Theo VOA-13.04.2016
Ở nước mình luôn luôn sẵn những chuyện buồn cười xảy ra. Cụ thể là gần đây cộng đồng mạng liên tục bàn tán về một bát phở gà giá 300 ngàn tại quán phở giữa trung tâm thủ đô. Bạn đọc có thể lên google tìm kiếm từ khóa “Bát phở 300 nghìn” để nhìn rõ hình ảnh của bát phở “oan gia” đó. Cụ thể là có một khách hàng vào quán gọi một bát phở gà nguyên đùi, 4 quả kê và một chùm trứng tràng. Ăn no nê đứng dậy tính tiền thì chủ quán lấy 300 ngàn. Khách xám mặt kêu đắt, cự nự lại thì được giảm 50 ngàn, tuy nhiên không có tiền lẻ nên chỉ đưa lại cho cô gái ấy 40 ngàn. Chung quy lại thì bát phở đáng giá 260 ngàn.
Mỗi câu chuyện nho nhỏ ấy thôi nhưng thấy được cả một hệ thống tâm lý văn hóa rất lạ đời của người Việt mà vẫn diễn ra bình thường trong cuộc sống hằng ngày. Tạm gác lại chuyện tính toán xem bát phở 300 ngàn đó có đắt không, tôi bàn đến chuyện tại sao các cửa hàng quán ăn ở Việt Nam, đặc biệt là ở Hà Nội, chẳng bao giờ thấy có bảng giá. Khách hàng thông thường là cứ quen ăn hàng nào thì vào hàng đó, chịu ăn và chịu trả với cái giá mình vẫn phải trả. Ăn càng nhiều thì càng có khả năng được giảm giá, hoặc ghi nợ, hoặc cùng với cái giá đấy nhưng xuất ăn của họ chắc chắn chất lượng hơn hẳn những người khác.
Khi câu chuyện này nổi lên, một số phóng viên báo chí hoặc truyền hình đến phỏng vấn, quay hình. Khách hàng khi đó được hỏi đến giá cũng không nói chắc nịch một cái giá cụ thể, mà toàn ước lượng trung bình vào khoảng 40-50 ngàn/một bát. Sự chênh lệch lớn nhỏ còn tùy thuộc vào phần thịt được yêu cầu hoặc kèm giá một số món đi kèm khác như quả trứng, đĩa quẩy… Chính sự thỏa hiệp ngay từ đầu của khách hàng dẫn đến những vụ “bi hài” như trên. Tuy nhiên, khi chính bản thân họ là người vướng chuyện, họ lại hô hào rất bức xúc, oan ức. Biết bao nhiêu vụ việc quán ăn này, quán nhậu kia bị lên án “chặt chém” khách hàng khi tính tiền sau bữa ăn nhưng vẫn được xuề xòa cho qua. Chuyện vào quán mua đồ không cần biết giá trước trở thành một “tập tục” khó lý giải.
Quay lại chuyện đắt rẻ. Vấn đề thực phẩm bẩn đang trở nên ngày càng nghiêm trọng trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bản thân đài truyền hình quốc gia mới đây cũng ra mắt chương trình “Nói không với thực phẩm bẩn” chuyên điều tra, vạch trần các cơ sở sản xuất thực phẩm bẩn, độc hại. Tuy nhiên, vấn đề trên xảy ra hiển nhiên là có nguồn gốc, và cần phải đi sâu vào nguyên nhân mới mong giải quyết được hiệu quả. Theo ý kiến cá nhân, chính sự ham rẻ của người tiêu dùng là một trong những lý do hàng đầu. Các vị “thượng đế” luôn luôn mở miệng đòi hỏi thực phẩm sạch, đồ tươi mới, nhưng khi đi chọn hàng quán thì 100% “đâm đầu” vào những nơi giá rẻ. Hai cửa hàng cùng kinh doanh một mặt hàng, cùng ở một vị trí thuận lợi như nhau nhưng bên nào rẻ hơn bên đó vẫn cứ lũ lượt khách. Tiêu chuẩn số 1 của khách hàng Việt vẫn là “rẻ”.
Trên các ứng dụng bản đồ tìm kiếm thức ăn như Foody, Lozi (tương tự như Yelp hay Foursquare), các dòng giới thiệu, quảng cáo quán xá luôn gắn liền dòng chữ đại loại như “ăn cả phố cổ chỉ với giá 100.000 đồng” hay “ăn no nê, giá thật mê” nhằm thu hút sự chú ý. Khách hàng vẫn vô tư ăn uống thật thỏa chí cho đến khi một trong những quán ăn quen thuộc của họ bị lên báo vì phát hiện “có chuột trong nồi lẩu” hay “thịt lợn có dòi”..., họ mới tá hỏa than trời trách đất. Sau đó, tiếp tục đi tìm một quán ăn giá rẻ khác.
Áp nguyên cả hệ thống tâm lý tôi đã phân tích ở trên vào trường hợp bát phở 300 ngàn. Dĩ nhiên câu đầu tiên họ thốt ra là “Đắt quá!” Rồi tất cả đồng loạt kêu “tẩy chay” vì dám… hét giá, không cần biết đến chất lượng đồ ăn ra sao. Giả sử như có thể đem bát phở ra soi xét từ từng sợi phở, thành phần nước dùng, đến thớ thịt, buồng trứng con gà, có đạt đủ tiêu chuẩn an toàn thực phẩm thì chưa chắc đã nhận được sự cảm thông nào, mà vẫn bị chê vì đắt. Để đáp ứng được thị trường Việt với tiêu chuẩn trên trời “ngon-bổ-rẻ” thì có cho các chuyên gia ẩm thực hàng đầu như Gordon Ramsey với gần 40 nhà hàng trên toàn thế giới cũng phải đau đầu không biết nên kinh doanh nhà hàng ở Việt Nam như thế nào. Rẻ nhưng chất lượng thấp, bẩn thì tất nhiên là bị “ném đá” mà sạch-đắt thì vẫn cứ ế chỏng ế chơ.
Bát phở 300 ngàn không hề đắt nếu đó là một bát phở sạch. Câu chuyện này được dấy lên đáng lẽ không nên chỉ đánh động chúng ta xung quanh vấn đề “chặt chém” mà còn là nhìn lại văn hóa quán xá của người Việt. Có câu “thuận mua, vừa bán”, vậy tại sao lên án, đòi hỏi người bán phải “có tâm” trong khi chính bản thân khách hàng rõ ràng đang đẩy họ vào thế buộc phải “vô tâm” bởi những thói quen ăn hàng quán với mức vô tâm tương tự của chính mình?
* Blog 'Trong lòng Hà Nội' của Hoàng Giang là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
No comments:
Post a Comment