Hải Ninh, phóng viên RFA 2015-01-04
3 phụ nữ tiêu biểu của năm 2014- File photos
Xin mời quý vị đến với tạp chí phụ nữ đầu tiên của năm 2015. Trong tạp chí lần này, Hải Ninh sẽ gửi đến quý vị những hình ảnh phụ nữ tiêu biểu của năm qua.
Thế giới năm 2014 đã phải trải qua hàng loạt các sự kiện chấn động. Từ những vụ máy bay rơi, kinh tế chao đảo vì giá dầu sụt giảm, hay dịch bệnh quái ác Ebola khiến châu Phi đau đớn và gây hoảng loạn trên nhiều quốc gia. Trong những sự kiện tăm tối đó, hình ảnh những người phụ nữ can đảm và đầy nghị lực là một điểm sáng hy vọng về tương lai. Tạp chí phụ nữ tuần này xin được gửi đến quý vị một số chân dung những phụ nữ như vậy.
Những nữ y tá Ebola
Khi nhắc đến những nhân vật tiêu biểu của năm, chúng ta không thể nào bỏ qua những nữ y tá đang ngày ngày phải đối mặt với dịch bệnh Ebola quái ác. Tạp chí Time của Mỹ vừa bình chọn những nhân viên y tế chăm sóc cho người bị nhiễm bệnh Ebola là nhân vật của năm 2014.
Hàng thập kỷ nay, Ebola là nỗi ám ảnh ở các khu làng châu Phi. Ebola giống như một con ác thú vài năm lại tỉnh giấc một lần, đòi vật tế thần và sau đó lui vào hang ổ của nó. Nó chỉ xuất hiện ở phương Tây trong những cơn ác mộng hay những bộ phim kinh dị của Hollywood. Tuy nhiên, 2014 là năm mà căn bệnh này biến thành đại dịch, nó lan tới các khu vực ổ chuột của ba nước Tây Phi là Liberia, Guinea và Sierra Leone, nó sang tới Nigeria, Mali, Tây Ban Nha, Đức và đến tận nước Mỹ. Nó đổ xuống đầu những nhân viên y tế một trách nhiệm nặng nề với số lượng bệnh nhân khổng lồ. Hồi tháng 10 năm nay, Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo tỷ lệ tử vọng vì Ebola là 70%.
Vào thời điểm đầu khi dịch Ebola mới bột phát, người ta loay hoay không biết đối phó với nó thế nào. Chính phủ các nước Tây Phi thì không đủ khả năng về hạ tầng. Tổ chức Y tế Thế giới còn ngờ vực. Những hy vọng cuối cùng cho các bệnh nhân là các bác sĩ, y tá của tổ chức Bác sĩ phi Biên giới hoặc tổ chức công nhân y tế công giáo. Khi được hỏi tại sao họ lại làm như vậy, một số người nói về Chúa, về quốc gia họ, một số người thì nhắc tới bản năng lao vào lửa, chứ không phải chạy trốn khỏi nó.
Khi cô Nina chăm sóc cho bệnh nhân Ebola, cô ta đã biết người bệnh này đã bị mắc bệnh rồi thành thử người ta thấy vậy người ta phải tránh đi thật xa. Nhưng cô Nina này cô đã không xem người bệnh này là người bệnh để mình tránh ra nhưng phải là người bệnh cần sự giúp đỡ của mìnhHà Thúc Thanh
Ở nước Mỹ, một ca đặc biệt đó là nữ y tá Nina Phạm ở Texas. Cô Nina trở thành nữ y tá nổi tiếng khắp nước Mỹ, có thể là cả thế giới, khi là người Mỹ đầu tiên bị lây nhiễm virus Ebola khi chăm sóc cho một bệnh nhân đến từ châu Phi.
Nói về Nina, ông Hà Thúc Thanh, phó chủ tịch cộng đồng người Việt tại khu vực gia đình Nina sinh sống, nhận định về cô như sau:
Hà Thúc Thanh: Khi cô Nina chăm sóc cho bệnh nhân Ebola, cô ta đã biết người bệnh này đã bị mắc bệnh rồi thành thử người ta thấy vậy người ta phải tránh đi thật xa. Nhưng cô Nina này cô đã không xem người bệnh này là người bệnh để mình tránh ra nhưng phải là người bệnh cần sự giúp đỡ của mình. Và có lẽ trong công giáo, đặc biệt những người thuần thánh giống như người mẹ của Nina chẳng hạn, những người càng bệnh như vậy họ là con cái của Chúa. Chính vậy khi coi là con cái trong gia đình săn sóc hết sức tận tình.
Đó cũng là tấm lòng của hầu hết các y tá, bác sĩ chăm sóc bệnh nhân Ebola. Có những nữ y tá ngồi chăm sóc bệnh nhân trên giường bệnh, tắm rửa cho họ và chăm chút cho họ từng miếng ăn. Có người làm vậy sau khi đã chống chọi qua dịch Ebola và mất cả cha mẹ trong đợt dịch bệnh.
