Theo BBC-9 giờ trước
Giáo hội Công giáo Việt Nam sẵn sàng cho việc mở đại học Công giáo sau khi Chính phủ Việt Nam cho phép.
Giám mục Giuseppe Đinh Đức Đạo, Chủ tịch Ủy ban đặc trách Giáo dục của Hội đồng Giám mục Việt Nam, được dẫn lời trong bản tin đăng trên trang tinphanxico.vn hôm 19/12 xác nhận việc sẽ mở cửa trường đại học này.
“Chúng tôi đã sẵn sàng cho giai đoạn thực tế. Cơ sở hạ tầng và quy chế đã được chính phủ và Tòa Thánh phê chuẩn. Lễ khánh thành chính thức sẽ diễn ra vào tháng Một, và các khóa học sẽ bắt đầu từ tháng Tư,” Giám mục Đạo nói.
“Năm 2016 sẽ được ghi nhớ là năm mà sự hiện diện và tự do của Giáo hội Công giáo trong lĩnh vực giáo dục không còn là chuyện bị cấm cản.
“Sự kiện này đã được mòn mỏi chờ đợi suốt 60 năm, từ khi chế độ cộng sản loại trừ Giáo hội khỏi lĩnh vực giáo dục,” bản tin viết.
Giám mục Phero Nguyễn Văn Đệ từ Giáo phận Thái Bình nói với BBC hôm 21/12 rằng đây dấu hiệu tương đối lạc quan.
Giám mục Phero Nguyễn Văn Đệ: Tôi được biết nhà nước đã được chấp thuận rồi. Chương trình này là do Hội đồng Giám mục Việt Nam đề xuất.
Tiền thân của nó Giáo hoàng Học viện Thánh Piô X ở Đà Lạt. Ai cũng mong muốn để tái lập lại học viện đó để Giáo hội Việt Nam có cơ sở để tào tạo nhưng cơ sở đó hiện nay nhà nước Việt Nam đang tiếp quản và cũng khó để lấy lại. Ban điều hành thì của dòng Tên nên cuối cùng thì Hội đồng Giám mục Việt Nam đứng đầu là Đức Cha Đinh Đức Đạo ở Xuân Lộc đảm nhận và đề xuất thì Hội đồng Giám mục thống nhất là nên có một học viện cấp cao có khả năng để đào tạo cho các tu sỹ, chủng sinh tại các chủng viện tại Việt Nam để làm bớt đi gánh nặng và kết quả không cao khi phải gửi sinh viên đi ra nước ngoài với chi phí tốn kém và vất vả.
Mọi người đều hưởng ứng chủ trương của Hội đồng Giám mục Việt Nam, sao để đem lại giáo dục và đào tạo tốt hơn cho các sinh viên, linh mục tương lai, tu sỹ và ngay cả giáo dân trong tương lai, nhất là các bộ môn về lĩnh vực thần học và triết học.
BBC: Liệu có khả năng sử dụng trường cũ ở Đà Lạt?
Lúc đầu thì muốn nối tiếp Giáo hoàng Học viện Thánh Piô X trên Đà Lạt do các cha dòng Tên đảm nhận nhưng sau đó có nhiều vấn đề lệ thuộc vào bên trong. Do đó đi đến một đề xuất mới không liên quan gì tới học viện này nữa, tức là học viện này đang cố gắng để xem có hướng gì tích cực hơn cho học viện này hay không. Tức là đây là việc Hội đồng Giám mục đề xuất một học viện mới cho việc đào tạo cho các dòng tu và ưu tiên cho các chủng viện. Trước mắt là làm sao mở được một cơ sở đầu tiên đã.
BBC: Nếu nhìn rộng ra liệu có thể xem đây là mốc khá quan trọng trong quan hệ giữa Hà Nội và Vatican?
Cái này thì tôi thấy không có liên hệ lắm, tuy nhiên chắc cũng có ít nhiều do đề xuất và thiện chí của các nơi nhưng theo tôi thì khởi đầu là xuất phát từ nhu cầu và mong muốn của Hội đồng Giám mục Việt Nam là chính, còn phía nhà nước họ có nhân nhượng trong tương quan với Vatican hay không thì tôi không có được rõ. Còn có liên hệ tới mối ảnh hưởng hoặc tác động trong vấn đề ngoại giao giữa Nhà nước Việt Nam và Vatican hay không thì tôi nghĩ mọi cái tích cực trực tiếp hay gián tiếp thì người ta cũng tìm cách để liên kết với nhau.
BBC: Được biết Giáo hội Công giáo tại Việt Nam từ trước năm 1954 hay trước giai đoạn 1975 đã có cả ngàn cơ sở giáo dục từ mẫu giáo cho tới bậc đại học?
Đúng rồi. Thời bấy giờ là các tổ chức tôn giáo khác nhau chứ không chỉ riêng Công giáo có cơ sở. Nhưng riêng Công giáo thì coi trường học như một lĩnh vực cần thiết để phổ biến nền giáo dục Ki tô giáo vào và được phát triển rất rộng rãi và đều khắp.
Hiện nay Hội đồng Giám mục Việt Nam nhiều lần đề cập và đề xuất với nhà nước để phục vụ cho nhu cầu đào tạo và phong phú hóa chủ đề trường học và đạo tạo hơn nên đang rất mong mỏi và cũng thấy có những dấu hiệu tương đối là lạc quan.
Tất nhiên cũng phải còn mất thêm thời gian nhưng ít nhất là có sự khởi đầu và có chỉ dấu tương đối tích cực. Hiện nay có một số trường mẫu giáo hay mầm non được khởi đầu tương đối tốt. Vì đây là tiến trình và qui luật chung của xã hội nên hy vọng sau này sớm muộn cũng sẽ đi tới thôi. Mọi người cũng khá lạc quan về việc này, vấn đề là còn thời gian thôi.
No comments:
Post a Comment