VIỆT NAM - Ðó là tuyên bố của phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc sau khi Việt Nam gửi công hàm phản đối và đòi Trung Quốc kéo ngay giàn khoan 981 ra khỏi khu vực cửa Vịnh Bắc Bộ.
Cách nay vài ngày, bên cạnh việc loan báo, ngày 5 tháng 4, Bộ Ngoại Giao Việt Nam đã trao công hàm phản đối việc Trung Quốc đưa giàn khoan 981 đến thăm dò-khai thác dầu khí ở cửa Vịnh Bắc Bộ, cho đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam, vì giàn khoan này tọa lạc tại khu vực chưa được hai bên phân định rạch ròi về chủ quyền, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Việt Nam nhấn mạnh, sự xuất hiện của giàn khoan 981 tại cửa Vịnh Bắc Bộ là một hành động đơn phương làm tình hình an nịnh trong khu vực thêm phức tạp.
Giàn khoan 981. (Hình: Petrotimes) |
Ðó cũng là lý do Việt Nam đòi Trung Quốc kéo giàn khoan 981 ra khỏi khu vực vừa kể, đồng thời khuyến cáo, Trung Quốc nên có những “đóng góp thiết thực cho hòa bình, ổn định ở Biển Ðông” và khẳng định, “Việt Nam bảo lưu tất cả các quyền và lợi ích pháp lý của mình đối với khu vực Vịnh Bắc Bộ” bằng “tất cả các biện pháp ôn hòa mà luật pháp quốc tế cho phép.”
Mới đây, hôm 8 tháng 4, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc, khẳng định, không đưa giàn khoan 981 đi nơi khác vì giàn khoan này đang nằm trong “vùng biển thuộc chủ quyền của Trung Quốc,” vùng biển này “không có tranh chấp” và hoạt động thăm dò-khai thác của giàn khoan 981 tại đó là hoạt động “thương mại bình thường.”
Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc không đả động đến hành động phản đối và yêu cầu của Việt Nam mà chỉ nói chung chung rằng, “Trung Quốc hy vọng phía có liên quan có quan điểm khách quan và hợp lý về vấn đề này”!
981 là giàn khoan nước sâu, trị giá một tỉ Mỹ kim, thuộc quyền sở hữu của tổng công ty Dầu Khí Ngoài Khơi Trung Quốc (CNOOC). CNOOC là một doanh nghiệp của chính quyền Trung Quốc. Nhiều chuyên gia nhận định, giàn khoan 981 không chỉ đơn thuần là phương tiện thăm dò-khai thác dầu khí mà còn là công cụ để phô trương khả năng, hỗ trợ yêu sách về chủ quyền của Trung Quốc ở biển Ðông.
Hồi đầu tháng 5 năm 2014, Trung Quốc từng kéo giàn khoan 981 vào hẳn bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam để thăm dò dầu khí tại khu vực quần đảo Hoàng Sa. Sự kiện đó đã làm quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc trở thành căng thẳng chưa từng thấy. Ðồng thời khiến cộng đồng quốc tế cảm thấy bất an và chú ý nhiều hơn đến các hoạt động của Trung Quốc tại Biển Ðông.
Bất chấp những lời kêu gọi và khuyến cáo của cộng đồng quốc tế, Trung Quốc đã neo giàn khoan 981 ở khu vực quần đảo Hoàng Sa cho đến giữa tháng 7 năm 2014.
Cũng kể từ đó, sự di chuyển của giàn khoan 981 thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế. Suốt từ giữa năm 2014 đến nay, Trung Quốc liên tục dịch chuyển giàn khoan 981 tới lui trong khu vực Biển Ðông.
Chỉ từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã hai lần yêu cầu Trung Quốc kéo giàn khoan 981 đi nơi khác, không đặt giàn khoan này tại những vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam hoặc những vùng biển đang có tranh chấp về chủ quyền nhưng Trung Quốc không thèm đếm xỉa đến những yêu cầu đó. (G.Ð)
No comments:
Post a Comment