Sunday, January 4, 2015

Nợ tiền dân 4 năm chưa trả

Theo NLĐO-Thứ Sáu, 22:34  02/01/2015
Được phê duyệt kinh phí hỗ trợ chuyển đổi nghề và đào tạo việc làm đã hơn 4 năm nhưng 12 hộ dân vẫn chưa được nhận tiền vì cơ quan tỉnh - huyện còn… chờ nhau

Mới đây, 12 hộ dân tại khu vực 5, thị trấn Phú Lộc, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế gửi đơn đến Báo Người Lao Động “cầu cứu”, mong sớm nhận được tiền chuyển đổi nghề và đào tạo việc làm sau khi bị thu hồi đất nông nghiệp.

Khiếu kiện nhiều lần

Năm 2009, UBND huyện Phú Lộc có quyết định thu hồi đất nông nghiệp của 12 hộ dân trên để xây dựng Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện Phú Lộc.

Sau khi Nghị định 69/NĐ-CP của Chính phủ quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, hỗ trợ và tái định cư có hiệu lực (ngày 1-10-2009) và Quyết định số 11/2010 ngày 20-4-2010 của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế áp dụng nghị định trên, ngày 6-10-2010, UBND huyện Phú Lộc có quyết định về việc phê duyệt bổ sung chế độ hỗ trợ chuyển đổi nghề và đào tạo việc làm cho 12 hộ dân. Tuy nhiên đến nay, dù công trình đã đi vào hoạt động nhưng các hộ dân vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ.

Công trình đã đi vào hoạt động nhưng các hộ dân bị thu hồi đất vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ
Công trình đã đi vào hoạt động nhưng các hộ dân bị thu hồi đất vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ


Gia đình ông Trần Tùng bị thu hồi trên 1.300 m2 để phục vụ dự án và được hỗ trợ 78 triệu đồng chuyển đổi nghề nhưng cũng như 11 hộ dân khác, đến nay, chưa nhận được đồng nào. Cầm lá đơn thứ 6 chuẩn bị gửi lên các cơ quan chức năng khiếu nại, ông Tùng ngao ngán: “Bao nhiêu đơn gửi đi các cơ quan chức năng nhưng đợi từ năm này sang năm khác mà chẳng thấy huyện chi trả. Nhiều lần chúng tôi kéo nhau đến huyện thì họ bảo chờ. Chúng tôi không biết phải chờ đến bao giờ?”.

Tương tự, ông Lê Văn Lợi có quyết định được hỗ trợ gần 100 triệu đồng nhưng 4 năm qua chẳng thấy tiền đâu. “Đây là số tiền rất lớn để gia đình tôi trang trải những khó khăn khi đất nông nghiệp bị thu hồi nhưng chính quyền cứ đùn đẩy nhau, không ai chịu trả” - ông Lợi bức xúc.

Tỉnh - huyện chờ nhau

Ông Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc, cho biết huyện đã tổng hợp các dự án phải chi trả kinh phí hỗ trợ cho dân trong giai đoạn “giao thời” của Nghị định 69 và Quyết định 11 của tỉnh, báo cáo UBND tỉnh xin ý kiến chỉ đạo (trong đó có dự án Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện) nhưng đến nay, tỉnh chưa có chủ trương nên huyện chưa có cơ sở chi trả.

Trong khi đó, ông Lê Bá Phúc, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết sau khi nhận được đề nghị của UBND huyện Phú Lộc, UBND tỉnh đã chỉ đạo hội đồng tư vấn giải quyết vướng mắc trong tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; nghiên cứu, đề xuất về trường hợp của 12 hộ dân ở dự án trên. Tuy nhiên, do văn bản báo cáo của UBND huyện Phú Lộc chưa nêu cụ thể quá trình tổ chức thực hiện bồi thường, chi trả tiền cho người dân cũng như căn cứ pháp lý khi phê duyệt phương án bồi thường... nên hội đồng tư vấn đền bù của UBND tỉnh chưa có cơ sở đề xuất UBND tỉnh giải quyết.

Cũng theo ông Phúc, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có văn bản yêu cầu UBND huyện Phú Lộc báo cáo cụ thể theo các nội dung yêu cầu của hội đồng tư vấn nhưng UBND huyện Phú Lộc chưa thực hiện. “Sau khi nhận được báo cáo của UBND huyện Phú Lộc, chúng tôi sẽ sớm tổ chức họp hội đồng để tham mưu cho UBND tỉnh giải quyết dứt điểm các vướng mắc liên quan của dự án Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện Phú Lộc, bảo đảm quyền lợi cho người dân” - ông Phúc nói.

Trên 26 tỉ đồng chưa trả cho dân
Theo báo cáo của UBND huyện Phú Lộc gửi UBND tỉnh, huyện có 16 dự án đã được phê duyệt giá trị bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Tuy nhiên, trong giai đoạn chuyển tiếp, kinh phí phải chi trả cho dân lên đến 26 tỉ đồng chưa được thực hiện.
Về vấn đề này, ông Lê Bá Phúc khẳng định các báo cáo chỉ thống kê danh mục công trình, dự án mà chưa đề cập quá trình tổ chức thực hiện cũng như các vướng mắc cụ thể, đặc biệt là cân đối chính sách hỗ trợ đã thực hiện, nên UBND tỉnh chưa có cơ sở để xem xét.
“Quyết định 11 của tỉnh có hiệu lực thi hành chậm hơn Nghị định 69 của Chính phủ không ảnh hưởng đến kết quả tính mức hỗ trợ cho người dân có đất bị thu hồi khi thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Việc giải quyết vướng mắc các dự án ở giai đoạn chuyển tiếp vẫn thực hiện theo điều 54 Nghị định 69, UBND cấp huyện phải báo cáo và đề xuất phương án hỗ trợ cho từng dự án cụ thể theo quy định” - ông Phúc nói.

 Bài và ảnh: QUANG NHẬT

No comments:

Post a Comment