Monday, April 25, 2016

Ai đã “chống lưng” Formosa Hà Tĩnh?

Cá chết tại bờ biển Vũng Áng (Ảnh: N.Dũng)
Đây là nghi vấn được nhiều nhà khoa học đặt ra trong một bàn luận đầu tuần quanh sự việc xả nước thải của Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa (Khu công nghiệp Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh).
Giáo sư Ngô Đình Tuấn, Chủ tịch Hội Môi trường và tài nguyên nước Việt Nam nói rằng theo quy định của pháp luật, các dự án đều phải thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Là chuyên gia đầu ngành nhưng GS Tuấn cho biết ông chưa bao giờ được tiếp cận ĐTM của Formosa.
Theo GS Tuấn, thực tế, cơ quan chính quyền nhiều địa phương thường thấy món lợi ích kinh tế trước mắt do dự án mang lại mà lờ đi, nhắm mắt thông qua ĐTM. Doanh nghiệp cũng không dại gì công khai ĐTM cho giới chuyên gia góp ý, do lo ngại vấp phải các ý kiến trái chiều, có thể làm chậm lại quá trình đầu tư. Khi nào có báo chí, người dân nêu lên, dư luận xôn xao thì cơ quan chức năng từ cấp bộ, sở ngành mới lập đoàn đi thẩm định. Các vụ việc giống như cá chết hàng loạt ở dải ven biển miền Trung gần đây, lấp sông Đồng Nai... chỉ toàn báo chí, người dân phát hiện chứ không mấy khi thấy cơ quan chức năng phát hiện.
Đồng tình với quan điểm trên, TS Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu – Đại học Cần Thơ đặt vấn đề, nếu đường ống xả thải khổng lồ của Formosa có trong ĐTM và được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép, thì theo quy định nó phải được thông qua một bước quan trọng là tham vấn cộng đồng và chính quyền địa phương. Một nguyên tắc cơ bản của việc làm ĐTM là phải công khai minh bạch nên chính quyền địa phương và người dân phải biết về đường ống này. |Nhưng theo thông tin báo chí phản ánh thì có vẻ như người dân địa phương bất ngờ về đường ống này|, ông Tuấn nói.
TS Đào Trọng Tứ, cố vấn mạng lưới sông ngòi Việt Nam cũng nói rằng ông cùng nhiều đồng nghiệp khác chưa từng được tiếp cận ĐTM của Formosa. Formosa là một dự án rất lớn, tác động đến môi trường cao vì vậy cần phải công bố, minh bạch ĐTM đến công chúng.
TS Tô Văn Trường, chuyên gia tài nguyên nước và môi trường, đặt câu hỏi rằng Vũng Áng là lãnh thổ của Việt Nam, nhưng trớ trêu là ngay khi có sự cố đầy nghi vấn, nhà chức trách lại nói không có thẩm quyền vào để kiểm tra tại chỗ đường ống xả Formosa. Đất nước sẽ đi về đâu nếu người Việt Nam không có chủ quyền ngay trên mảnh đất của mình?
Tai họa cá chết hàng loạt ở miền Trung, tác hại lớn không chỉ đến kinh tế, môi trường mà cả lòng dân. Nhưng cá chết từ 6-4 mà đến ngày 23-4 nhà chức trách vẫn loay hoay chưa đưa ra nguyên nhân, càng chứng tỏ sự bất lực của bộ máy quản lý từ trung ương đến địa phương.
04/25/2016 - 06:45
Vũ Minh Ngọc / SBTN

No comments:

Post a Comment