Trần Hoàng Lan (Danlambao) - Cuối tháng ba đầu tháng tư vừa qua, tại kỳ họp cuối cùng, quốc hội khóa 13 đã miễn nhiệm 3 chức vụ chủ tịch quốc hội, chủ tịch nước, thủ tướng và một loạt các chức vụ lãnh đạo quan trọng khác khi chưa hết nhiệm kỳ để bầu mới. Đây là một sự kiện chưa từng xảy ra trên chính trường Việt Nam. Lý do dẫn tới sự kiện bất thường này theo các quan chức cấp cao của đảng nhà nước là: để kiện toàn lãnh đạo cho phù hợp với nhân sự của đại hội 12. Còn dư luận thì cho rằng: để sớm chặn đứng thế lực quyền hành của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, để không cho lãnh đạo cũ trong đó có ông Dũng đón tổng thống Ôbama trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 5 tới.
Tính hợp hiến, hợp pháp của động thái bất thường trên cũng có hai luồng nhận xét trái ngược nhau và có vẻ như vẫn chưa ngã ngũ. Nhưng dù là ngả về phía nào thì vẫn tồn tại một thực tế hiển nhiên không thể phủ nhận: các chức vụ trên đều do đảng chỉ định và một động thái dù vi hiến hay không cũng chẳng có ý nghĩa gi khi hiến pháp được soạn thảo bởi một quốc hội vốn là bù nhìn của một đảng chưa bao giờ nhìn nhận đúng vai trò đích thực của nó. Với họ hiến pháp chỉ là một công cụ của chuyên chính vô sản được sử dụng để đạt được những mục đích nào đó tùy thuộc vào từng giai đoạn cách mạng. Khi mới giành được chính quyền muốn được thế giới công nhận họ dùng hiến pháp 1946 để "trang trí". Vì vậy đây là hiến pháp tiến bộ nhất so với tất cả các hiến pháp có sau nó, nhưng lại không được thực thi.
Khi đã giành được quyền kiểm soát một nửa nước, được các nước trong phe XHCN công nhận và muốn thôn tính nốt nửa còn lại họ không ngại ngần thay hiến pháp "trang trí" bằng hiến pháp 1959 "sắt máu" hơn vừa để tỏ ra có hiến pháp, vừa để cai trị nhân dân, tiến hành cuộc chiến "giải phóng miền Nam".
Khi đã giành được cả đất nước sau 1975 một hiến pháp hao hao giống của nước đàn anh Liên Xô ra đời để "đưa cả nước lên CNXH" đó là hiến pháp 1980.
Sau khi chế độ cộng sản ở Liên Xô và một loạt các Đông Âu tan rã để cứu vãn nền kinh tế họ buộc phải đổi mới, hội nhập nhưng lại lo mất vai trò lãnh đạo nên hiến pháp 1980 được sửa đổi đưa vào điều 4 quy định vai trò lãnh đạo của đảng để trở thành hiến pháp 1992.
Và gần đây sau khi hoàn thành hiến pháp 2013 ông TBT Nguyễn Phú Trọng đã không ngần ngại huỵch toẹt: "hiến pháp là văn kiện chính trị, pháp lý quan trọng vào bậc nhất sau cương lĩnh của đảng".
Coi hiến pháp là công cụ, văn kiện của mình nên khi cần đảng sẵn sàng "ngồi xổm" lên hiến pháp.
Bằng việc ban bố các điều luật vi hiến, mập mờ như 79, 88, 258,... và sắp có là luật tiếp cận thông tin.
Bằng việc cố tình trì hoãn ban hành một số luật như luật biểu tình, luật lập hội.
Bằng cách cho công an trấn áp những người đấu tranh đòi tự do dân chủ, nhân quyền, xóa bỏ bất công, tham nhũng, chống Trung Quốc xâm lược, đòi đảng phải cải cách chính trị, kinh tế... thắt chặt kiểm duyệt để ngăn chặn những thông tin trung thực nhưng "trái chiều".
Vài tháng gần đây là một loạt các hành động bôi nhọ, sách nhiễu, gây khó khăn thậm chí đàn áp những ứng cử viên tự do quốc hội khóa 14 bất chấp pháp luật.
