Friday, August 14, 2015

Tháng 8/1945: Cách mạng hay Khởi nghĩa?

Theo BBC-5 giờ trước


Nhà văn Vũ Thư Hiên cho rằng, Cách mạng tháng Tám của Việt Nam nên được gọi là Khởi nghĩa tháng Tám thì 'đúng hơn', ông nói trong Bàn tròn thứ Năm của BBC hôm 13/08.
Cuộc Cách mạng tháng Tám giành độc lập của Việt Nam xảy ra tròn 70 năm về trước. (Xem lại thảo luận tại: http://bit.ly/1TAxdQP)
"Tôi nghĩ đây là cuộc khởi nghĩa đã đưa lại nền độc lập và sau đó những mục tiêu đề ra ở những ngày đầu của cuộc khởi nghĩa đã bị phản bội.
"Nó phản bội một cách từ từ chứ không phải ngay lập tức. Không có cái mốc nào cho sự phản bội cả. Nhưng nếu phải đặt ra một cái mốc thì tôi nghĩ là từ sau năm 1949 khi mà biên giới Việt Nam và Trung Quốc gắn liền, khi cách mạng Trung Quốc đã thành công," ông nói.
"Rồi sau đó sự phân quyền tạo ra lối phân chia trên dưới mà khởi xướng là ông Tổng bí thư Trường Chinh càng ngày càng lan rộng và nó đã được nâng cao tới mức như ngày hôm nay.
"Chúng ta thấy một hệ thống quan liêu, một hệ thống tham quan đang đè nặng lên đất nước, tước đoạt quyền của người dân, không phải chỉ là quyền tự do ngôn luận, mà cả quyền sống, quyền làm người.
"Tôi rất buồn khi nhớ lại không khí của những ngày tháng Tám năm 1945." Ông Vũ Thư Hiên là một nhân chứng lịch sử, con trai ông Vũ Đình Huỳnh - thư ký riêng của Hồ Chí Minh trong thời kỳ đầu lập quốc.
Nhận xét vê ý nghĩa của sự kiện này, bà Lê Hiền Đức, người hay lên tiếng đấu tranh về đất đai cùng nông dân ở Việt Nam cho rằng, đây là "niềm tự hào của dân tộc Việt Nam", tuy nhiên, quá khứ "hào hùng đó đã bị che mờ đi bởi sự suy đồi, xuống cấp của cả một hệ thống xã hội từ các cấp quản lý trung ương cho đến địa phương".
Nhà báo Hồng Nga cũng đặt câu hỏi với bà Lê Hiền Đức, từng làm giao liên trước Cách mạng tháng Tám, về mục tiêu 'người cày có ruộng của cuộc cách mạng, liệu đã đạt được hay chưa.
Bà nói bà phải dùng tới từ 'căm thù' để bày tỏ cảm xúc do "truớc đây thì bảo là làm cách mạng để đem lại ruộng đất cho dân cày, cho người nghèo, nhưng bây giờ tôi vẫn thường nói, nó nguợc lại hẳn. Có nghĩa là họ lấy đất của nguời nghèo mà tôi dùng từ cướp đất từ nguời dân cày cho bọn nhà giàu."

'Rách rưới'

