“Cô vừa đi chạy về đấy à? Được mấy cân?” – là những câu chào quen thuộc của xóm chạy thận. “Chạy” là đi lọc máu, “cân” là lọc được bao nhiêu lít máu một lần. Trong ảnh là cô Đinh Thị Bắc (Quảng Ninh) đang nhặt rau nấu cơm. Cô sống xa gia đình đã 10 năm nay. (Ảnh: motthegioi.vn)
Mong viện phí không tăng, mong BHYT đừng thay đổi, mong sức khỏe đừng mau xuống để còn làm việc – cuộc sống của những con người trong “Xóm chạy thận” (Hà Nội) là từng ngày hy vọng được sống, được làm việc và sinh hoạt bình dị cùng nhau.
Con ngõ nhỏ, tồi tàn với những dãy nhà trọ lụp xụp mái che, lối đi luôn đọng nước rửa lại là nơi mà hơn 130 bệnh nhân đang mắc bệnh mãn tính sinh sống. Xóm chạy thận nằm trong con ngõ nhỏ 121 Lê Thanh Nghị (Hoàng Mai, Hà Nội). (Ảnh: motthegioi.vn) Những dãy nhà trọ cũ với bao nhiêu đồ đạc dồn hết ra ngoài. Không phải vì chẳng muốn giấu gì, mà chỉ là do phòng quá chật, thêm được “căn bếp” bên ngoài lối đi chung thì thêm. (Ảnh: isuzu-danang.com) Mỗi phòng trọ chỉ khoảng 8m2 với tiền thuê 1,1 triệu đồng/ tháng (mức giá hồi tháng 10/2014), chưa tính điện nước. (Ảnh: giadinhvn.vn) Hoặc là những phòng chung với chỗ ở của mỗi người là một tấm phản nhỏ. (Ảnh: giadinhvn.vn) Thế nhưng đây lại là nơi chứa đựng nhiều hy vọng sống nhất. Một người bình thường khó có thể tưởng tượng được những con người nơi đây đã làm được: đều đặn 3 ngày chạy lọc máu một lần, một tháng chạy 13 lần, thiếu lần nào thì sức khỏe suy kiệt, tụt huyết áp, chân tay bủn rủn. Thế nhưng còn sức thì còn đi làm. (Ảnh: motthegioi.vn) “Người còn có sức khỏe thì còn đang đi đánh giày, bán nước, đi rửa bát thuê…”, ông Nguyễn Văn Khai (SN 1950, TP Sơn La, tỉnh Sơn La) cho hay (Ảnh chụp màn hình/anninhthudo.vn) Ông Nguyễn Văn Khai đã có 21 năm “chạy” đua với bệnh suy thận. Bàn tay sau nhiều lần chọc ven lọc máu đã trở nên tê cứng, cầm gì cũng chỉ cầm được hờ. (Ảnh chụp màn hình/anninhthudo.vn) Tết 2015, ông Khai nhận được tin báo vợ được chẩn đoán mắc căn bệnh ung thư dạ dày giai đoạn cuối. “Từ ngày xuống Hà Nội chạy thận, mỗi năm, cố lắm tôi mới về quê được 1 – 2 ngày. 21 năm nay bà ấy sống vì tôi, nuôi tôi, tôi chưa làm được gì cho bà ấy thì bà ấy lại vì bạo bệnh mà sắp rời xa tôi mãi mãi. Tết với tôi như thế này thì có cũng như không”, ông nói trên báo Lao động (Ảnh chụp màn hình/anninhthudo.vn) “Xóm trưởng” – anh Mai Anh Tuấn (SN 1976, Ba Vì, Hà Nội) thì may mắn hơn, khi được sống cùng gia đình với vợ và cậu con trai ngay tại Hà Nội. (Ảnh: eva.vn) Vợ anh, chị Nguyễn Thị Nghĩa, quen anh khi biết anh đã mắc bệnh, yêu và lấy anh khi anh đang phải điều trị tại BV Bạch Mai. Chị còn trải qua một con đường dài nữa để yêu thương và chia sẻ gánh nặng cùng anh dù bị gia đình phản đối. Kể về lý do đồng ý yêu và lấy anh, chị chỉ nói đơn giản: Khi nhìn vào mắt anh, “tôi biết rằng anh cần có tôi bên cạnh”. (Ảnh: eva.vn) Phát hiện bị bệnh thận từ năm 6 tuổi, tính đến hiện tại, anh Tuấn đã 33 năm sống chung cùng căn bệnh mãn tính này. Con đường vài trăm m từ khu trọ đến BV Bạch Mai là con đường mười mấy năm qua anh Tuấn đã đi đi về về để giành sự sống. Đó cũng là con đường mà gần 10 năm qua, chị Nghĩa miệt mài đi lại với những thức hàng lẻ tẻ bán rong ở bệnh viện, nuôi chồng, nuôi con (Ảnh: eva.vn) Anh nói: “…Vợ tôi vất vả lắm, tôi biết cô ấy đã chịu thiệt thòi và hi sinh rất nhiều”. Còn chị thì cho rằng:”Tôi