Tính đến ngày 27/12/2014, có tổng cộng 20.164 ca nhiễm Ebola trên toàn thế giới. Trong số đó, có tất cả 7.894 người tử vong. Số bác sĩ và y tá cùng nhân viên y tế thiệt mạng do lây bệnh từ bệnh nhân lên tới 200 người.
Riêng Nina Phạm ở nước Mỹ thì được chữa trị và đã lành bệnh.
Malala Yousafzai
Lần đầu tiên trong lịch sử một cô bé gái 17 tuổi giành được giải thưởng Nobel Hoà Bình danh giá năm nay. Đó là Malala Yousafzai, đến từ Pakistan. Dân chúng Pakistan hân hoan đón nhận tin mừng này. Sana Jamal, nhà báo của tờ Pakistan Observer, cho biết:
Sana Jamal: Rất nhiều người Pakistan, đặc biệt là phụ nữ và các em gái, rất tự hào về Malala, một cô bé từ vùng quê ở Pakistan khi cô giành được giải thưởng Nobel Hoà bình và hình ảnh của cô được phát đi khắp thế giới. Khắp các trường học, trên báo chí đều ăn mừng sự kiện cô bé giành được phần thưởng lớn này. Tất nhiên, tôi cũng rất tự hào về cô bé.
Từ nhiều năm trước khi Malala Yousafzai giành được giải Nobel Hoà bình, cái tên của em đã trở nên quen thuộc khắp Pakistan và trên thế giới. Vào năm mới 11 tuổi, Malala viết blog cho BBC về cuộc sống của em tại thung lũng Swat ở một tỉnh miền tây bắc Pakistan. Một nhà báo của tờ New York Times, Mỹ, còn đến tận nơi làm phim tài liệu về khoảng thời gian khi Taliban chiếm đóng nơi cô bé sinh sống và buộc các bé gái không được tới trường.
Mục đích duy nhất của tôi là đấu tranh vì quyền lợi được đến trường của các em gái. Việc mọi người quay lưng lại với tôi không có nghĩa là tôi sẽ chấm dứt cuộc đấu tranh này. Tôi nghĩ việc quan trọng là đào tạo thế hệ tương lai để tạo ra thay đổi. Vì thế, tôi không được phép để bản thân mất đi hy vọng đóMalala Yousafzai
Năm Malala 15 tuổi, cô bị một tay súng Taliban bắn vào đầu khi đang ngồi trên xe buýt. Vụ việc gây chấn động khắp thế giới và cô bé được đưa tới Anh để chữa trị. Sau khi thoát khỏi lưỡi hái của Tử thần, Malala vẫn tiếp tục đấu tranh cho quyền đi học của các bé gái Pakistan. Cô cho biết:
Malala Yousafzai: Mục đích duy nhất của tôi là đấu tranh vì quyền lợi được đến trường của các em gái. Việc mọi người quay lưng lại với tôi không có nghĩa là tôi sẽ chấm dứt cuộc đấu tranh này. Tôi nghĩ việc quan trọng là đào tạo thế hệ tương lai để tạo ra thay đổi. Vì thế, tôi không được phép để bản thân mất đi hy vọng đó.
Và đến nay khi mới chỉ 17 tuổi, cô bé Pakistan này trở thành người trẻ nhất giành được giải thưởng danh giá Nobel Hoà Bình. Cô được đứng cùng hàng ngũ với những nhà đấu tranh vì dân chủ, hoà bình cho thế giới như Đức Đạt Lai Lạt Ma, Mẹ Teresa, hay đương kim Tổng thống Mỹ Barack Obama. Không những thế, cô bé còn đứng vị trí thứ hai trong danh sách Nhân vật của năm 2013 do tạp chí Time bình chọn. Tờ International Business Times cũng vừa chọn cô vào danh sách những người trẻ thay đổi thế giới.
Khi phát biểu về giải thưởng Nobel mà cô cùng giành được với một người Ấn Độ, cô bé nói như sau:
Malala Yousafzai: “Một người từ Pakistan, một người từ Ấn Độ. Một người theo đạo Hindu, một người có niềm tin mãnh liệt vào Hồi giáo. Nó mang một thông điệp đến cho mọi người về tình yêu giữa Ấn Độ và Pakistan, giữa các tôn giáo và rằng chúng ta đều ủng hộ nhau. Bất kể con người ta mang màu da gì, nói tiếng gì và theo tôn giáo gì, chúng ta nên coi nhau là những con người và tôn trọng lẫn nhau, đấu tranh vì quyền của chúng ta, vì quyền của trẻ em, quyền của phụ nữ và quyền của tất cả mọi người.”