Nhà văn Vũ Thư Hiên kể lại ấn tượng lớn về trước ngày 02/09/1945, rằng những bộ quần áo 'đàng hoàng' do những người thuộc chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thời đó mặc đều là do ông Trịnh Văn Bô cung cấp.
"Năm ấy, toàn bộ chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đều là những người rách rưới. Tất nhiên là quần áo đủ mặc nhưng không đàng hoàng như các bạn nhìn thấy trên lễ đài đâu."
"...Tôi là người chứng kiến ông Võ Nguyên Giáp đến để nhận quần áo và giầy dép, cuối cùng lại phải đôi dép nó chật, thế là cái anh xe của nhà tôi phải mang đôi dép đấy chạy lên phố Hàng Da để đổi đôi khác."
Trả lời câu hỏi của Hồng Nga về ý kiến cho rằng cuộc cách mạng không dữ dội như trong sách sử, ông Vũ Thư Hiên và ông Trần Tiến Đức, con trai bác sỹ Trần Duy Hưng - thị trưởng đầu tiên của Hà Nội sau cuộc Cách mạng tháng Tám, cùng cho rằng chính quyền lúc đó đã biết lợi dụng "khoảng trống quyền lực".
"Số Đảng viên chỉ trên 1 nghìn, nhưng quan trọng là kỳ vọng của nhân dân không muốn sống nô lệ nữa, lớn hơn cả. (Xem lại thảo luận tại: http://bit.ly/1TAxdQP)
"Nên số người ít ỏi đấy khi khởi xướng lên cái danh từ không phải là Đảng cộng sản, thì phải nói là Việt Minh, tất cả những nguời không phải Việt Minh cũng xưng là Việt Minh tạo nên một làn sóng rất dữ dội.
"Và vì thế mà cái ngày 19/08 ở Hà Nội đã nổ ra cuộc cướp chính quyền mà cái cuộc cướp chính quyền ấy nổ ra đúng lúc chính phủ Trần Trọng Kim định tổ chức cuộc biểu dương lực lượng với thanh niên và sinh viên ở Nhà hát Lớn thì trong số đó mà ngày hôm đó làm mà sau này tôi có tìm hiểu, có lẽ chỉ có độ vài ba đảng viên Cộng sản, còn tất cả là những người Việt Nam tự xưng đã nắm lấy thời cơ ấy và biến nó thành cuộc khởi nghĩa."
Nhà báo tự do Trần Tiến Đức cũng phân tích rằng những nguời lãnh đạo của Việt Minh đã "biết tận dụng khoảng trống đó và đặc biệt là biết tận dụng cái khát vọng được thoát khỏi ách thống trị của ngoại bang và đuợc sống trong độc lập tự do".

Tinh thần dân chủ

Nhà báo Trần Tiến Đức và Hồng Nga của BBC trong chương trình hôm 13/08
Ông Trần Tiến Đức kể về cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội đầu tiên vào tháng 1/1946 và đánh giá ở Hà Nội lúc đó đã có không khí dân chủ 'thực sự'.
"Lúc bấy giờ không có Đảng cử dân bầu mà lúc bấy giờ Đảng cũng là lựa chọn mà không chỉ là đảng viên mà cả những người trí thức tiêu biểu của đất nước."
Trong số 6 đại biểu của liên danh Việt Minh, ông Hồ Chí Minh, ông Trần Duy Hưng và bốn nhân vật khác đều là những người "ngoài Đảng". Và để đạt được 6 ghế đại biểu Quốc hội của Hà Nội, đã có tới 176 vị tham gia tranh cử, ông nói thêm.
Trong Bàn tròn thứ Năm, nhà báo Trần Tiến Đức nhắc lại lời mở đầu Tuyên ngôn độc lập năm 1945 về quyền bình đẳng, tự do và mưu cầu hạnh phúc.
"Tôi nghĩ rằng những thông địêp ấy gửi cho dân chúng đuợc dân chúng hưởng ứng. Nhà chính trị nào làm việc đó là đã biết đánh vào khát vọng độc lập tự do của dân.
"Nhìn vào những thông điệp ấy, ta thấy rằng chúng ta có độc lập nhưng đã trọn vẹn hay chưa thì rõ ràng hiện nay chúng ta vẫn đang bị những ngoại bang đe doạ, chủ quyền đất nuớc vẫn bị xâm phạm.
"Tôi cho rằng thế hệ chúng tôi đã cố gắng làm rất nhiều nhưng mà những khát vọng độc lập tự do, dân chủ vẫn còn tồn tại và tôi hy vọng rằng những thế hệ trẻ hơn, mai sau vẫn tiếp tục đi theo con đuờng đó."

No comments:

Post a Comment