Saturday, April 9, 2016

'Hồ Sơ Panama' không có nhiều Việt Nam

VIỆT NAM (NV) - “Hồ Sơ Panama,” phần chi tiết liên quan đến Việt Nam, liệt kê 12 công ty (offshore entities), 104 cá nhân (hoặc công ty) đóng vai trò điều hành (officers) hoặc môi giới thành lập (master clients) và 96 địa chỉ hoạt động tại Việt Nam.

12 công ty “offshore” là những công ty được thành lập tại các quốc gia hay vùng lãnh thổ ưu đãi thuế, đa số nằm ở British Virgin Islands, rồi vào Việt Nam kinh doanh. Trong số 12 công ty được liệt kê, chỉ còn 4 công ty đang hoạt động. Số còn lại, hoặc đã giải thể, hoặc chuyển qua một quốc gia khác.
Tuy nhiên, số công ty offshore vào Việt Nam kinh doanh không chỉ nằm ở con số 12. Phần liệt kê 104 cá nhân (hoặc công ty) đóng vai trò điều hành hoặc môi giới cho thấy điều này.

104 cá nhân này, theo cách trình bày của Hồ Sơ Panama, có thể là người điều hành công ty, hoặc/và cổ đông công ty, hoặc/và người môi giới thành lập công ty. Một cá nhân hay công ty có thể môi giới thành lập hoặc làm chủ nhiều công ty khác nhau. Do đó, mở rộng từ 104 danh tánh được liệt kê, số công ty offshore liên quan đến Việt Nam không chỉ nằm ở con số 12.

Chẳng hạn, công ty SGL Capital Investment Management Limited đã thành lập 8 công ty hoạt động tại Việt Nam, với văn phòng nằm ở Quận 1, Sài Gòn. Một trong những người được liệt kê là chủ tịch kiêm cổ đông của các công ty này, đảm nhiệm vị trí tương tự ở tổng cộng 24 công ty hoạt động tại nhiều nước khác nhau.
Ví dụ khác, một doanh nhân tên là Wieger D. Otter thành lập 4 công ty, hoạt động tại Việt Nam (một trong số này ngưng gia hạn hoạt động).

Hồ Sơ Panama bị tiết lộ lần này được cập nhật vào năm 2010, có nghĩa là số công ty hoạt động thực tế đã khác đi, tính đến thời điểm này; có thể nhiều hơn (được thành lập thêm) hoặc ít đi (giải thể hoặc không gia hạn hoạt động hoặc chuyển sang quốc gia khác).

Ðiều đầu tiên cần nói là, cá nhân hay công ty được liệt kê trong hồ sơ không có nghĩa những người này hay công ty này gian lận thuế. Ðiều này được ghi rõ ngay trang đầu của trang mạng offshoreleaks.icij.org: “Công ty hay quỹ offshore có những mục đích sử dụng hợp pháp. Chúng tôi không gợi ý hoặc ngụ ý rằng các cá nhân, công ty hoặc các định chế được liệt kê trong Dữ Liệu Tiết Lộ Offshore ICIJ (ICIJ Offshore Leaks Database) vi phạm luật pháp hay hành xử không đúng đắn.”


Bảng hiệu công ty luật Mossack Fonseca & Co, tâm điểm vụ Hồ Sơ Panama, Panama City. (Hình: Joe Raedle/Getty Images)
Các ngành nghề kinh doanh của các công ty offshore tại Việt Nam đa số ở các lãnh vực địa ốc, xây dựng, điện toán, tài chánh, tiếp thị, phát triển dự án,...

So sánh thông tin liên quan đến Việt Nam với các quốc gia khác thì thấy hoạt động offshore của Việt Nam không đáng kể. Chẳng hạn, phần liên quan đến Trung Quốc có 975 công ty offshore và gần 9 ngàn người hoặc công ty điều hành/cổ đông/môi giới. Phần liên quan đến Hong Kong lớn hơn rất nhiều, hơn 13 ngàn công ty offshore với 15 ngàn danh tánh điều hành/cổ đông/môi giới. Nước Nga có hơn 7 ngàn công ty với hơn 2 ngàn điều hành/cổ đông/môi giới. Phần liên quan đến Hoa Kỳ có hơn 3 ngàn công ty và 4.5 ngàn điều hành/cổ đông/môi giới.

Trong khi đó, các nước nghèo thì hoàn toàn xa lạ với hình thức offshore. Chẳng hạn, Lào và Cambodia không có công ty offshore nào cả.

Hồ Sơ Panama, tương tự vụ Wikileaks, được dư luận trông chờ sẽ tiết lộ nhiều tên tuổi nổi tiếng thế giới. Trông chờ này được đáp ứng phần nào. Tài liệu tiết lộ danh tánh những người rất thân cận với Tổng Thống Nga Vladimir Putin; thân phụ thủ tướng Anh, David Cameron; thân nhân Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình; Thủ Tướng Iceland, Sigmundur David Gunnlaugsson (vừa từ chức)...

Một bài báo trên tờ New York Times viết rằng, việc chuyển tiền ra cất giữ ở nước ngoài, một cách tổng quát, không trái luật. Nhưng việc chuyển tiền ấy có thể có mục đích che giấu nguồn tiền có nguồn gốc phạm luật, chẳng hạn, trốn thuế hay rửa tiền.

Nhưng ở khía cạnh khác, vẫn có lý do chính đáng để thành lập công ty ở ngoại quốc. Chẳng hạn, nhiều nước không có luật cho người nước ngoài sở hữu bất động sản nội địa. Người ngoại quốc về hưu muốn sở hữu nhà tại những quốc gia ấy bắt buộc phải thành lập một công ty “danh nghĩa” để có thể mua nhà.

Trong trường hợp liên doanh làm ăn với một quốc gia mà hệ thống luật pháp còn nhiều khiếm khuyết, người ta cũng phải chọn thành lập công ty ở một nơi như British Virgin Islands. Khi kiện tụng, họ được tòa án và hệ thống luật pháp tương đối nghiêm minh bảo vệ. (Ð.B.)
04-08-2016 4:12:37 PM 

No comments:

Post a Comment