Cựu bộ trưởng công thương Vũ Huy Hoàng ‘có yếu tố Trung Quốc’?
Những dẫn chứng điển hình về nạn lãng phí là nhà máy xơ sợi 7, 000 tỷ đồng ở Hải Phòng “đắp chiếu” và dự án nhà máy lên đến 8,104 tỷ đồng đang phơi mưa nắng của Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO).
Con số 7,000 - 8,000 tỷ đồng bốc hơi trên có thể xây được hàng chục trường trung học khang trang hoặc hàng trăm trạm xá, cùng vô số nhà tình thương.
Chi tiết cần chú ý là nếu trước đây, báo chí và giới chuyên gia chỉ dè dặt khi nêu về các vụ việc lãng phí, thi nay bắt đầu “trách nhiệm các khâu phải rõ và ai vi phạm phải truy cứu, xử nghiêm. Nhà máy 7,000 – 8,000 tỷ đồng bằng tiền thu ngân sách nhiều tỉnh trong nhiều năm”.
Ít nhất đã có vài chuyên gia như ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, có yêu cầu truy cứu trách nhiệm như trên khi trả lời công khai với báo giới nhà nước.
Ông Hùng cũng tiết lộ không chỉ dự án của TISCO mà nhiều dự án “có yếu tố Trung Quốc” đều chậm tiến độ, bị đội vốn và sản phẩm làm ra không đạt thông số ban đầu... Ngay từ khâu làm hồ sơ mời thầu và thương thảo hợp đồng, nhiều chủ đầu tư Việt Nam đã bị “quả đắng”, bị tăng vốn, chậm tiến độ, nhà máy khó khăn. Tuy nhiên, điều đáng nói là khi làm dự án, các cán bộ liên quan rất hay đi nước ngoài tìm hiểu... mô hình, thường do chính một nhà thầu nào đó mời. Không những giới thiệu rất hay, các nhà thầu này thường chiêu đãi vô cùng long trọng từ ăn uống, đi lại, tham quan, quà cáp... Do đó trong thương thảo hợp đồng nhiều điều khoản bị hớ, nhất là vấn đề điều chỉnh giá cả, tiến độ thực hiện, các điều khoản về phạm vi hợp đồng.
Vi phạm đã quá rõ. Nhưng truy cứu và xử lý cán bộ lãnh đạo nào? Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có chống được tham nhũng như đã tuyên thệ trước Quốc hội hay không còn tùy thuộc vào động thái giải tỏa bức xúc của dư luận người dân.
Với tư cách là người lãnh đạo cao nhất ngành công thương, cựu bộ trưởng Vũ Huy Hoàng là cái tên đầu tiên phải được nêu ra để truy cứu trách nhiệm, đặc biệt về trách nhiệm hình sự. Trong những năm qua, quan chức này đã hoàn toàn phớt lờ phản ứng của dư luận về vụ 15 nhà máy thủy điện của Tập đoàn điện lực Việt nam (EVN) xả lũ đột ngột gây ra cái chết của hơn 50 người dân ở các tỉnh miền Trung vào năm 2013, vụ EVN mua điện từ Trung cộng với giá gấp 3 lần giá thành sản xuất trong nước, cũng EVN đầu tư trái ngành và rước khoản lỗ hơn 30,000 tỷ đồng để sau đó liên tục tăng giá điện như một cách “bù lỗ vào dân”…
Chưa kể đến nhóm lợi ích tung hoành Petrolimex khi ép giá xăng dầu lên đầu người dân Việt.
Cựu bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng phải chịu trách nhiệm về một thực tế quá khốn quẫn: nền kinh tế và sản xuất của Việt Nam đã phụ thuộc ghê gớm vào Trung cộng.
Xét về giá trị, hàng hóa nhập khẩu từ Trung cộng tăng gần 26 lần sau 13 năm, từ 1.4 tỉ USD năm 2000 lên 36.9 tỉ USD. Trong khi đó, giá trị hàng xuất khẩu chỉ tăng khoảng 9 lần, từ mức 1.5 tỉ USD năm 2000 lên 13.3 tỉ USD năm 2013.
Nếu năm 2002, nhập khẩu từ Trung cộng chiếm 8.9% tổng nhập khẩu, thì đến năm 2011, tỷ lệ này đã là 23.3% và tăng lên 27% vào năm 2013.
Nếu chính phủ Nguyễn Xuân Phúc không bắt đầu chống tham nhũng từ việc tổ chức điều tra cựu bộ trưởng Hoàng và những thủ hạ liên đới, chính phủ mới này sẽ chẳng mấy chốc đi vào lối mòn tham nhũng và mị dân thời chính phủ Nguyễn Tấn Dũng.
04/12/2016 - 19:05
Lê Dung / SBTN
No comments:
Post a Comment