Theo BBC-13 tháng 4 2016
Sứ quán Việt Nam nói "đã giúp các ngư dân bị Thái Lan bắt và đang có nhiều biện pháp cụ thể giúp giảm thiểu tình trạng này”.
Trong cuộc họp báo gần đây tại Bangkok, Chuẩn đô đốc Watson Booneung, phó tư lệnh Vùng I Hải quân Hoàng gia Thái Lan, Hải quân Thái Lan, cho hay: “Từ ngày 3 đến 7/4, Hải quân vùng I Thái Lan đã bắt giữ tổng cộng 11 tàu cá cùng 102 ngư dân Việt Nam đánh cá trái phép”.
Hôm 12/4, trả lời BBC qua điện thoại, ông Trương Văn Ngữ, Chủ tịch Hội nghề cá Rạch Giá, nói: “Gần đây, tôi có nghe thông tin ngư dân Vũng Tàu, Minh Hải, Trà Vinh, Sóc Trăng… liên tục bị các nước trong khu vực bắt giữ do họ đánh bắt trên vùng biển chồng lấn”.
“Nhiều trường hợp chính quyền không biết là tàu cá bị bắt ở vùng biển các nước nhưng người ta không đưa vô bờ mà để đòi tiền chuộc từ 100.000 đến 200.000 đôla,” ông nói.
Cũng theo ông Ngữ, “nhiều khi chủ tàu không muốn đánh bắt ở vùng biển nước ngoài do ngại rủi ro nhưng thuyền trưởng hoặc tài công hám lợi, một phần cũng do ngư trường trong nước cạn kiệt nguồn thủy sản”.
Tuy vậy, Sứ quán Việt Nam tại Thái Lan nói với BBC: “Thông tin cho rằng ngư dân Việt Nam bị bắt giữ chỉ nhằm đòi tiền chuộc là không có cơ sở."
Đại sứ quán Việt Nam viết trong e-mail trả lời phỏng vấn của phóng viên Ben Ngô, BBC Tiếng Việt.
BBC:Diễn biến của các vụ việc Hải quân Thái Lan bắt giữ ngư dân Việt Nam mà sứ quán ghi nhận được?
Từ hạ tuần tháng 3 đến nay, phía Thái Lan đã bắt giữ khá nhiều tàu và ngư dân Việt Nam mà họ cho là vi phạm vùng biển của Thái Lan trong 5 vụ việc liên tiếp. Hải quân Thái Lan đã họp báo để thông tin về một số trường hợp, còn lại họ thông báo cho sứ quán và chúng tôi cũng đã thông tin rộng rãi về các diễn biến liên quan.
BBC:Quan điểm của Sứ quán về việc gần đây, ngư dân Việt Nam liên tiếp bị bắt giữ tại vùng biển Thái Lan cũng như tại vùng biển Inđônêxia, Malaysia?
Ngư dân Việt Nam là những người nghèo, họ phải tranh thủ tối đa mùa cá hiện nay để mưu sinh, đa phần bị bắt giữ do đi lạc sang vùng biển nước ngoài. Là cơ quan đại diện Việt Nam tại Thái Lan, chúng tôi có trách nhiệm bằng mọi biện pháp bảo vệ những quyền lợi chính đáng của họ khi bị bắt giữ, để ngư dân được hưởng đầy đủ các quyền và lợi ích theo pháp luật của Thái Lan, các điều ước quốc tế liên quan và tập quán quốc tế.
BBC:Sứ quán có những trợ giúp gì với ngư dân bị bắt và khuyến cáo cho các ngư dân khác?
Thực tế, chúng tôi đã gặp gỡ trực tiếp tất cả các ngư dân khi họ vừa bị bắt giữ, hỗ trợ họ thông tin cho gia đình, thăm hỏi ngư dân và tiếp tục hỗ trợ họ tối đa theo quy định trong toàn bộ quá trình xét xử, giam giữ cũng như khi hết hạn tù về nước (tất cả ngư dân nước ngoài bị khép tội đánh bắt cá trái phép tại vùng biển Thái Lan đều bị phạt tù). Chúng tôi cũng yêu cầu phía Thái Lan đối xử với ngư dân một cách nhân đạo, phù hợp với tất cả các quy định, thông lệ liên quan và cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời cho sứ quán.
Đồng thời, chúng tôi cũng phối hợp với các cơ quan, địa phương trong nước tăng cường cung cấp thông tin, nâng cao nhận thức cho ngư dân, yêu cầu bà con hết sức lưu ý tránh đi vào vùng biển nước ngoài.
BBC:Giải pháp nào nhằm hạn chế việc ngư dân Việt Nam bị bắt giữ ở nước ngoài?
Về lâu dài, chúng tôi được biết các cơ quan, địa phương trong nước đã và đang có nhiều biện pháp cụ thể hỗ trợ ngư dân về nhiều mặt, như giáo dục ý thức pháp luật, hỗ trợ phương tiện kỹ thuật, nâng cao năng lực hay chuyển đổi ngành nghề đối với những ngư dân có nhu cầu….
Chúng tôi cũng được biết, một số nước, trong đó có Thái Lan, cũng như tổ chức quốc tế đang triển khai không ít hoạt động hỗ trợ thiết thực cho ngư dân Việt Nam.
BBC:Có thông tin cho rằng, việc ngư dân Việt Nam bị bắt giữ nhằm đòi tiền chuộc đã diễn ra từ nhiều năm nay, Sứ quán có bình luận gì?
Thông tin cho rằng ngư dân Việt Nam bị bắt giữ chỉ nhằm đòi tiền chuộc là không có cơ sở. Riêng với Thái Lan, quy định của luật pháp nước này cho phép việc chuộc tàu, chuộc người trong một số trường hợp nhất định sau khi quá trình xét xử đã hoàn tất.
No comments:
Post a Comment