(Baodatviet) - Khi những hàng hóa đáng ra phải được sản xuất ở trong nước thì lại nhập khẩu, nhập lậu về thì doanh nghiệp trong nước làm sao phát triển được?
ThS Bùi Ngọc Sơn – Trưởng phòng Kinh tế Quốc tế, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính trị thế giới cho rằng: Từ đây có thể minh chứng hàng lậu gây ‘đổ vỡ sản xuất trong nước’ là có cơ sở.
PV: - Một nghiên cứu của Trung tâm WTO thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp (VCCI) Việt Nam vừa công bố đã chỉ rõ tình trạng buôn lậu ngày càng phổ biến từ Trung Quốc về Việt Nam đang “làm đổ vỡ sản xuất trong nước”, gây khó khăn cho nhà nước, doanh nghiệp, và người tiêu dùng. Xin ông có thể phân tích kỹ hơn về nhận định này?
Ths Bùi Ngọc Sơn: - Kết quả cũng như nhận định mà báo cáo này đưa ra đã chỉ đúng một thực tế đã tồn tại từ lâu chứ không phải đây là một hiện tượng mới.
Trên thực tế điều này tồn tại là vì có sự chênh lệch về lợi nhuận rất lớn nên người người xả thân lao vào.
Tôi vẫn muốn nhắc lại một thực tế là chi phí sản xuất của các doanh nghiệp Trung Quốc vốn đã quá rẻ so với Việt Nam. Trong khi đó họ sản xuất những mặt hàng tương đồng với những nhu cầu của chúng ta, giao thông thì thuận tiện mà văn hóa cũng có nhiều điểm giống nhau.
Từ những điểm thuận lợi này nên khó mà ngăn được dòng hàng hóa ‘chảy về’. Đó là chưa nói đến việc quản lý của chúng ta còn lỏng lẻo, thậm chí có cả tham nhũng trong đó.
Khi những hàng hóa đáng ra phải được sản xuất ở trong nước thì lại nhập khẩu, nhập lậu về thì doanh nghiệp trong nước làm sao phát triển được? Chính vì vậy việc nói hàng lậu gây ‘đổ vỡ sản xuất trong nước’ là có cơ sở.
Thậm chí kể cả việc chúng ta phát động người Việt dùng hàng Việt nhưng cuối cùng khi hàng mang về nhà mới thấy mác dán ‘made in Việt Nam’ nhưng thực ra đó cũng là hàng Trung Quốc.
Nói như vậy để thấy ngay cả các doanh nghiệp, công ty của Việt Nam cũng sang Trung Quốc để đặt hàng về rồi dán nhãn của mình vào.
Lúc này cả người tiêu dùng cũng thấy mình bị lừa và mất niềm tin vào việc tiêu thụ hàng hóa bởi tinh thần dân tộc của họ bị xúc phạm. Bởi nếu một sản phẩm thấy ‘made in China’ họ sẽ không mua mà chọn mua “made in Việt Nam’ dù cùng sản phẩm đó giá có thể đắt hơn vài trăm hoặc vài chục nghìn.
Khi niềm tin bị mất đi, người tiêu dùng không còn ủng hộ tiêu thụ sản phẩm thì doanh nghiệp chỉ còn đường chết.
Một số lượng lớn bột ngọt xuất xứ Trung Quốc bị lực lượng CSGT Công an Thanh Hóa bắt giữ |
PV: - Nhìn tổng thể, liệu có phải chỉ tình trạng buôn lậu là nguyên nhân gây “đổ vỡ sản xuất” hay không, thưa ông? Bởi như nhiều chuyên gia đã phân tích, chính sách hàng giá rẻ của Trung Quốc cùng với những quy định thương mại giữa hai bên khiến hàng Trung Quốc tràn vào Việt Nam với mức giá vô cùng cạnh tranh?
Ths Bùi Ngọc Sơn: - Tôi cho rằng, buôn lậu gây đổ vỡ sản xuất trong nước là nguyên nhân cơ bản. Nhưng như tôi đã nói ở trên vì nền sản xuất của Việt Nam rất giống với Trung Quốc, thị trường lại rất hợp với những mặt hàng mà họ đưa ra trong khi chi phí sản xuất của họ lại quá rẻ như vậy thì chắc chắn doanh nghiệp trong nước không thể tồn tại được.
