01-02-2015 2:37:02 PM
BÌNH DƯƠNG (NV) - Đây là sự kiện mới trong cuộc đối đầu giữa ông Huỳnh Uy Dũng, chủ công ty Đại Nam và chính quyền tỉnh Bình Dương. Chưa rõ ai sẽ thắng ai.
Cổng vào Khu Du Lịch Đại Nam - một trong những tài sản của ông Dũng, người đối đầu với chính quyền tỉnh Bình Dương. (Hình: Wikipedia)
Hôm 31 tháng 12, công an Bình Dương loan báo đã khởi tố “vụ buôn lậu chín khối gỗ trắc” có lien quan đến công ty Đại Nam, sau khi phát giác công ty Đại Nam vận chuyển số gỗ này đi bán nhưng thiếu giấy tờ hợp lệ hồi... đầu tháng 10.
Sau đó, ông Huỳnh Uy Dũng, chủ công ty Đại Nam, lên tiếng phản bác cáo buộc của công an Bình Dương.
Phía công ty Đại Nam cho biết, năm 2010, họ đã mua gần 400 khối gỗ trắc để xây dựng Khu Du Lịch Đại Nam. Việc mua bán có đầy đủ giấy tờ và tất cả đều hợp lệ. Chín khối gỗ mà công an Bình Dương đang tạm giữ là “đầu thừa, đuôi thẹo,” nay không cần dùng nữa nên họ bán lại cho một công ty khác.
Hồi đầu tháng 12, công an Bình Dương chỉ xác định, việc mua bán chín khối gỗ trắc của công ty Đại Nam là “vi phạm về thủ tục hành chính trong mua bán lâm sản” bởi “không có xác nhận của kiểm lâm.”
“Vi phạm về thủ tục hành chính trong mua bán lâm sản” đột nhiên chuyển thành “buôn lậu” để điều tra truy cứu trách nhiệm hình sự sau khi ông Lê Thành Cung - chủ tịch tỉnh Bình Dương bị miễn nhiệm để nghỉ hưu từ đầu năm nay.
Năm ngoái, ông Huỳnh Uy Dũng kiện ông Lê Thanh Cung vì lần lữa, không phê duyệt quy hoạch chi tiết cho Khu Công Nghiệp Sóng Thần 3 nên những người đã mua đất của công ty Đại Nam để làm nhà, không thể xây nhà.
Trong khi theo thỏa thuận trước đó giữa đại diện chính quyền tỉnh Bình Dương và ông Dũng thì ông Dũng sẽ cho chính quyền tỉnh Bình Dương vay tiền để phát triển hạ tầng và chính quyền tỉnh Bình Dương sẽ cho ông Dũng sử dụng 71 héc ta trong số 533 héc ta của Khu Công Nghiệp Sóng Thần 3 làm khu dân cư. Ông Cung đáp lại bằng quyết định cấm chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong Khu Công Nghiệp Sóng Thần 3. Ông Dũng đòi chính quyền tỉnh Bình Dương trả nợ, tuyên bố đóng cửa Khu Du Lịch Đại Nam... Thỉnh thoảng, cuộc đối đầu này lại phát sinh sự kiện mới.
Một trong những sự kiện mới được công chúng chú ý là những thông tin và hình ảnh về tư dinh và tài sản của ông Lê Thành Cung. Khi tư dinh hết sức nguy nga và khối tài sản khổng lồ của ông Cung được bạch hóa, theo chỉ đạo của chính quyền Việt Nam, hôm 30 tháng 12, Hội Đồng Nhân Dân Tỉnh Bình Dương đã bỏ phiếu miễn nhiệm ông Cung để ông... nghỉ hưu.
Tuy nhiên cuộc đối đầu giữa ông Dũng và chính quyền tỉnh Bình Dương dường như chưa chấm, dứt.
Ông Huỳnh Uy Dũng - chủ công ty Đại Nam, một người nằm trong nhóm những người giàu nhất Việt Nam không phải là doanh nhân bình thường.
Ông Dũng, 53 tuổi, đi bộ đội, trôi giạt từ Bình Định vào Sông Bé (Bình Dương và Bình Phước hiện nay), rồi trở thành con rể của một viên chức lãnh đạo chính quyền tỉnh Sông Bé, khởi nghiệp bằng một xí nghiệp sản xuất vôi nên có biệt danh “Dũng Lò Vôi.” Sau đó được chính quyền tỉnh Bình Dương giao cho Công Ty Thương Mại Xuất Nhập Khẩu Thành Lễ, dùng công ty này và một công ty riêng, nhận nhiều dự án, trở thành chủ đầu tư các Khu Công Nghiệp Sóng Thần 1, 2,3.
Thập niên 1990, ông Dũng từng là đối tượng bị báo chí Việt Nam săm soi do được chính quyền tỉnh Bình Dương dành cho hang ngàn héc ta vốn là nơi cư trú của hàng trăm ngàn gia đình ở Bình Dương để liên doanh và chuyển nhượng, thu lời.
Ngoài việc là chủ các Khu Công Nghiệp Sóng Thần 1, 2.3, ông Dũng còn là chủ Khu Du Lịch Lạc Cảnh Đại Nam Văn Hiến (Khu Du Lịch Đại Nam), rộng 450 héc ta cũng ở Bình Dương. (G.Đ)
No comments:
Post a Comment