Tuy "đối xử" với hiến pháp như vậy nhưng đảng vẫn không ngừng trương ra các khẩu hiệu"sống làm việc theo pháp luật", "xây dựng nhà nước pháp quyền",... và thường xuyên trình diễn các màn như thề bồi, hứa hẹn, tuyên thệ liên quan tới pháp luật để mị dân. Điển hình là màn tuyên thệ nhậm chức của "tam trụ" trong kỳ họp cuối cùng của quốc hội khóa 13 vừa qua. Trong đó "tam trụ" là "tam trụ" mới do quốc hội cũ (khóa 13) bầu nhưng chưa được quốc hội mới (khóa 14 chưa bầu) bầu, còn quốc hội là quốc hội cũ (khóa 13).
Cảnh một của màn này diễn ra tuần tự như sau: quân nhạc cử bài "tiến bước dưới quân kỳ" trong khi tiêu binh rước rất long trọng cuốn sách hiến pháp 2013 có bìa đỏ tới bục tuyên thệ. Sau giới thiệu của chủ tịch quốc hội cũ Nguyễn Sinh Hùng bà Nguyễn Kim Ngân với bộ áo dài đỏ đi trong tiếng nhạc tới bục tuyên thệ rồi cung kính cúi chào cờ đỏ sao vàng trước khi vào vị trí tuyên thệ. Sau lời cám ơn tay trái bà đặt lên quyển hiến pháp tay phải giơ lên và cất giọng trang nghiêm: "Trước cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội, trước đồng bào cử tri cả nước, tôi xin tuyên thệ tuyệt đối trung thành với tổ quốc, với nhân dân, với Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam Tôi nguyện nỗ lực rèn luyện phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó".
Một rồi vài ngày sau đó cảnh hai, cảnh ba diễn ra giống hệt cảnh một chỉ khác nhân vật là ông Trần Đại Quang và ông Nguyễn Xuân Phúc.
Đã có một số tác giả bình luận về lễ tuyên thệ này. Xin góp thêm vài nhận xét: Về nghi thức: lễ tuyên thệ có hành động tỏ vẻ rất tôn trọng hiến pháp như cho tiêu binh rước cuốn sách mang tới bục tuyên thệ, có điểm giống với tuyên thệ nhậm chức của nguyên thủ quốc gia các nước như Mỹ, Đức, Nga là khi thề đặt tay lên một cuốn sách nào đó. Lời tuyên thệ cũng có điểm giống là đều đề cập tới hiến pháp. Khác là: nguyên thủ các nước đều thề bảo vệ, giữ gìn, thực thi hiến pháp còn "tam trụ" thề trung thành với hiến pháp. Vì đây là lần đầu tiên quốc hội Việt Nam quy định các lãnh đạo mới nhậm chức tuyên thệ trước quốc hội nên nhiều khả năng là đã bắt chước từ các nước trên. Nhưng là bắt chước có "sáng tạo": Hiến pháp Việt Nam có điều 4 quy định "đảng lãnh đạo đất nước" nên "trung thành với hiến pháp" là trung thành với đảng. Tổ quốc trong tuyên thệ là tổ quốc XHCN với dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của đảng nên trung thành với tổ quốc là trung thành với đảng. Như vậy trung thành với tổ quốc, hiến pháp "quanh đi quẩn lại" vẫn là trung thành với đảng. Một kiểu thề bồi mà chỉ có bậc tổ sư của dối trá mới nghĩ ra được. Đối tượng còn lại được các "tam trụ" trung thành là dân thì ngoài quyền đóng thuế (để nuôi họ) chẳng có một quyền nào khác để có thể động được tới lông chân họ mà chờ được trung thành, phục vụ thì "còn khuya". Màn kịch "tam trụ" thề có thể vịnh bằng mấy câu thơ sau.
Xem kìa "tam trụ" mới đăng quang
Có cả màn thề thốt nhố nhăng
Học mót tay đè lên sách đỏ
Đua đòi giọng tỏ vẻ nghiêm trang
"Trung thành..." lại nghĩ "trê chui ống"
"Phấn đấu..." ngờ ngay "nói một đằng..."
Đã "xổm" thường xuyên lên hiến pháp
còn cho rước sách. Xảo ai bằng!
No comments:
Post a Comment