàu của hải quân từ đảo Hải Nam.
Ngoài 3 thường dân này, theo PLA Daily, còn có các nhà báo của các cơ quan báo chí nhà nước như Tân Hoa xã, truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV và Nhân dân nhật báo cũng sẽ tham gia hành trình phi pháp này, tới trái phép một số đảo ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, trong đó có đảo Phú Lâm.
Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và kiểm soát hoàn toàn quần đảo này từ năm 1974. Bắc Kinh đã thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” trên đảo Phú Lâm từ tháng 7/2012 và tiến hành tour du lịch trái phép đầu tiên tới một số đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa vào tháng 4/2013.
Tuy nhiên, nếu kế hoạch phi pháp trên diễn ra thì đây là lần đầu tiên quân đội Trung Quốc đưa thường dân đi cùng tới trái phép quần đảo Hoàng Sa.
Đây tiếp tục là một động thái của Trung Quốc làm phức tạp tình hình Biển Đôngsau khi đã di chuyển hai giàn khoan Hải Dương 981 và Hải Dương 943 vào vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, tại khu vực Việt Nam và Trung Quốc chưa đàm phán phân định.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã tuyên bố: “Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu Trung Quốc hủy bỏ kế hoạch khoan giếng và rút ngay giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi khu vực này, không có thêm các hành động đơn phương làm phức tạp thêm tình hình và có những đóng góp thiết thực cho hòa bình, ổn định ở Biển Đông”.

Đồng thời, Việt Nam khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của đối với haiquần đảo Trường Sa, Hoàng Sa và nhấn mạnh: "Mọi hoạt động của các bên tại các khu vực này mà không có sự chấp thuận của Việt Nam đều bất hợp pháp".

No comments:

Post a Comment