Những con tàu này được đóng mới từ nguồn vốn vay ngân hàng hàng trăm tỉ đồng, nhưng hầu như chưa được sử dụng nhiều.
Biết bao cuộc họp, rồi công văn đi lại giữa chủ của dàn tàu đang chìm dần trên vịnh Hạ Long với chính quyền địa phương, cùng bao lời hứa hẹn, cam kết của chủ tàu, những đến nay, dàn tàu “ma” này vẫn nằm chềnh ềnh ngày đường bao biển trung tâm TP.Hạ Long, gây mất mĩ quan và đang gây ô nhiễm cho môi trường nước vịnh.
Dàn tàu “ma” này gồm 3 sà lan Lash và 9 tàu đẩy Tug của Cty vận tải Lash Vinashin – Chí nhánh Cty TNHH MTV Vận tải viễn dương Vinashin, có trụ sở tại Khu đô thị mới Pháp Vân, Hà Nội.
Năm 2013, Báo Lao Động đã có một số bài phản ánh về thực trạng 9 con tàu trên: Được đóng mới với vốn vay hàng hàng trăm tỉ đồng từ ngân hàng, nhưng hầu như chưa được vào sử dụng do Cty mẹ - Vinashin rơi vào khủng hoảng.
Theo báo cáo của Cty vận tải Lash Vinashin, do hệ thống tàu Lash phải ngừng hoạt động từ cuối năm 2008, nên từ tháng 1.2009, 3 sà lan và 9 tàu đẩy của Cty về nằm “chết” tại hòn Cặp Bè, phường Bạch Đằng, TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh từ đó đến nay. Năm 2013, một trận bão đã đánh chìm 6 tàu đẩy.
Theo ông Hoàng Quang Hải – Phó Chủ tịch UBND TP.Hạ Long- từ năm 2013 đến nay, UBND tỉnh Quảng Ninh, TP.Hạ Long, phường Bạch Đằng và các vị liên quan liên tục họp, gửi văn bản tới Cty, yêu cầu di chuyển đội tàu đi chỗ khác, nhưng Cty hứa hết lần này tới lần khác rồi bỏ mặc.
Ngay từ năm 2013, trả lời các cấp chính quyền tỉnh Quảng Ninh, Cty vận tải Lash Vinashin đề nghị, cho phép các phương tiện thủy tiếp tục được đỗ tại vị trí trên trong thời gian chờ định giá tài sản để bán, do Cty không còn đủ khả năng để trục vớt đi nơi khác.
Trong khi đó, sau một thời gian chờ đợi, ngày 6.1.2014, UBND TP.Hạ Long ra quyết định cưỡng chế đưa dàn tàu trên đi nơi khác.
Tuy nhiên, quyết định của UBND TP.Hạ Long cũng giống như những lời hứa của Cty vận tải Lash Vinashin: không có giá trị thực hiện.
Theo tìm hiểu, giới chuyên môn tài chính cho rằng, giữ nguyên dàn tàu tại vị trí cũ thì cả người vay và ngân hàng đều bình an, trong khi thành phố không phải mất một khoản tiền lớn để di dời, dù rằng theo quy định chi phí cưỡng chế là do Cty vận tải Lash Vinashin trả, nhưng với tình cảnh hiện nay, Cty lấy đâu ra tiền.
Vì thế, dàn tàu “ma” trên sẽ vẫn cứ nằm đó và tiếp tục góp một phần ô nhiễm vào vịnh Hạ Long
Hàng trăm tỉ đồng giờ chỉ còn là đống sắt vụn.
Các bên đang thi gan với nhau, vì thế, dàn tàu "ma" này có lẽ còn nằm ở đây rất lâu.
Dàn tàu "ma" đang gây mất mĩ quan và ô nhiễm di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long.
No comments:
Post a Comment