Các nhà lập pháp và người ủng hộ phe đối lập Sam Rainsy cầm bản đồ bảo vệ lãnh thổ Campuchia với Việt Nam đi trên đường phố Phnom Penh.
Trà Mi-VOA
14.08.2015
Thủ tướng Campuchia ngày 13/8 ra lệnh bắt giữ một thượng nghị sĩ đối lập với cáo buộc ‘phản quốc’ vì những lời bình luận ông này đăng lên Facebook chỉ trích thỏa thuận biên giới giữa PhnomPenh với Việt Nam.
Thượng nghị sĩ Hong Sok Hour thuộc đảng đối lập Sam Rainsy bị tố cáo đã phổ biến trên Facebook các tài liệu xuyên tạc về thỏa thuận biên giới Việt Nam - Campuchia ký hồi năm 1979 nhằm gây hoang mang công luận, gây bất ổn cho quốc gia.
Thủ tướng Hun Sen nói:
"Tôi xin nhân dân Campuchia chớ nên trách cứ chính phủ vì hành động như thế này không thể được dung chấp".
Vẫn theo nhà lãnh đạo hàng đầu Campuchia, hành vi của nghị sĩ Hong Sok Hour là phạm pháp có thể dẫn tới tội phản quốc.
Ông Hun Sen đặt vấn đề:
"Nếu xảy ra các cuộc nổi dậy (chống Việt Nam) xuất phát từ các bình luận (của ông Hour trên Facebook) và gây ra chiến tranh với nước láng giềng, ai sẽ chịu trách nhiệm?".
Đây là diễn tiến mới nhất trong loạt các vụ tấn công nhắm vào phe đối lập ở Campuchia.
Phe đối lập ở Campuchia đang tìm cách tranh thủ quyền lợi chính trị với các cáo buộc rằng Việt Nam xâm lấn đất của Campuchia. Các nỗ lực của đảng đối lập này đã làm gia tăng căng thẳng với Việt Nam tại đường biên giới trong thời gian gần đây.
Cảnh sát Campuchia cho biết nghị sĩ Hong Sok Hour vẫn còn tại đào trong khi ông Sambath David, phụ tá của ông Hour, cho đài VOA biết:
‘"Tôi không chắc ông Hour đang ở đâu nhưng biết rằng ông ta hiện đang ở một nơi an toàn".
Tờ Phnom Penh Post dẫn lời thượng nghị sĩ Teav Vannol của đảng Sam Rainsy khẳng định các tin tức ban đầu nói ông Hour đã bị bắt là sai sự thật.
Phe đối lập chỉ trích rằng dưới ảnh hưởng của Thủ tướng Hun Sen, hệ thống tòa án Campuchia đang áp lực họ phải bỏ qua vấn đề biên giới với Việt Nam bằng cách bỏ tù các nhà hoạt động đối lập với các cáo buộc ‘tạo phản’ liên quan tới một cuộc biểu tình bạo động chống Việt Nam hồi năm ngoái.
Ông Hun Sen nắm quyền gần 30 năm nay. Theo tường thuật của AP, dù Campuchia trên danh nghĩa là một quốc gia dân chủ, nhưng chính quyền của Thủ tướng Hun Sen bị xem là chính quyền độc tài và khét tiếng về các vụ đàn áp những tiếng nói đối lập.
Thủ tướng Campuchia cho biết nghị sĩ Hour sẽ bị Quốc hội tước quyền được miễn tố, đồng thời kêu gọi các sứ quán nước ngoài chớ có chứa chấp nghị sĩ Hong Sok Hour hoặc can thiệp vào vụ việc.
Chủ tịch đảng đối lập Sam Rainsy, ông Kong Koan, tuyên bố:
"Ra lệnh bắt nghị sĩ Hour trước khi bỏ quyền được miễn tố của ông ta là một hành động bất hợp pháp".
Tin nói ông Hour giữ song tịch Pháp và Campuchia. Trang web của tờ Phnom Penh Post cho hay một phát ngôn nhân đại sứ quán Pháp khẳng định ông Hour không trốn lánh tại đây.
"Nếu xảy ra các cuộc nổi dậy (chống Việt Nam) xuất phát từ các bình luận (của ông Hour trên Facebook) và gây ra chiến tranh với nước láng giềng, ai sẽ chịu trách nhiệm?"-Thủ tướng Hun Sen.
Phe đối lập Campuchia lâu nay chỉ trích các mối quan hệ thân mật giữa Phnom Penh với Hà Nội và tố cáo chính quyền của ông Hun Sen ‘dâng đất’ cho Việt Nam.
Họ cũng tố cáo rằng chính phủ của ông Hun Sen dùng các bản đồ giả trong việc phân ranh với Việt Nam và rằng Hà Nội đã sử dụng các bản đồ khác với bản đồ gốc để bành trướng lãnh thổ, làm gia tăng căng thẳng chính trị.
Đáp lại, Thủ tướng Campuchia đã cho phổ biến những tấm bản đồ cổ để phản bác chỉ trích này.
Hôm qua, ông Hun Sen loan báo Liên hiệp quốc tuần tới sẽ cho chính phủ Campuchia mượn thêm một bộ bản đồ kỹ thuật số liên quan đến đường biên giới Việt Nam - Campuchia.
Những năm gần đây liên tiếp xảy ra nhiều vụ tranh cãi lẫn các cuộc tấn công của các nhà lập pháp đối lập và các nhà hoạt động Campuchia trên đường biên giới với Việt Nam.
Hà Nội tố cáo có khoảng 250 nhà hoạt động Campuchia, trong đó có các nhà lập pháp đảng Sam Rainsy, hồi cuối tháng 6 đã xâm nhập lãnh thổ Việt Nam bất hợp pháp rồi tấn công công an và công dân Việt.
Sau vụ va chạm tại khu vực biên giới, xuất hiện các thông tin và hình ảnh trên các trang mạng xã hội nói rằng Việt Nam đang chuyển vũ khí về phía biên giới Tây Nam liên quan đến tình hình bất ổn ở biên giới với Campuchia. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lập tức lên tiếng bác bỏ tin này.
Nhấp vào để nghe phần âm thanh
No comments:
Post a Comment