Sunday, January 4, 2015

Những máy bay hiện đại nào của VN tìm tàu gặp nạn?



Máy bay trực thăng EC-225, thủy phi cơ DH-C6 đã xuất kích để tìm kiếm nạn nhân trong vụ chìm tàu Bulk Jupiter.


Lúc 14h30 ngày 3/1, máy bay EC-225 Không quân Hải quân (thuộc Bộ tư lệnh Hải quân) đã xuất phát từ sân bay Công ty bay Trực thăng miền Nam (TP Vũng Tàu) đi tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn 19 thuyền viên nước ngoài bị chìm tàu trên biển.
Tin từ lãnh đạo Công ty bay Trực thăng miền Nam, sáng 4/1, máy bay thủy phi cơ DHC-6 (Không quân Hải quân) sẽ tiếp tục lên đường tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn. Các tàu Hải quân, Biên phòng thuộc các đơn vị đóng quân trên địa bàn Vũng Tàu, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh... cũng đã sẵn sàng ra khơi tham gia cứu hộ, cứu nạn khi có lệnh.
Trực thăng EC-225 VN-8620 có giá khoảng 600 tỉ đồng do Hãng Eurocopter (Pháp) bàn giao cho công ty vào ngày 5/8. Đây là một trong những loại máy bay trực thăng tầm xa hiện đại nhất trên thế giới hiện nay, với cự ly hoạt động 920 km không cần tiếp nạp thêm nhiên liệu. Loại này có công suất mạnh, tốc độ nhanh (tốc độ đường trường đạt 257 km/giờ).
Ngoài ra, loại trực thăng này còn có nhiều ưu điểm nổi trội về trang thiết bị như: Lá cánh quay composite công nghệ mới, hộp số chính chịu được 30 phút hoạt động khô, các thiết bị chịu được va đập lớn khi có sự cố, lá cánh tua bin bảo vệ chống phá hủy, tự động lái 4 kênh kép, có hệ thống cảnh báo trần bay nguy hiểm, ghế ngồi bảo vệ phi công và hành khách an toàn khi có va đập, phao máy bay có thể kích hoạt với tốc độ cho phép cao, độ rung thấp…
Máy bay EC-225 cất cánh lúc 14h30 ngày 3/1 đi cứu nạn.
Máy bay EC-225 cất cánh lúc 14h30 ngày 3/1 đi cứu nạn.
Được biết, trực thăng EC-225 đã được Công ty Trực thăng miền Nam trang bị, đưa vào khai thác từ năm 2009 đến nay. Đây là chiếc máy bay trực thăng EC-225 thứ 3 mà công ty mua về.
Còn về DHC-6, thủy phi cơ này có tên hoàn chỉnh là DHC - 6 Twin Otter Series 400, còn gọi là Guardian 400s - do tập đoàn Viking Air của Canada chế tạo. Hiện tại Việt Nam đã đặt mua 6 chiếc DHC-6.
Đây là loại máy bay hiện đại, có tầm bay khá xa và có thể bay thấp, bay chậm. Loại máy bay này có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ cùng lúc, tuần tra đảm bảo an ninh hàng hải, chống cướp biển, theo dõi thời tiết, chụp ảnh hiện trường, cứu hộ cứu nạn, vận tải hàng hóa và hành khách.
DHC - 6 có khả năng cất hạ cánh trên đường băng rất ngắn, có thể cất hạ cánh trên biển và trên đất liền, đặc biệt hữu ích trong các tình huống cứu hộ hay chi viện lực lượng cho các đảo, nơi có đường băng thường rất ngắn.
Thủy phi cơ lưỡng dụng DHC - 6 được trang bị hệ thống điện tử hàng không hiện đại, tích hợp radar thời tiết hiển thị đa màu sắc, radar đo độ cao, hệ thống định vị toàn cầu GPS, hệ thống điều khiển và liên lạc vô tuyến hàng hải Loran - C và hệ thống thả phao đánh dấu vị trí trên biển.
Thủy phi cơ DHC-6 của Việt Nam
Thủy phi cơ DHC-6 của Việt Nam
Quay trở lại với tàu bị nạn, vào lúc 7h ngày 2/1/2014, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải VN nhận được thông tin báo nạn từ tàu Bulk Jupiter (Quốc tịch Bahamas). Khi cách mũi Nghinh Phong, Vũng Tàu 155 hải lý về phía Đông Nam, tàu đã gặp nạn và bị chìm.
Tàu Bulk Jupiter có trọng tải 56.000T, chở 46.400 tấn quặng từ Malaysia đi Trung Quốc, có 19 thuyền viên.
Sau khi nhận được thông tin, Trung tâm tìm kiếm cứu hộ cứu nạn Việt Nam đã nhanh chóng thông báo cho các tàu thuyền trong khu vực chú ý chủ động tìm kiếm, hỗ trợ. Có ít nhất 4 tàu nước ngoài là ZIM ASIA, Pan Uno, Kota Nekad, OLNG Muttrah tham gia tìm kiếm.
14h ngày 2/1/2014, đã tìm thấy hai người, trong đó, thuyền trưởng của tàu Bulk Jupiter đã tử vong, người còn lại là bếp trưởng hiện được cứu sống và đang được điều trị cấp cứu.
Tàu SAR 413 của Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải cũng đã xuất kích. Tàu HQ-608 của Quân chủng Hải quân đang làm nhiệm vụ trên vùng biển hàng hải quốc tế cũng tích cực tham gia cùng các lực lượng khác cứu hộ trên biển. Đến cuối ngày 3/1, đã có ba thuyền viên đầu tiên được tìm thấy.

No comments:

Post a Comment