Malala Yousafzai giành được 1,1 triệu USD tiền thưởng từ tổ chức trao giải Nobel và dành một phần đóng góp cho các chương trình giáo dục dành cho các bé gái.
Thủ tướng Đức Angela Merkel
Người đàn bà thép, người phụ nữ chèo chống nước Đức và châu Âu ra khỏi cuộc suy thoái kinh tế xứng đáng là nhân vật thứ ba trong danh sách những phụ nữ của năm 2014. Năm nay, tạp chí Forbes vừa xếp hạng bà vào danh sách người phụ nữ quyền lực nhất thế giới. Tạp chí này từng ca ngợi bà là xương sống của 27 nước thành viên châu Âu. Theo Forbes, bà mang trên đôi vai sứ mệnh về số phận của đồng euro. Bà cứng rắn, yêu cầu thắt lưng buộc bụng để giảm bớt cuộc khủng hoảng nợ châu Âu. Chính nhờ sự chèo chống của người đàn bà thép này, châu Âu đã bước ra khỏi suy thoái.
Dù sinh trưởng trong xã hội cộng sản, bà không tin vào nguyên lý của chủ nghĩa này. Sau khi Đông Đức sụp đổ, bà bắt đầu sự nghiệp chính trị sau khi đắc cử vào quốc hội năm 1990. Nữ chính trị gia sau đó đi theo cựu thủ tướng Helmut Koln, một sự kiện mở rộng đường quan lộ cho bà. Năm 2005, Angela Merkel trở thành chính trị gia trẻ tuổi nhất nắm ghế thủ tướng Đức
Bác sĩ Trần Văn Tích, sinh sống ở Đức từ năm 1984, trả lời phỏng vấn của phóng viên RFA, về vai trò của bà Merkel như sau:
Trần Văn Tích: Vai trò của Bà Merkel trong cơn khủng hoảng kinh tế tài chánh của Liên Âu được xem là vai trò lãnh tụ, một vai trò quyết định. Điều đó là đương nhiên và không ai có thể phủ nhận được. Nước Đức là một trong những cường quốc kinh tế trên thế giới cho nên được xem là đầu tàu kéo đoàn tàu hoả Liên Âu. Nước Đức là nước giàu nhất trong các nước của khối Liên Âu, kể cả nước Pháp và nước Hoà Lan, nước Bỉ đều đứng sau nước Đức về phương diện tài chánh, kinh tế. Thực tế cho thấy, nước Đức sẵn sàng góp phần rất lớn cho các khoản việc chi viện cho các quốc gia Liên Âu. Ngạn ngữ Pháp có câu Qui paie gouverne, nghĩa là ai chi tiền thì người đó cai trị.
Bà Merkel sinh ra ở Đông Đức và trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của Đức. Đến năm 2016, bà sẽ trở thành nữ nguyên thủ nắm quyền lâu nhất thế giới. Hiện nay, Margaret Thatcher của Anh vẫn giữ kỷ lục này với 11 năm tại vị.
Con đường quan lộ của bà Merkel cũng đáng chú ý. Sinh ra ở Tây Đức, tuy nhiên, cha của bà đã đưa cả gia đình sang một ngôi làng ở Đông Đức để sinh sống, ngay trước khi bức tường Berlin được dựng lên. Vào thời điểm bức tường Berlin bị phá đổ, không giống như nhiều người, bà thưởng cho mình một chút thời gian trong phòng xông hơi, sau đó lên giường đọc sách về vật lý.
Dù sinh trưởng trong xã hội cộng sản, bà không tin vào nguyên lý của chủ nghĩa này. Sau khi Đông Đức sụp đổ, bà bắt đầu sự nghiệp chính trị sau khi đắc cử vào quốc hội năm 1990. Nữ chính trị gia sau đó đi theo cựu thủ tướng Helmut Koln, một sự kiện mở rộng đường quan lộ cho bà.
Năm 2005, Angela Merkel trở thành chính trị gia trẻ tuổi nhất nắm ghế thủ tướng Đức. Bà được cho là thủ tướng được tín nhiệm nhất ở Đức kể từ năm 1949 và giờ đây là người phụ nữ quyền lực nhất thế giới.
Khi nói đến những người phụ nữ của năm 2014, một câu hỏi đặt ra là liệu người phụ nữ nào sẽ là nhân tố nổi bật trong năm 2015. Hillary Clinton có lẽ là một cái tên không thể bỏ qua. Một câu hỏi đặt ra là liệu cựu đệ nhất phu nhân Mỹ, người từng nắm giữ ngành ngoại giao của quốc gia hùng mạnh nhất thế giới, có ra tranh cử ngôi vị tổng thống hay không. Hải Ninh sẽ xin trở lại vấn đề này trong một chương trình tạp chí phụ nữ trong năm 2015.
No comments:
Post a Comment