Sunday, January 4, 2015

Năm 2015 sẽ có nhiều ‘cuộc chiến Đông-Tây’

 ĐẠI THẮNG - TRUNG NHÂN - Thứ Hai, ngày 5/1/2015 - 02:35

(PL)- Quan hệ Đông-Tây dự kiến sẽ căng thẳng hơn trong năm 2015 và “chiến tranh lạnh” kiểu mới là điều dễ hiểu.
Chuông giao thừa đã điểm kết thúc một năm 2014 đầy biến động đối với nền chính trị thế giới. Có chuyên gia nhận định “thế giới 2014 bất ổn - bất an - bất định - bất ngờ”. Hàng loạt sự kiện chính trị từ Đông sang Tây, từ Bắc chí Nam đều mang dáng dấp “chiến tranh trong hòa bình” - một kiểu “chiến tranh lạnh” khó xác định, khó đoán và khó kiểm soát. Trên cơ sở một năm đầy chật vật, cùng thông điệp chào năm mới của lãnh đạo các nước, cũng như phân tích của các chuyên gia quan hệ quốc tế… ít nhiều viễn cảnh thế giới 2015 hiện ra.
Mỹ tập trung nhiều hơn vào châu Á-Thái Bình Dương
TS Lê Hồng Hiệp, khoa Quan hệ quốc tế (Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM), nhận định trong khi vẫn phối hợp với EU và các đồng minh trong những vấn đề như Ukraine hay không kích Nhà nước Hồi giáo, Mỹ sẽ tập trung nhiều sự chú ý hơn vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nhất là sự trỗi dậy của Trung Quốc (TQ), đối thủ duy nhất đủ tầm để có thể lật đổ vị thế siêu cường của Mỹ. Mỹ sẽ tiếp tục duy trì chính sách “tái cân bằng” sang khu vực, đồng thời thúc đẩy việc gắn kết, tăng cường sức mạnh của các nước đồng minh và đối tác, biến họ trở thành các quốc gia giàu mạnh và thực sự độc lập để có thể giúp hạn chế bớt ảnh hưởng của TQ, đồng thời giúp Mỹ có được vị thế tốt hơn nhằm đối phó với sự trỗi dậy ngày càng không êm ả của Bắc Kinh.
Trong khi đó, khác với nhiều năm trước đây, theo TS Lê Hồng Hiệp, TQ đã thoát ra ngoài tư thế “ẩn mình chờ thời”. Trong năm 2015 TQ có thể thực hiện “ngoại giao hòa hoãn” do e dè trước phản ứng của cộng đồng quốc tế sau vụ giàn khoan Hải Dương 981 và lo sợ các nước trong khu vực sẽ nghiêng về phía Mỹ.
Tuy nhiên trong dài hạn, việc TQ từ bỏ chính sách “giấu mình chờ thời” để theo đuổi tham vọng siêu cường cho thấy xu thế lấn lướt của Bắc Kinh trong chính sách đối ngoại, đặc biệt là trên vấn đề biển Đông, nhiều khả năng sẽ còn tiếp diễn. Trong khi TQ (cường quốc đang lên) tìm cách mở rộng ảnh hưởng, tranh giành quyền lực với Mỹ (cường quốc thống trị) thì Mỹ đang âm thầm cố gắng tìm cách kiềm chế TQ. Một cuộc “chiến tranh lạnh” mới ở khu vực là khó có thể tránh khỏi.
Viễn cảnh thế giới 2015 cho thấy sẽ xuất hiện nhiều “cuộc chiến Đông-Tây”. Ảnh: ONE-EUROPE
Nội chiến Ukraine kéo dài
Một điều đáng chú ý là trong tất cả 35 quốc gia mà Tổng thống Nga Vladimir Putin gửi điện mừng năm mới không có “người hàng xóm cùng vách” Ukraine. Theo bình luận của tạp chí Europe Online Magazine, sau những lục đục và thù hằn giữa hai nước trong suốt một năm qua, điều này cũng không có gì quá bất ngờ.
Còn trong thông điệp toàn quốc nhân dịp năm mới của Ukraine, Tổng thống Petro Oleksiyovych Poroshenko cũng đã đưa ra lời hứa sẽ đánh bại “kẻ thù độc ác” có ý định gây chia rẽ nội bộ Ukraine.
Vị tổng thống 49 tuổi này, đã chiến thắng cuộc bầu cử hồi tháng 5-2014, hứa sẽ dập tắt “cuộc nổi loạn” trong khu vực công nghiệp phía đông của Ukraine vào tháng 4. 
Ngay trong đêm giao thừa, quân đội thân Kiev đã nổ súng tấn công vào các cứ điểm gần sân bay trung tâm Donetsk. Đây là lần đầu tiên hiệp định ngừng bắn bị vi phạm kể từ khi Kiev và phe miền Đông đồng ý với thỏa thuận “ngày im lặng”, cam kết phi quân sự hóa khu vực và lập vùng đệm tiến tới đàm phán hòa bình. Điều này dự báo một “cuộc chiến dai dẳng” nội bộ Ukraine sẽ kéo dài. Tất nhiên Mỹ, Nga, châu Âu sẽ không thể đứng ngoài cuộc, kéo theo một cuộc đối đầu Đông-Tây khác: Mỹ, EU “chiến tranh lạnh” với Nga.
Mỹ, EU “chiến tranh lạnh” với Nga ở Ukraine