Đơn giản như cái khóa quần áo, khi doanh nghiệp muốn mở xưởng sản xuất ở Việt Nam nhưng cũng không làm được. Bằng chứng là tại Nha Trang một doanh nghiệp muốn mở một xưởng sản xuất với dây chuyền công nghệ của Nhật Bản rất hiện đại nhưng sau đó đã phá sản vì hàng không thể cạnh tranh.
Lý do là vì tỉ giá của Việt Nam khuyến khích tạo ra một sự chênh lệch về chi phí nên rất khó kiểm soát.
Vì vậy trong các chính sách kinh tế phải tạo ra được môi trường kinh tế về cơ bản để người ta thấy buôn lậu là rất khó và lợi nhuận không đủ chi phí. Khi đó họ sẽ không thấy thỏa mãn và chắc chắn sẽ hạn chế được việc buôn lậu.
Còn một khi chúng ta để tạo ra chênh lệch về chi phí thì không có bộ máy nào có thể mọc ra để ngăn được việc buôn lậu với quy mô khổng lồ với tất cả các loại hàng hóa như hiện nay.
PV: - Đứng ở góc độ sản xuất trong nước, nhìn vào kim ngạch nhập khẩu 11 tháng đầu năm sẽ thấy, nguyên liệu cho nhiều ngành công nghiệp nhẹ và máy móc thiết bị chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc. Cơ hội nào để hàng Việt Nam cạnh tranh với Trung Quốc trong khi vẫn đang tồn tại sự phụ thuộc như vậy, thưa ông?
Ths Bùi Ngọc Sơn: - Đến bây giờ tôi chưa nhìn thấy cơ hội nào cho Việt Nam. Bởi vì một điều rõ ràng là chi phí của họ thấp hơn và họ lại đi trước mình rất lâu, thậm chí họ không còn ở giai đoạn cạnh tranh với Việt Nam mà là thải đồ sang Việt Nam thì sẽ không thể nghĩ ra cách gì có thể thoát được.
Chưa kể tới việc ngay cả các doanh nghiệp sẵn sàng hạ bút ký nhập những công nghệ ‘rác’ để được hưởng hoa hồng từ những hợp đồng đó thì quả là càng khó khăn hơn.
Hiện nay cấu trúc của nền kinh tế Việt Nam tồn tại doanh nghiệp nhà nước nhiều nên họ cứ mua hàng, công nghệ về mà không biết rằng liệu công nghệ đó có thể sử dụng được bao lâu và có gây hại gì không. Bởi vì cứ ký được hợp đồng là có ‘màu’ còn sau thành rác hay sử dụng thì tính sau.
Với cung cách như vậy thì không thể nói có con đường thoát cho việc hàng hóaViệt Nam cạnh tranh được với họ.
PV: - Hậu quả của sự “đổ vỡ sản xuất trong nước” là như thế nào? Tại thời điểm hiện tại, đã có những tín hiệu nào chứng tỏ Việt Nam đã bắt đầu gánh nhận hậu quả đó chưa? Xin ông phân tích cụ thể?
Ths Bùi Ngọc Sơn: - Điều này đã biểu hiện quá rõ. Thời gian vừa qua chúng ta không phát triển được nhiều mà chủ yếu dựa vào tài nguyên của quốc gia cũng như sức lao động phổ thông giá rẻ. Hai yếu tố này vẫn còn dư địa để khai thác nên chúng ta vẫn có nguồn thu.
Nhưng biểu hiện rõ nhất là sự thất bại khi chúng ta nói xây dựng ngành công nghiệp hỗ trợ. Chúng ta không tự sản xuất được cái gì mà chủ yếu là gia công. Tức là những gì thuộc về công đoạn cuối của dây chuyền sản xuất mà cần đến sức lao động thì sẽ thuộc về chúng ta. Còn những công đoạn trước đó thì đều được sản xuất ở phía bên kia – nơi mà có chi phí quá rẻ. Còn tài nguyên thì chỉ móc thô lên để bán.
Như vậy sau 20 năm đi vào phát triển đổi mới đến nay chúng ta gần như trắng tay, công nghệ không có. Đến khi tài nguyên và lao động giá rẻ được khai thác hết thì khi đó chúng ta sẽ thấm thía sự cạnh tranh. Khi đó các nhà tư bản cũng thấy ở Việt Nam hết đất làm ăn, lao động không còn gì, tài nguyên cũng cạn kiệt thì họ sẽ đưa vốn đi nơi khác.
Lúc đó thất nghiệp và hàng hóa không thể canh tranh nổi và mọi việc đã đi quá xa!
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Bích Ngọc (thực hiện)
No comments:
Post a Comment