QUẢNG BÌNH (NV) - Ngành du lịch các tỉnh miền Trung đang bị thiệt hại nặng nề sau khi “cá chết bất thường” do biển bị nghi nhiễm độc từ một khu công nghiệp của Trung Quốc những ngày qua.
Truyền thông Việt Nam loan báo, ngày 24 tháng 4, Hiệp Hội Du Lịch tỉnh Quảng Bình đã tổ chức một cuộc họp khẩn nhằm tìm giải pháp về vấn đề thực phẩm và vệ sinh môi trường tại các bãi tắm, khu nghỉ dưỡng.
Bãi tắm Nhật Lệ nổi tiếng của Quảng Bình, trong mấy ngày qua vắng khách du lịch vì biển nhiễm độc. (Hình: VNExpress) |
Theo VNExpress, ngày 25 tháng 4, dọc bờ biển Nhật Lệ, Quang Phú ở thành phố Ðồng hay bãi biển Ðá Nhảy, Vũng Chùa-đảo Yến, huyện Quảng Trạch... nổi tiếng, xác cá chết vẫn đầy trên bãi biển, bốc mùi hôi tanh rất khó chịu trong khi các hàng quán kinh doanh “vắng như chùa bà Ðanh” trở nên vắng vẻ lạ thường.
Bà Bùi Thị Nhung (48 tuổi), chủ quán đặc sản biển Minh Nhung, ở bờ biển Quang Phú lo lắng: “Trước đây, hàng trăm khách đến quán ăn đặc sản biển mỗi ngày, nhưng từ khi xảy ra tình trạng cá chết, lượng khách cứ giảm dần. Cứ đà này chúng tôi lo lắng quá,” bà Nhung nói.
Ông Nguyễn Văn Kỳ, chủ tịch Hiệp Hội Du Lịch tỉnh Quảng Bình, xác nhận, do cá biển chết và nước biển nghi bị ô nhiễm trong những ngày qua đã làm du khách e ngại khi đến Quảng Bình nghỉ dưỡng, tắm biển và ăn hải sản. Các nhà hàng, khách sạn chuyển các thực đơn hải sản sang thịt gà, bò, dê, thỏ.
Tương tự, Vịnh Lăng Cô, thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, một trong các vịnh đẹp nhất thế giới, có trên 40 khách sạn, nhà nghỉ và gần 10 nhà hàng chuyên cung cấp các món ăn hải sản cho khách du lịch cũng là nơi bị thiệt hại nặng nề nhất tại tỉnh Thừa Thiên-Huế. Cảnh xác cá chết thối đầy dòi bọ phơi kín bãi biển những ngày qua làm du khách kinh khiếp, không đến nghỉ ngơi, tắm biển... khiến buôn bán khó khăn.
Ông Phan Thanh Giảng, chủ tịch thị trấn Lăng Cô, cho biết: “Trước kia, các hàng quán chủ yếu bán cho du khách, giờ cá chết hết rồi nên chẳng có mà bán nhưng bán cũng chẳng ai ăn, người dân đang lo lắng, ngư dân thì tạm ngưng đi đánh cá,” ông Giảng nói.
Ông Lê Văn Bình, chi cục trưởng Chi Cục Quản Lý Chất Lượng Nông Lâm Thủy Sản, Sở Nông Nghiệp Thừa Thiên-Huế, cho hay chỉ, giờ chỉ biết khuyến cáo người dân không kinh doanh, ăn các loài cá đã bị chết chứ cá biển còn sống không biết có nhiễm độc hay không.
Theo ông Bình, tình trạng nhiễm độc ở Thừa Thiên-Huế thấp hơn những nơi khác nhưng tâm lý người dân rất lo sợ nên một số nơi không ăn cá biển, nói chi đến du khách. (Tr.N)
No comments:
Post a Comment