Trong thông điệp đầu năm 2015, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã khéo léo nhắc nhở năm 2015 sẽ là năm đánh dấu 70 năm Liên Xô và Mỹ đã cùng chiến thắng phát xít. Hãng tin Itar Tass (Nga) giải thích: “Ngày kỷ niệm lịch sử này nhắc nhở Nga và Mỹ phải cùng chịu trách nhiệm đảm bảo hòa bình và ổn định cho thế giới, đồng thời nhắc nhở vai trò quan trọng của hai quốc gia này đối với các thách thức và mối đe dọa toàn cầu”.
Hãng tin CBS (Mỹ) bình luận đây chính là lời nhắc nhở mà ông Putin đang gián tiếp gửi đến Tổng thống Mỹ Barack Obama về một hình mẫu quan hệ “đúng đắn” hơn giữa Nga và Mỹ: “Tuân thủ những quy tắc về bình đẳng và sự tôn trọng lẫn nhau”. Tuyên bố này được đưa ra khi Nga đang bị Mỹ và các đồng minh châu Âu “hai mũi giáp công” cấm vận kinh tế, tấn công giá dầu, nền kinh tế Nga đang bên bờ vực suy thoái.
“Tôn trọng” mà ông Putin nói ở đây có thể hàm ý rằng Mỹ cần hạn chế tối đa sự can thiệp vào Ukraine. Hay sự “bình đẳng” ở đây rất có thể nhắm đến sự bình đẳng về kinh tế hai nước. Bởi Nga đã luôn đả kích các cấm vận kinh tế mà Mỹ áp đặt lên Moscow là không bình đẳng. Theo nhận xét của hãng tin CBS, chừng nào ông Putin chưa nhìn thấy được sự “bình đẳng” và “tôn trọng” xứng đáng với nước Nga, mối quan hệ hai nước sẽ không thể phát triển. Trong thông điệp đầu năm của mình, ông Putin cũng đã ca ngợi sự “tái thống nhất” bán đảo Crimea về lại với nước Nga là một “cột mốc vĩnh cửu trong lịch sử đất nước”.
Theo đánh giá của tờ Wall Street Journal, thông qua những lời lẽ này, ông Putin đang đánh giá việc tái sáp nhập Crimea vào nước Nga là một trong những thành tựu lớn nhất trong sự nghiệp chính trị của ông. Đồng thời hàm ý Mỹ và phương Tây có cấm vận đến mấy thì Nga cũng không nhân nhượng ở Ukraine.
Trong khi đó, khối NATO có Mỹ “giật dây” phía sau từ lâu đã tìm cách lôi kéo Ukraine gia nhập khối liên minh quân sự này. Các biện pháp trừng phạt Moscow liên tục được thực hiện bất chấp “cả hai phe đều bị thương”. Nga chắc chắn sẽ không buông Ukraine, trong khi Mỹ và NATO cũng đã tuyên bố không bỏ rơi chính quyền Kiev. Cuộc đối đầu này hứa hẹn sẽ gây ra thêm “chiến tranh lạnh 2.0” lớn nhất kể từ “chiến tranh lạnh” Xô-Mỹ kết thúc năm 1991.
“Chiến tranh lạnh” mới có gì nổi bật?
Các cuộc chiến Đông-Tây theo kiểu “chiến tranh lạnh” kiểu mới sẽ có nhiều điểm khác biệt so với cuộc “chiến tranh lạnh” Xô-Mỹ thế kỷ 20.  TS Lê Hồng Hiệp lấy ví dụ về cuộc chiến giữa Mỹ-Trung Quốc (TQ) (rất có thể) sẽ xảy ra trong thời gian tới. Trong đó có bốn điểm cần lưu ý. 1. Chiến lược chứ không phải ý thức hệ: Cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và TQ chủ yếu tập trung vào yếu tố lợi ích chiến lược chứ không phải ý thức hệ. Việc tập hợp lực lượng của hai bên sẽ dựa vào điểm tương đồng về lợi ích chiến lược chứ không phải ý thức hệ. Đây là đặc điểm chi phối ba đặc điểm còn lại. 2. Ở cấp độ khu vực chứ không phải toàn cầu: Cuộc “chiến tranh lạnh” này sẽ tập trung chủ yếu tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương mà ít có khả năng lan rộng ra toàn cầu bởi TQ không có một hệ thống đồng minh rộng lớn và lợi ích của Mỹ và TQ không mâu thuẫn lớn ở các khu vực khác. 3. Không phải giữa hai khối nước cứng nhắc: Khác với “chiến tranh lạnh” giữa Mỹ và Liên Xô khi hai bên dẫn đầu hai khối nước trải khắp năm châu thì trong “chiến tranh lạnh” mới sự đối đầu tập trung chủ yếu vào quan hệ giữa TQ và Mỹ. Nga, như đã nói ở trên, ít có khả năng tham gia cùng TQ thành một khối chiến lược để đối đầu với Mỹ và đồng minh. 4. Vai trò của tương thuộc kinh tế: Khác với “chiến tranh lạnh” thế kỷ 20, trong cuộc “chiến tranh lạnh” mới, sự tương thuộc kinh tế giữa Mỹ và TQ sẽ giúp kiềm chế bớt hành vi của hai bên, giúp hai bên dễ đối thoại với nhau để giải quyết bất đồng. Tuy nhiên, do lợi ích địa chính trị được coi trọng hơn lợi ích kinh tế nên sự tương thuộc kinh tế sẽ không đủ ngăn cản “chiến tranh lạnh” mới diễn ra. Viễn cảnh khả dĩ nhất là “kinh tế nóng, chính trị lạnh” giữa các cường quốc.

ĐẠI THẮNG - TRUNG NHÂN

No comments:

Post a Comment