Theo NLDO-08/04/2016 22:04
Pháp luật quy định không được dùng hình thức phạt tiền, trừ lương người lao động khi họ vi phạm kỷ luật nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn phạt vô tội vạ
“Tôi làm việc tại công ty từ tháng 6-2011. Từ đó đến nay, tôi liên tục bị công ty xử phạt trừ lương với mức thấp nhất 200.000 đồng/lần, cao nhất là 8 triệu đồng/lần. Ngoài khoản 25 triệu đồng đã bị trừ trước đó, từ nay đến tháng 6-2018, tôi sẽ phải truy đóng gần 20 triệu đồng tiền phạt nữa. Mỗi ngày, tôi làm việc từ 4 giờ đến 22 giờ mới được trả lương 6 triệu đồng/tháng nhưng tháng nào công ty cũng kiếm cớ trừ lương vô lý, chúng tôi lấy gì để sống?”.
Không phạt, chỉ truy thu?
Trên đây là phản ánh của anh Võ Đình Tân, nhân viên lái xe buýt tuyến số 4 thuộc Công ty Vận tải Ngôi Sao Sài Gòn (quận Tân Bình, TP HCM), trong đơn khiếu nại gửi đến các cơ quan chức năng.
Anh Tân cho biết mỗi lần bị quy vào lỗi vi phạm có thái độ, lời nói thiếu văn minh, lịch sự, lái xe sẽ bị truy thu 200.000-400.000 đồng; xe không mở máy lạnh trừ 400.000 đồng/lần; xe không vào trạm đón khách bị phạt lần đầu 2 triệu đồng, lần hai 4 triệu đồng và từ lần ba là 8 triệu đồng/lần...
Bị trừ lương vô tội vạ là một trong những nguyên nhân dẫn đến cuộc ngừng việc của các tài xế thuộc một HTX vận tải ở quận 12, TP HCM
Đáng nói, các quyết định truy thu đều cách xa thời gian được cho là phạm lỗi nên tài xế chẳng nhớ nổi, đành “cúi đầu chịu trận”. Chẳng hạn, ngày 21-8-2015, anh Tân nhận 3 quyết định truy thu tiền vi phạm hợp đồng vận tải hành khách công cộng tổng cộng 6,2 triệu đồng. Chỉ riêng ngày 11-5-2015, anh bị cho là bỏ trạm không đón khách 2 lần, bị truy thu 6 triệu đồng. Hay như ngày 22-12-2015, anh Tân nhận 3 quyết định truy thu (vi phạm ngày 30-6, 21-7, 22-7-2015) với tổng số tiền 8,7 triệu đồng.
Số tiền truy thu này sẽ bị trừ dần vào lương hằng tháng (500.000-700.000 đồng/tháng) và đến tháng 6-2018 mới hết nợ. Anh Tân bức xúc: “Thỉnh thoảng công ty lại quăng ra cả xấp quyết định rồi thẳng tay trừ lương chúng tôi mà không hề giao biên nhận, hóa đơn hay chứng từ. Thu nhập 1 ngày của tôi chỉ 280.000 đồng, công ty trừ như vậy, thử hỏi chúng tôi còn gì để sống?”.
Tại phiên hòa giải do LĐLĐ quận Tân Bình tổ chức, phía công ty cho rằng không phạt mà chỉ truy thu số tiền người lao động (NLĐ) gây thiệt hại quy định trong nội quy lao động. Công ty chỉ thiếu sót trong quy trình xử lý vi phạm và triển khai chi tiết nội dung mức phạt do vi phạm hợp đồng đặt hàng của Trung tâm Quản lý và Điều hành vận tải hành khách công cộng đến với NLĐ. Dù vậy, trung tâm cho biết chỉ xử phạt công ty vi phạm hợp đồng chứ không hề đề ra mức phạt đối với NLĐ.
Những lý do trừ lương “không giống ai”
Việc trừ lương vô tội vạ như trên không phải là cá biệt. Cách đây không lâu, hàng chục tài xế xe buýt thuộc một HTX vận tải (quận 12, TP HCM) cũng đã ngừng việc vì bức xúc chuyện này. HTX quy định cứ mỗi chuyến về trạm chậm 5 phút vì bất cứ lý do gì, tài xế cũng bị trừ 200.000 đồng.
Anh Bình, một tài xế, nói: “Bình quân một xe buýt phải chạy 200 chuyến/tháng. Trong số chuyến đó có vô số lý do khách quan để xe không thể về trạm đúng giờ như kẹt xe, ngập nước, xe hư... Cho nên, không tài xế nào thoát cảnh bị phạt, thậm chí có người tiền lương 1 tháng không đủ đóng tiền phạt”.
Việc trừ lương vì những lý do “không giống ai” cũng đang được Công ty DV Bảo vệ Secom H.G (tỉnh Đồng Nai) áp dụng. Anh Vòng A Dõng cho biết trong ca trực mới đây, vì quá mỏi chân, anh vừa ngồi xuống ghế thì bị trừ lương 500.000 đồng. Tương tự, anh Trần Ích Long cũng bị phạt 500.000 đồng chỉ vì xem tin nhắn điện thoại.
Luật sư Trần Hữu Tín, Trưởng Văn phòng Luật sư Tín và Cộng sự, nhận định các hành vi trừ lương không chỉ gây thiệt thòi quyền lợi của NLĐ mà còn vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Pháp luật quy định người sử dụng lao động chỉ được khấu trừ tiền lương của NLĐ để bồi thường thiệt hại do làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị của người sử dụng lao động. “Bên cạnh đó, trước khi buộc NLĐ bồi thường, người sử dụng lao động phải tuân thủ các nguyên tắc, trình tự như xử lý kỷ luật lao động. Một khi NLĐ có sai phạm và lý do xử phạt của doanh nghiệp là đúng nhưng quy trình xử lý sai thì các quyết định xử phạt đều vô hiệu trước pháp luật” - ông Tín nhấn mạnh.
Bài và ảnh: Mai Chi
No comments:
Post a Comment