Trái cây nội để dưới đất và "lép vế" với trái cây ngoại (ảnh: N.Thịnh)
Gọi là hàng ngoại không có nghĩa là trái cây có xuất xứ hạng sang như Mỹ, Úc… mà còn có sự xuất hiện của trái cây bình dân từ Campuchia, Thái Lan, kể cả Trung Cộng. Mỗi ngày, một lượng lớn trái cây ngoại nhập theo các xe tải đổ thẳng về các chợ. Chị Hoa, tiểu thương bán trái cây tại chợ nông thôn Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, nói vào mùa này, trái cây trong nước chiếm số lượng ít hơn vì chưa vào chính vụ. Có thời điểm, trái cây nội chỉ chiếm khoảng 30% tổng lượng trái cây mà chị bán hàng ngày. Nguồn trái cây ngoại nhập càng đa dạng về chủng, loại từ cao cấp đến các loại trái thông dụng.
Chị Phan Huyền Thy, chủ sạp bán trái cây vỉa hè chợ Long Mỹ, thị xã Long Mỹ, cho biết mỗi ngày, chị bán được trên 20kg trái cây các loại. Ở đây, chỉ có mận, ổi là hàng nội, hàng nhập từ Trung Cộng thì có táo, lê, quýt hồng, còn me, bòn bon có nguồn gốc từ Thái Lan. Theo chị Hồng, ở chợ Vị Thanh, hàng Thái trái to, vị ngọt nên rất đắt hàng dù giá trên 50,000 đồng/kg. Vựa của chị đang bán nhiều loại trái cây xuất xứ từ Thái Lan khác như me, sầu riêng, xoài, chôm chôm chẳng hạn. Chỉ một số ít trái cây nội như xoài, thanh long, vú sữa…
Những ngày này, xoài keo, xoài cóc đang được bày bán hầu như ở mọi ngả chợ với giá dao động từ 10,000-20,000 đồng/kg. Loại xoài có xuất xứ Campuchia này chiếm được cảm tình của người dân, bởi lượng khách chọn mua đông hơn hẳn xoài trong nước.
Không chỉ có mặt ở thành thị, trái cây ngoại, nhất là từ Trung Cộng đã thâm nhập về các chợ nông thôn. Ngoài xoài, tại các chợ, trái cây ngoại, chủ yếu là bôm (táo), lê, nho, hồng giòn bày bán tràn ngập, nhưng không ghi rõ xuất xứ. Hàng đổ đống trên tấm bạt hoặc chất đầy trong các thùng xốp và chỉ cần bỏ ra 20,000 đồng, người mua có thể mang về 1kg táo. Khi được hỏi, hầu như người bán hàng nào cũng né tránh hoặc lập lờ. Dù không ai khẳng định, nhưng ai cũng ngầm hiểu đây là hàng Trung Cộng..
Quan sát tại một số sạp trái cây bình dân, về cảm quan, màu sắc các loại trái cây nội - ngoại gần như nhau vì được nhập về cùng lúc. Nhưng sau một vài ngày, phần vỏ của bưởi hay thanh long hàng nội bắt đầu nhăn nheo, còn nho, táo ngoại vẫn tươi mới. Qua vài câu hỏi làm quen, chủ sạp mới cho biết táo, nho là hàng Trung Cộng. Còn nhớ, cách đây không lâu, Cục Bảo vệ thực vật đã cảnh báo: Lượng táo nhập khẩu từ Trung Cộng chiếm trên 58% so với hàng nhập từ nước khác. Đến nay, không chỉ có táo mà trái cây có xuất xứ ngoại quốc hầu như đã nhan nhản từ chợ nông thôn cho đến siêu thị.
Ai cũng biết những mặt hàng này được ướp chất bảo quản. Nhưng chất gì, liều lượng bao nhiêu thì chỉ khi các cơ quan chuyên môn vào cuộc thì mới rõ, còn người tiêu dùng cũng chỉ phỏng đoán. Dù được cảnh báo thiếu an toàn, nhưng vì tâm lý chuộng hàng rẻ nên nhiều người vẫn sẵn sàng mua về ăn.
04/09/2016 - 06:58
Vũ Minh Ngọc / SBTN
No comments:
Post a Comment