Monday, April 25, 2016

Không lạc quan về đối thoại nhân quyền Việt Mỹ

Việt Hà, phóng viên RFA 2016-04-25  
000_9A4ZR
Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ, Đặc trách Dân chủ, Nhân quyền và Lao động, ông Tom Malinowski.  AFP photo
Đối thoại nhân quyền Việt Mỹ lần thứ 20 diễn ra vào ngày 25 tháng 4 trong bối cảnh hai nước vừa kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ, và vấn đề nhân quyền tại Việt Nam đang bị nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế lên tiếng chỉ trích. Một số nhà đấu tranh dân chủ, nhân quyền và lãnh đạo tôn giáo trong nước tỏ rakhông mấy lạc quan về kết quả quả của cuộc đối thoại lần này.
Không lạc quan
Một số nhà hoạt động dân sự và tự do tôn giáo tại Việt Nam tỏ ra nghi ngờ về kết quả của đối thoại nhân quyền Việt Mỹ lần thứ 20 diễn ra vào ngày 25 tháng 4 tại Washington DC, và cho rằng những kết quả của các vòng đối thoại trước đó không thực chất.
Nói với đài Á Châu Tự Do ngay trước khi diễn ra vòng đàm phán mới, nhà báo tự do Phạm Chí Dũng, thuộc Hội nhà báo độc lập, một tổ chức xã hội dân sự không chịu quyền kiểm soát của chính phủ cho biết.
Nếu như cuộc đối thoại nhân quyền này giải quyết được một số vấn đề cải thiện nhân quyền hơn cho Việt Nam thì điều đó là tốt nhưng tôi tin là trưởng đoàn đối thoại nhân quyền của Mỹ là ông Malinowski có lẽ cũng không được lạc quan lắm, vì khi ông đến Việt Nam vào tháng 5 năm trước tức là trước đối thoại nhân quyền tại Hà Nội thì chính ông đã phải thốt lên một điều là hết sức thất vọng là không thể cứ thả một chục người này thì bắt một chục người khác thay thế vào.
Nếu như cuộc đối thoại nhân quyền này giải quyết được một số cải thiện nhân quyền cho Việt Nam thì tốt nhưng tôi tin là trưởng đoàn đối thoại nhân quyền của Mỹ có lẽ cũng không  lạc quan lắm...
- Nhà báo Phạm Chí Dũng

