Monday, December 21, 2015

Việt Nam cuối 2015: 'Minsky' trả nợ cùng cải cách thể chế

Người Việt-12-20-2015 4:29:37 PM
Phạm Chí Dũng
Có thể hiểu là chính vào lúc này, ngân hàng thế giới đã quyết định nhảy vào cuộc chiến dân chủ nhân quyền cho người dân Việt Nam.

Kwa Kwa hỏi Nguyễn Tấn Dũng

“Việt Nam sẽ lấy nguồn ở đâu để tài trợ cho chương trình phát triển đầy tham vọng trong 5 năm tới?” - bà Victoria Kwa Kwa nhíu mày hỏi.
“Yêu cầu đặt ra cho giai đoạn này là phát triển nhanh hơn, bền vững hơn 5 năm trước với các trụ cột, trong đó mục tiêu cao nhất là tăng trưởng kinh tế cao hơn, bền vững hơn phấn đấu đạt mức từ 6.5 đến 7%” - Ngay trước đó, Thủ Tướng Dũng nở nụ cười thường lệ về mục tiêu phát triển giai đoạn 2016-2020 của Việt Nam.
Câu hỏi rất hóc búa trên của Kwa Kwa dành cho Nguyễn Tấn Dũng được đặt ra tại Diễn Đàn Đối Tác Phát Triển tổ chức ngày 5 Tháng Mười Hai, 2015 ở Hà Nội về “kế hoạch 5 năm tới của Chính Phủ Việt Nam.”
Bà Victoria Kwa Kwa là một gương mặt rất quen thuộc - giám đốc quốc gia ngân hàng thế giới tại Việt Nam. Nhưng các cuộc họp và hội nghị trước đây của ngân hàng thế giới với các cơ quan Việt Nam chưa bao giờ ghi nhận một câu hỏi sinh tử như thế của bà.
Và chính ngân hàng thế giới, vào Tháng Mười Hai, vừa đưa ra một trong những thuyết minh giá trị nhất đối với kế hoạch “tăng trưởng kinh tế cao hơn” của phía chính phủ: Dừng vốn vay ưu đãi cho Việt Nam.
Quyết định đột ngột trên của ngân hàng thế giới xuất hiện hầu như cùng thời điểm với Diễn Đàn Đối Tác Phát Triển.
Ngân hàng thế giới là một trong những chủ nợ lớn nhất của chính phủ Việt Nam: Chiếm gần 30% nợ vay song phương.
Những ngày cuối năm 2015, trong bầu không khí “chào mừng đại hội đảng 12” cùng cơn chấn động “ngân sách trung ương chỉ còn 45 ngàn tỷ đồng,” quyết định “dừng vốn vay ưu đãi cho Việt Nam” của ngân hàng thế giới thực sự là một tin chẳng tốt lành gì xảy đến với giới lãnh đạo Hà Nội.

Phía trước là... trả nợ


Dự kiến chỉ hơn một năm nữa (đến ngày 1 Tháng Bảy, 2017,) Việt Nam sẽ không còn được nhận nguồn vốn vay ưu đãi từ ngân hàng thế giới.
Lý do được ngân hàng thế giới đưa ra: Giai đoạn 2011-2015 là thời kỳ Việt Nam bước vào nước có thu nhập trung bình, vì vậy chính sách của ngân hàng thế giới cũng như nhiều nhà tài trợ khác đối với Việt Nam có sự thay đổi. Việt Nam sẽ phải đẩy nhanh tốc độ trả nợ đối với hơn 90% các khoản vay hiện hành (tương đương 9.5 tỷ USD) và các khoản vay mới thuộc IDA 17.
Việc trả nợ này sẽ thực hiện theo hai phương án. Ở phương án 1, Việt Nam sẽ phải đẩy nhanh gấp đôi tốc độ trả nợ, tức các khoản vay 25 năm sẽ phải trả trong khoảng 12-15 năm. Khi đó, Việt Nam sẽ được hưởng lãi suất có phần ưu đãi là 2%.
Còn nếu chọn phương án 2 là giữ nguyên thời gian trả nợ, khi đó lãi suất áp dụng sẽ là lãi suất đang vay (khoảng 2%) cộng thêm 1.4-1.5%, tương đương điều kiện vay với lãi suất 3.4 -3.5% trong thời hạn 25 năm.
Nhưng dù là phương án nào thì theo kế hoạch vay nợ của Chính phủ Việt Nam đã được duyệt, năm 2015 phải huy động 436,000 tỷ đồng để bù đắp bội chi (226,000 tỷ,) đầu tư (85,000 tỷ,) và vay để đảo nợ (khoảng 125,000 tỷ).
Còn ngân sách Việt Nam có trách nhiệm phải trả 363,166 tỷ đồng (hơn 16 tỷ USD) nợ trái phiếu đến hạn thanh toán trong 2 năm 2015-2016.
Một ước tính của Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư cho biết đến năm 2017, tổng số vốn vay ưu đãi phải áp dụng điều khoản trả nợ nhanh và thuộc phạm vi tính toán tác động khoảng 18-19 tỷ USD.
Cho đến nay, không ai biết làm sao có nổi số tiền dù chỉ 1 tỷ USD để trước mắt cơ cấu lại số nợ này.
Dù kế hoạch phát hành trái phiếu chính phủ trong nước là 226,000 tỷ đồng, nhưng 9 tháng đầu năm 2015 mới thực hiện được 51% kế hoạch. Kết quả này cho thấy việc huy động bằng trái phiếu chính phủ là cực kỳ khó khăn.
Không chỉ mong ngóng bán cho được 3 tỷ USD trái phiếu quốc tế - một kế hoạch rất hão huyền vào thời điểm này, chính phủ Việt Nam còn phải chỉ đạo Bộ Tài Chính tìm bất kể lối thoát nào, trong đó đã phải vay mượn ngân hàng nhà nước 30,000 tỷ đồng, kể cả việc phải rút vốn từ những “con bò sữa” lợi nhuận như  Tập đoàn Vinamilk để có tiền bù đắp ngân sách rỗng ruột.
Không còn là bộ phim “Phía trước là bầu trời,” mà ngay trước mắt của nhà nước Việt Nam chỉ là trả nợ, trả nợ và trả nợ!
Nếu đến cuối năm 2016 mà không thể bán được trái phiếu, cũng như chưa bán được một đồng nợ xấu nào cho các đối tác nước ngoài, nhiều khả năng ngân sách Việt Nam sẽ chính thức vỡ nợ.

