Friday, August 14, 2015

‘Người Việt ít quan tâm lịch sử nước mình’

Theo BBC-14 tháng 8 2015

Một số sử gia Việt Nam muốn lập các công trình và tưởng niệm nạn đói 1945.
Một giáo sư Nhật nói dân chúng Nhật khó hình dung lịch sử Việt Nam trong khi người Việt dường như “ít quan tâm lịch sử nước mình”.
Trả lời Nguyễn Hoàng của BBC tiếng Việt tại Nhật Bản, Giáo sư Ari Nakano từ Đại học Daito Bunka, chuyên nghiên cứu về mảng chính trị, ngoại giao và nhân quyền Việt Nam, cũng nói rằng cần có nghiên cứu lịch sử một cách độc lập, tự do và có đủ thông tin khách quan hơn về những gì xảy ra tại Việt Nam giai đoạn quân đội Nhật chiếm đóng.
Vào ngày 07/08, Báo Asahi của Nhật có bài về Việt Nam và Nhật Bản trong bối cảnh từ khi Nhật chiếm đóng và những thập niên sau này trong đó có đề cập tới nạn đói năm Ất Dậu.
Bài báo dẫn lời một người đàn ông 89 tuổi ở Thái Bình có trên dưới 20 thân nhân chết vì nạn đói năm 1945 mô tả điều ông gọi là lúc đó “căm tức Pháp và Nhật lắm’’.
Tuy nhiên ông Trần Văn Vinh, người từng phải ăn cả cỏ và lá chuối để sống, nói rằng sự thù hận nay không còn.
Bài báo cũng dẫn chiếu tới một khảo sát về nạn chết đói do một học giả của Nhật và một sử gia người Việt tiến hành tại hơn 20 làng ở miền Bắc Việt Nam với 6.979 người chết trên tổng số dân là 25.625 người (khoảng 27%).
Giáo sư Nakano cho biết cuộc khảo sát do Giáo sư Motoo Huruta, từng giảng dậy tại Đại học Tokyo, tiến hành cũng đã bị một số chuyên gia Nhật Bản phê bình rằng việc điều tra này chưa bao giờ tham khảo những thống kê ở bên Pháp thời kỳ ấy, nên kết luận của giáo sư Huruta là chưa đầy đủ.
“Tôi không thể phân rõ phải trái được. Tuy nhiên tôi nghĩ rằng cần phải có nghiên cứu lịch sử Việt Nam theo cách khách quan, khoa học và độc lập hơn,” bà Nakano nói.
Bình luận về ý kiến của một số sử gia Việt Nam cho rằng nên lập các công trình tưởng niệm nạn đói Ất Dậu 1945, Giáo sư Nakano nói:
“Phải nói là giới khoa học xã hội Việt Nam vẫn còn bị chi phối về chính trị, bị ảnh hưởng bởi tư tưởng lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Khi được hỏi về việc liệu người dân Nhật có biết và bàn luận về những gì xảy ra tại Việt Nam khi quân đội Nhật chiếm đóng hay không, Giáo sư Nakano nói:
“Nói chung là người Nhật ít quan tâm đến lịch sử Việt Nam. Tôi cùng những người đồng nghiệp đã viết một cuốn sách giáo khoa về lịch sử các nước Đông Nam Á cận hiện đại cho sinh viên Nhật Bản. Trong đó cũng nói về "2 triệu nạn nhân chết đói" như là một chủ đề bàn luận của Việt Nam.
“Nhưng hầu hết mọi sinh viên rất khó hình dùng về Việt Nam, họ chỉ có ấn tượng "một nước đang phát triển" mà thôi !”
“Ở Nhật nếu có những người quan tâm tới Việt Nam, kể cả nhà báo, văn nghệ sĩ, chuyên gia đi nữa thì họ chưa hiểu tình hình Việt Nam một cách chính xác,” Giáo sư Nakano nói.

'Không cần xin lỗi'

Báo Asahi ngày 7/08/2015 có bài trong đó có bàn vê nạn đói năm Ất Dậu tại Việt Nam.
Trở lại bài của Báo Asahi mô tả trong tựa của bài là “Việt Nam gác lại quá khứ để phát triển”, sử gia Dương Trung Quốc từ Hà Nội được dẫn lời nói rằng “người dân Việt Nam chịu đựng trong chiến tranh cần được giúp đỡ chứ không cần lời xin lỗi.”
Bài báo nói rằng vào năm 2005 tại Việt Nam có kế hoạch dựng tượng đài tưởng niệm cho nạn nhân vì nạn đói 1945 tại tỉnh Thái Bình nhưng kế hoạch này đã bị bỏ "vì quan hệ giữa hai nước.”
Trả lời câu hỏi của BBC về ý kiến nói chính phủ hai nước Việt Nam và Nhật Bản dường như "đã giải quyết xong" hệ quả của chiến tranh, Giáo sư Nakano nói:
“Tôi nghĩ rằng chính phủ Việt Nam không nên lợi dụng những "sự thật" lịch sử như là một công cụ ngoại giao, ví dụ như là nạn nhân dioxin (chất da cam) đối với Hoa Kỳ.
“Còn chính phủ Nhật Bản phải nhận rõ về lịch sử quan hệ của Nhật Bản với các nước Châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng.
“Đặc biệt là chính phủ đương quyền của ông Abe cần phải xin lỗi các nước ấy.
“Hiện nay cả hai nước Nhật Bản và Việt Nam chỉ có quan tâm với nhau về quan hệ kinh tế cũng như hợp tác chiến lược quốc phòng để đối phó với Trung Quốc.
“Theo tôi, kể như là người Việt cũng rất ít quan tâm đến lịch sử nước mình”, Giáo sư Nakano nói thêm.
Trong khi đó tại khu bia mộ quy tập hài cốt đồng bào chết đói tại nghĩa trang Hợp Thiện ở Hà Nội, một người trông nom khu nghĩa trang nhỏ được đặt gần với khu dân cư này được dẫn lời trong bài của Báo Asahi nói rằng thỉnh thoảng vẫn có du khách Nhật tìm đến nơi này mặc dù khu này không được ghi trong sách hướng dẫn du lịch của Nhật.

No comments:

Post a Comment