Friday, August 14, 2015

Chưa có cuộc đình công nào đúng với 'luật Việt Nam'

HÀ NỘI (NV) - Ðó là nhận định chung của các viên chức công đoàn tại thành phố Sài Gòn khi thảo luận với đại diện Tổng Liên Ðoàn Lao Ðộng Việt Nam về “ngưng việc tập thể và đình công.”

Ông Lê Anh Tuấn, phó chủ tịch công đoàn các khu công nghiệp và khu chế xuất ở Sài Gòn, cho biết, gọi đình công là do thói quen chứ trong thực tế, tất cả các vụ “ngưng việc tập thể để đòi quyền lợi” của công nhân trong 20 năm qua không thể xem là đình công vì trái với định nghĩa về đình công trong luật Việt Nam.


Một cuộc “ngưng việc tập thể để đòi quyền lợi” vì hệ thống công đoàn hiện nay không làm gì cả. (Hình: TBKTSG)

Sở dĩ không thể xem các vụ “ngưng việc tập thể để đòi quyền lợi” của công nhân là đình công vì chúng xảy ra theo kiểu... tự phát, không tuân thủ trình tự tổ chức đình công mà luật pháp Việt Nam quy định (bao gồm nhiều “bước,” mỗi “bước” mất từ năm đến bảy ngày).

Một thuộc cấp của ông Tuấn tên là Phạm Duy Bắc, đang phụ trách công đoàn tại các Khu Công nghiệp Tân Bình, Vĩnh Lộc, Tây Bắc Củ Chi, nói thêm, từ năm 1995 đến nay (thời điểm Việt Nam ban hành Luật Lao Ðộng), tại Việt Nam có khoảng 7,000 cuộc “ngưng việc tập thể để đòi quyền lợi” của công nhân nhưng hệ thống công đoàn do chính quyền Việt Nam thành lập và điều hành luôn luôn đứng ngoài.

Ông Bắc giải thích lý do là vì, trình tự về đình công rất khó thực hiện cho đúng. Nếu làm không đúng rất dễ bị doanh nghiệp kiện và phải bồi thường cho doanh nghiệp. Chưa kể vì hệ thống công đoàn không trả lương nên các viên chức công đoàn tại doanh nghiệp đều nhận lương của doanh nghiệp!

Ðó cũng là lý do mà nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế khuyến cáo Việt Nam phải thừa nhận hệ thống công đoàn độc lập. Trong báo cáo về tình hình kinh tế Việt Nam, vừa được công bố hồi hạ tuần tháng trước, Ngân Hàng Thế Giới (WB) cũng khuyến cáo như vậy.

Theo WB, đây là việc phải làm để thích ứng với những đòi hỏi của nền kinh tế thị trường. Trung Quốc - một quốc gia Cộng Sản như Việt Nam cũng đã phải làm như vậy. WB nhận xét, đến nay, hệ thống quan hệ lao động tại Việt Nam vẫn như thời kỳ kinh tế kế hoạch tập trung và vì vậy mắc một nhược điểm cơ bản là thiếu sự tách bạch giữa công đoàn, giới chủ và nhà nước.

Cho đến nay, tất cả các tổ chức công đoàn hợp pháp đều thuộc Tổng Liên Ðoàn Lao Ðộng Việt Nam và Tổng Liên Ðoàn Lao Ðộng Việt Nam thì được đặt dưới sự lãnh đạo của Ðảng CSVN. Hệ thống công đoàn này đảm trách nhiều vai trò khác nhau song không thống nhất với nhau và vì vậy, mâu thuẫn với nhau về lợi ích.

Chẳng hạn, tổ chức công đoàn tại doanh nghiệp thường có quan hệ mật thiết với giới quản lý. Thậm chí ngay cả trong các doanh nghiệp do người ngoại quốc làm chủ, giới lãnh đạo và quản lý cũng là thành viên công đoàn và giữ các vị trí hàng đầu trong công đoàn, thành ra khó làm tròn vai trò “đại diện cho lợi ích của người lao động” cũng như bảo vệ phúc lợi cho người lao động.

Một điểm mâu thuẫn khác là công đoàn vừa giữ vai trò cầu nối giữa Ðảng CSVN với người lao động lại vừa đại diện cho người lao động trong quá trình hình thành các quyết định của chính quyền. Những mâu thuẫn vừa kể được xem là lý do khiến số lượng các cuộc “ngưng việc tập thể để đòi quyền lợi” tăng vọt.

WB cho rằng, kiểu hoạt động trước nay khiến hệ thống công đoàn tại Việt Nam có vai trò rất hạn chế trong việc làm trung gian hòa giải về kinh tế-xã hội. Tình trạng đình công gia tăng cho thấy các cơ chế khác để giải quyết tranh chấp lao động chưa phát triển. Năng lực của người hòa giải và trọng tài yếu. Nhiều người trong số này đảm nhiệm quá nhiều việc, đôi khi mâu thuẫn với nhau hoặc chưa được đào tạo bài bản về đàm phán tập thể và giải quyết tranh chấp.

WB khuyến cáo, Việt Nam nên xem cải thiện hệ thống quan hệ lao động là chìa khóa giúp giải quyết nhiều thách thức căn bản của thị trường lao động.

Trước mắt, Việt Nam nên gia tăng các biện pháp giúp nâng cao năng lực cho các tổ chức công đoàn và hiệp hội doanh nghiệp. Kế đó, nên chủ động đề ra các giải pháp nhằm phát triển hệ thống quan hệ lao động, thúc đẩy sự hợp tác hài hòa trên thị trường lao động.

Ví dụ như không để giới lãnh đạo và quản lý doanh nghiệp đảm trách các vị trí điều hành hoạt động công đoàn. Ðơn giản hóa các quy định về giải quyết tranh chấp trong quan hệ lao động. Cho phép thành lập các Ban Ðại Diện công nhân hay Ban Quản Lý lao động giống như nhiều quốc gia Châu Âu và Nam Hàn. Xây dựng các hệ thống hòa giải và trọng tài lao động bên ngoài hệ thống tòa án để giải quyết tranh chấp lao động trong trường hợp các tổ chức hiện có không thể giải quyết tranh chấp một cách hữu hiệu.

Về lâu dài, Việt Nam nên để các tổ chức công đoàn hoạt động độc lập với đảng CSVN và chính quyền. Ðể cho hệ thống này tập trung chủ yếu vào vai trò đại diện cho lợi ích của người lao động.

Cũng cần nhắc lại rằng, chấp nhận hệ thống công đoàn độc lập đang được xem như một điều kiện để Việt Nam trở thành một thành viên của TPP. (G.Ð)
08-13-2015 4:22:07 PM

No comments:

Post a Comment