Phải cải cách thể chế!


Nhưng vẫn chưa hết.
Ngân hàng thế giới - tổ chức tài chính hùng mạnh luôn xuất bản những báo cáo đánh giá Việt Nam có mức tăng trưởng GDP khả quan, vừa làm nên một hành động chưa từng có: Yêu cầu chính phủ Việt Nam sớm ban hành Luật Lập Hội.
Yêu cầu trên lại xếp hàng đầu trong bản khuyến nghị 7 điểm của ngân hàng thế giới đối với chính phủ Việt Nam.
“Cần thiết phải soạn thảo và thực hiện một bộ luật có hiệu lực mạnh về hội và hiệp hội. Chính điều đó sẽ giúp thực hiện chương trình nghị sự của chính phủ” - bà Kwa Kwa “gợi ý.”
Thậm chí Thời Báo Kinh Tế Việt Nam - một tờ báo thường biểu lộ khuynh hướng “thân chính phủ” - cũng rút tít rất đồng cảm với khuyến nghị của ngân hàng thế giới “Luật về Hội sẽ thổi luồng sinh khí mới vào xã hội,” nhưng lại bỏ ngỏ “Việt Nam sẽ có một Luật về Hội như thế nào, hiện vẫn là câu chuyện ở thì tương lai.”
Quá khứ đã chứng tỏ rằng sau bản thông điệp đầu năm 2014 về “nắm chắc ngọn cờ dân chủ,” “xóa độc quyền” và kể cả “nhà nước kiến tạo phát triển” của Thủ Tướng Dũng, cho đến nay không có bất kỳ nội dung nào được người đứng đầu chính phủ thực thi, dù chỉ một phần nhỏ.
Ngay cả cụm từ “cải cách thể chế” mà giới chuyên gia trung thành với Thủ Tướng Dũng tung hô trong năm 2015 cũng vẫn hoàn toàn trừu tượng như thể “tình hữu nghị viển vông.”
Đề nghị “Linh hoạt chấp nhận cho Việt Nam là một nền kinh tế thị trường” của Thủ Tướng Dũng tại các hội nghị quốc tế và các cuộc gặp tay đôi với viên chức nước ngoài lại vừa nhận được câu trả lời dứt khoát từ phía Liên Minh Châu Âu: Việt Nam mới chỉ đạt được 1 trong số tiêu chí về kinh tế thị trường.
Thông tin trên xuất hiện trong buổi gặp gỡ báo chí ngày 7 Tháng Mười Hai, 2015 do phái đoàn Liên Minh Châu Âu tại Việt Nam tổ chức tại Hà Nội, chỉ hai ngày sau Diễn Đàn Đối Tác Phát Triển. Tại đây, Đại Sứ Bruno Angelet - Trưởng Phái Đoàn Liên Minh Châu Âu (EU) tại Việt Nam nói thẳng:
“Để được công nhận là nền kinh tế thị trường, các quốc gia phải đạt đủ 5 tiêu chí. Tuy nhiên, Việt Nam mới chỉ đạt được 1 tiêu chí trong số đó là mức độ ảnh hưởng của chính phủ trong việc phân bổ các nguồn lực và các quyết định của doanh nghiệp.
4 tiêu chí chưa đạt là: Không có sự can thiệp của nhà nước làm biến dạng hoạt động hàng ngày của doanh nghiệp; Quản trị doanh nghiệp, kế toán và kiểm toán; Sự tồn tại và thực thi một chế độ pháp lý, tôn trọng các quyền sở hữu trí tuệ, phá sản và cạnh tranh cũng như các hệ thống tư pháp; Lĩnh vực tài chính của Việt Nam.”
Đã quá đủ cho vài chục năm vay nợ nước ngoài, chi xài vô tội vạ và bỏ mặc tham nhũng hoành hành của chính phủ cùng chính quyền các địa phương Việt Nam, để lại núi nợ công lên đến ít nhất 98% GDP.
Thời điểm “Minsky” về đáo hạn các khoản nợ đang đến gần, rất gần. Bây giờ không phải là lúc mơ mộng về những cái ghế sau đại hội đảng 12, mà nhiệm vụ khủng khiếp nhất của chính phủ Việt Nam là trả nợ và dù muốn hay không, bắt buộc phải cải cách thể chế.

Nếu cả đến ngân hàng thế giới cũng dường như đã quyết định tham dự vào trận chiến dân chủ - nhân quyền cho người dân Việt Nam, chính quyền quốc gia này - không còn lối thoát nào khác - sẽ phải cải cách một cách thực chất chứ không chỉ đầu môi chót lưỡi như đã từng quá nhiều lần trước đây.

No comments:

Post a Comment