là người phụ nữ hạnh phúc. Bởi ngoài những khó khăn về vật chất tôi luôn có tình yêu của chồng và con. Mỗi khi mệt mỏi về đến nhà là có người bóp vai, hỏi thăm, có người chuẩn bị nước cho tắm. Cuộc sống cũng không có nhiều phiền muộn”. Cuộc sống cứ đi qua tự nhiên như thế (Ảnh: eva.vn) Cô Đinh Thị Bắc (Quảng Ninh) đang nhặt rau nấu cơm. Cô đã mổ cầu tay chạy thận 12 lần, thuê phòng sống cạnh bệnh viện để tiện điều trị khoảng chục năm nay. Cô bảo: “Con cái thì cũng bận làm ăn, thi thoảng mới xuống thăm được, tôi ở đây cũng quen rồi”. (Ảnh: motthegioi.vn) “Cô vừa đi chạy về đấy à? Được mấy cân?” – là những câu í ới quen thuộc của xóm chạy thận. “Chạy” là đi lọc máu, “cân” là lọc được bao nhiêu lít máu một lần. Hơn 20 năm, xóm chỉ đón người đến mà không đón người về. Nhưng mỗi buổi chiều, con hẻm lại vẫn đông hơn, vui hơn khi mọi người cùng nhau làm những việc không tên, nấu cơm, giặt quần áo. (Ảnh: giadinh.net.vn) Với họ, được sinh hoạt hàng ngày chính là cuộc sống. Xóm cũng chia tổ, cũng có xóm trưởng, cũng có sinh hoạt chung… , người nọ giúp người kia. Chị Nguyễn Thị Oanh (SN 1966, thôn Kim Độ, xã Hiệp Cát, tỉnh Hải Dương) nói trên báo Lao Động: “Tôi đã “chạy thận” 6 – 7 năm nay rồi. Đã có lúc tôi muốn chết nhưng anh chị em trong xóm động viên và tôi đã tìm được cho mình khát khao sống. Sống để nhìn đời, nhìn người, sống để nhìn con cái mình trưởng thành từng ngày từng tháng, âu cũng là khát khao chính đáng”. (Ảnh: giadinh.net.vn) Thế nhưng, đằng sau những lạc quan là rất nhiều trầm tư. Vì hiện mặc dù mỗi người được bảo hiểm y tế hỗ trợ 95%, nhưng 5% chi trả cũng là một con số quá lớn đối với họ. (Ảnh: giadinhvn.vn) Mỗi tuần phải chạy thận 2 lần, chi phí hết hơn 1 triệu chưa kể tiền mua thuốc bổ, thuốc canxi và nhiều loại thuốc khác; 1,5 triệu tiền thuê trọ, thêm tiền ăn uống, sinh hoạt… bình quân mỗi tháng, mỗi người cần ít nhất 4 triệu đồng để duy trì sự sống, theo thông tin từ báo Lao Động. (Ảnh: giadinhvn.vn) “Tháng nào không bị ốm nặng thì phải tiêu tốn mất chừng 2,5 triệu đồng. Nếu không may, phải đi cấp cứu thì tốn hàng chục triệu đồng”, chị Hoàng Thị Tuất (Hòa Bình) có thâm niên 12 năm chạy thận, cho hay trên tờ Kiến Thức. Mọi người xoay đủ mọi nghề để sống, chạy xe ôm, bán hàng rong, rửa bát thuê… Nhiều người đi mua ve chai rồi đi bán lại. (Ảnh: giadinhvn.vn) Hơn một năm qua, nhóm Hanoi Food Rescue (HFR) (phần lớn là học sinh THPT) đi xin thực phẩm còn đảm bảo tại các nhà hàng, khách sạn, tiệm bán đồ ăn nhanh tại Hà Nội để mang tặng cho bệnh nhân, người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn…, trong đó có các bệnh nhân tại Xóm chạy thận. (Ảnh: ktdt.vn) Một thành viên HFR gửi đồ ăn tới bệnh nhân Xóm chạy thận. (Ảnh: ktdt.vn) Một chuyến từ thiện của đoàn Isuzu với những thành viên của xóm chạy thận, tháng 5/2015. (Ảnh: isuzu-danang.com) Mong viện phí không tăng, mong BHYT đừng thay đổi, mong sức khỏe đừng mau xuống quá để còn làm việc – cuộc sống của những con người trong con hẻm nhỏ này còn cần lắm những bàn tay sẻ chia. Vì chỉ còn một ngày, thì vẫn còn được sống. Trong ảnh: anh Lê Việt Hưng (SN 1975, Thanh Trì, Hà Nội) và chị Phùng Thị Hằng (SN 1982, Ba Vì, Hà Nội) rạng rỡ trong tình yêu và hy vọng sống khi kết duyên thành bạn đời. (Ảnh: ngoisao.net)
Theo Daikynguyenvn-19 tiếng trước
Phan A tổng hợp
No comments:
Post a Comment