Trong vòng đối thoại nhân quyền lần thứ 19 diễn ra tại Hà Nội vào tháng 5 năm ngoái, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Tom Malinowski khi ở Việt Nam đã được biết về vụ blogger Nguyễn Chí Tuyến ở Hà Nội bị đánh trọng thương bởi những người mà theo blogger này cho biết là những an ninh mặc thường phục. Ông Tom Malinowski sau đó, trong bài phỏng vấn với blogger Đoan Trang đã nói rằng Hoa Kỳ biết vẫn còn nhiều nhà hoạt động bị sách nhiễu trên diện rộng, vẫn còn rất nhiều người bị đàn áp, bị đe dọa, thậm chí tấn công bằng vũ lực như trường hợp của blogger Anh Chí tức Nguyễn Chí Tuyến. Ông gọi đây là một việc làm vô cùng ngu dốt khi mà nó xảy ra đúng vào thời điểm quốc tế đang rất chú ý đến nhân quyền ở Việt Nam.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế Human Rights Watch trong báo cáo về nhân quyền năm 2015 cũng cho biết có ít nhất 45 blogger và các nhà hoạt động nhân quyền ở Việt Nam bị tấn công bởi các nhân viên an ninh mặc thường phục.
Thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ phát đi hôm 21 tháng 4 cho biết, đối thoại nhân quyền lần này giữ hai nước sẽ đề cập đến một loạt các vấn đề bao gồm cải cách tư pháp, pháp quyền, tự do bày tỏ ý kiến, lập hội, tự do tôn giáo, quyền của người lao động, người tàn tật, người đồng tính và chuyển giới cùng một số trường hợp cá nhân khác.
Vấn đề tự do tôn giáo vốn được coi là một trong những vấn đề được phía Hoa Kỳ rất quan tâm. Hồi cuối tháng 3 vừa rồi, Đại sứ lưu động về tự do tôn giáo của Hoa Kỳ là ông David Saperstein đã đến thăm Việt Nam. Mặc dù nhìn nhận còn những đàn áp tôn giáo ở Việt Nam nhưng Đại sứ Saperstein cho rằng Việt Nam dường như đang đi đúng hướng trong việc cải thiện tình hình tự do tôn giáo trong nước, thể hiện qua luật tôn giáo tín ngưỡng đang được soạn thảo.
Những cuộc đối thoại của cộng sản với các chính phủ dân chủ là chỉ mang tính cách lừa gạt mà thôi. Họ chỉ làm cho các chính phủ dân chủ nghĩ là họ có thiện chí.
- Linh mục Phan Văn Lợi
Tuy nhiên các lãnh đạo tôn giáo trong nước sau đó đã gửi một bức thư đến ông David Saperstein và đài Á Châu Tự Do phản bác một số ý kiến mà ông Saperstein nêu ra trong đó nói rằng Việt Nam đang đi đúng hướng trong việc cải thiện tự do tôn giáo.
Linh mục công giáo Phan Văn Lợi, một trong những người đồng ký tên trong bức thư cho biết nhận xét của ông về vòng đối thoại thứ 20 giữa hai nước:
Những cuộc đối thoại của cộng sản với các chính phủ dân chủ là chỉ mang tính cách lừa gạt mà thôi. Họ chỉ làm cho các chính phủ dân chủ nghĩ là họ có thiện chí. Đôi khi họ đưa ra các tài liệu luật pháp để chứng tỏ họ tôn trọng nhân quyền nhưng những gì họ dựa trên luật pháp và hiến pháp thì họ không bao giờ tôn trọng cả….  họ dùng những luật đó để hủy diện dần dần cái quyền tự do tôn giáo đến quyền tự do lập hội, cho nên chúng tôi cho rằng những cuộc đối thoại của chính phủ cộng sản với các chính phủ Mỹ và châu Âu đều là những màn lừa gạt mà thôi.
Kết quả chỉ tạm thời
Ngay sau chuyến thăm của đại sứ Saperstein tới Việt Nam, cộng đồng tôn giáo tại Việt Nam đã lên tiếng về những trường hợp đàn áp tôn giáo của chính quyền địa phương gần đây, như vụ đàn áp phật giáo Hòa Hảo tại An Giang nhân lễ giỗ người sáng lập đạo là Đức Huỳnh Phú Sổ hôm 1 tháng 4. Mới đây, các tín đồ công giáo xứ Hướng Phương tỉnh Quảng Bình cũng tố cáo chính quyền xã đã cho công an đến đàn áp một lễ hội do họ tổ chức vào ngày 6 tháng 4 khiến một số người bị thương.
Nói về kết quả thực sự của những vòng đàm phán giữa hai nước về nhân quyền, nhà báo Phạm Chí  Dũng cho rằng đây là những kết quả chỉ mang tính tạm thời:
Tính chất kết quả sau đối thoại nhân quyền là hết sức tạm thời và có lẽ nó chỉ kéo dài thường là chưa đầy 1 tháng. Tôi chứng minh ngay là tháng 10 năm 2014, khi ông Malinowski là trưởng đoàn đối thoại nhân quyền Mỹ tới Việt Nam vào lúc đó là thời điểm thả blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải. Lúc đó khi thả Điếu Cày Nguyễn Văn Hải thì mọi người rất vui và nghĩ là mọi chuyện dừng như là bừng sáng mở ra một chân trời mới.
Nhưng ngay sau khi ông Malinowski trở về Mỹ đi cùng với Điếu cày Nguyễn Văn Hải thì có hơn một tháng sau thì Việt Nam bắt liên tục một hơi 3 blogger là ông Hồng lê Thọ, ông Nguyễn Quang Lập và ông Nguyễn Đình Ngọc. Việc đó nó chứng minh rằng tất cả những gì bền vững trong đối thoại nhân quyền chỉ kéo dài trong một khoảng thời gian hết sức tương đối và sau đó mọi chuyện lại trở lại như cũ.
TPP và tranh chấp biển đông tạo sức ép lên Việt Nam
Bước vào vòng đối thoại lần này, những nhà quan sát tình hình Việt Nam cho rằng vấn đề TPP (hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương) và những căng thẳng gần đây giữa Việt Nam và Trung Quốc xung quanh vấn đề chủ quyền tại biển Đông có thể là những con bài để Hoa Kỳ dùng để mặc cả với Việt Nam. Nói về điều này, bác sĩ Nguyễn Quốc Quân, đại diện cho Tổ chức tập hợp vì nền dân chủ tại Hoa Kỳ, một tổ chức vận động cho nhân quyền ở Việt nam, cho biết:
...tất cả những gì bền vững trong đối thoại nhân quyền chỉ kéo dài trong một khoảng thời gian hết sức tương đối và sau đó mọi chuyện lại trở lại như cũ.
- Nhà báo Phạm Chí  Dũng 
Tôi biết chắc là Việt Nam bị dân chúng giận giữ chống đối vì thái độ nhân nhượng với Trung Quốc. Thứ hai là nền kinh tế kiệt quệ, thứ ba là sự thất bại trong đầu tư và sử dụng vốn đầu tư ngoại quốc. Tất cả dẫn đến suy sụp về kinh tế và bế tắc về chính trị. Cộng sản cần cái gì đó để cứu nguy thì họ nhìn thấy ở TPP làm một cứu cánh nên Mỹ có thể dùng đòn bẩy là TPP.
Hiện tại quốc hội Mỹ vẫn chưa thông qua TPP. Theo bác sĩ Nguyễn Quốc Quân, dù muốn hay không, quốc hội Mỹ cũng sẽ có những yêu cầu về cải thiện nhân quyền tại Việt Nam trước khi xem xét việc thông qua hiệp định này.
Tuy nhiên, trả lời báo chí mới đây, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cho rằng dù có hay không có TPP thì quan hệ hai nước cũng phát triển mạnh mẽ với những gì đã diễn ra trong suốt 20 năm bình thường hóa quan hệ.
Trong bài viết đăng trên Tuần Việt Nam vào tháng 3 vừa qua, đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius một mặt kêu gọi Việt Nam cải thiện nhân quyền, mặt khác cũng khẳng định dù hai nước có xuất phát điểm khác nhau nhưng chính phủ Hoa Kỳ tôn trọng hệ thống chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Jonh Kerry trong chuyến thăm đến Việt Nam vào tháng 8 năm ngoái nhân kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ cũng nhấn mạnh những tiến bộ trong vấn đề nhân quyền và pháp quyền là nền tảng cho mối quan hệ đối tác chiến lược và chiến lược sâu hơn giữa hai nước.

No comments:

Post a Comment