Theo NLĐO-Chủ Nhật, 21:36 04/01/2015Nhiều năm qua, hàng ngàn hộ dân ở cư xá Thanh Đa, quận Bình Thạnh, TP HCM vẫn luôn khổ sở vì bị ngập nước. Nhiều dự án chống ngập được triển khai song đến nay vẫn chưa có kết quả
Đều đặn mỗi tháng 2 lần, người dân ở cư xá Thanh Đa (phường 27, quận Bình Thạnh, TP HCM) phải chống chọi với triều cường. Nước bẩn từ sông lênh láng chảy trên đường, tràn vào nhà; người dân chỉ biết chịu đựng chờ nước rút.
Ám ảnh triều cường, sạt lở
Đã hơn 8 giờ, ông Nguyễn Thanh Sơn (ngụ số 27/11B Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 27, quận Bình Thạnh) vẫn còn hì hục sắp xếp bàn ghế để lau nhà sau đợt triều cường vào lúc sáng sớm. Ông Sơn sinh sống ở đây từ năm 1998 và mười mấy năm qua, ông phải sống chung với... ngập.
Ông Sơn cho biết đã dùng mọi cách nhưng không thể ngăn được triều cường. Ông đã nâng nền nhà lên cả nửa mét nhưng không thể chống được ngập, thậm chí mức độ ngập ngày càng nặng. Tại khu vực này, mỗi khi triều cường, nước từ sông Sài Gòn tràn qua bờ kè đổ ào ào vào khu dân cư. Các hộ dân ở tầng trệt phải dùng ván chặn trước cửa để ngăn nước, các thiết bị điện phải kê lên cao nhằm tránh bị hư hỏng... Tình cảnh của các em học sinh nơi đây càng tội nghiệp, phải lội bì bõm trong nước ngập quá gối để đến trường. Nhiều em đi xe đạp bị ngã trong dòng nước bẩn.
Không chỉ sống trong cảnh ngập triền miên, những hộ dân nơi đây còn bị ám ảnh bởi tình trạng sạt lở ngày càng trầm trọng của bờ kênh Thanh Đa. Dọc kênh Thanh Đa, tiếp nối 220 m bờ kè đã hoàn thành vẫn còn một số căn nhà nằm vắt vẻo trên bờ kênh. Theo thống kê của cơ quan chức năng, đến nay vẫn còn khoảng 460 m bờ kè chưa được hoàn thành, nhiều người dân vẫn liều mình sống bên cạnh miệng “hà bá”. Những nhà chưa kịp di dời phải dùng cừ tràm, bê-tông kè móng nhà nhưng vẫn nơm nớp lo sợ bị sạt lở, trôi xuống sông bất cứ lúc nào.
Bờ kè kênh Thanh Đa, phường 27, quận Bình Thạnh, TP HCM vẫn còn nham nhở Được hỗ trợ, chờ bồi thường
Từ năm 2010 trở về trước, tại khu vực này đã xảy ra nhiều vụ sạt lở bờ kênh nghiêm trọng, cuốn đi nhiều tài sản. Sau đó, các dự án chống sạt lở kênh Thanh Đa được triển khai để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho người dân. Trong đó, dự án chống sạt lở kênh Thanh Đa đoạn 1.2 và đoạn 1.4 được triển khai từ tháng 7-2012 với mức đầu tư ban đầu là 58 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành sau 1 năm thi công. Tuy nhiên đến nay, cả 2 dự án đều chưa hoàn thành do khâu giải phóng mặt bằng quá chậm.
Các hộ dân chưa đồng ý bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án trên do họ cho rằng UBND quận Bình Thạnh chỉ hỗ trợ mà không bồi thường khi di dời. Bà Nguyễn Thị Xuân Mai (ngụ số 27/11B Xô Viết Nghệ Tĩnh) cho biết: “Tôi mua nhà từ năm 1998 và ở ổn định đến nay. Theo bảng chiết tính do cơ quan chức năng quận Bình Thạnh đưa ra thì căn nhà và đất ở của tôi chỉ được hỗ trợ 20% với số tiền chưa tới 400 triệu đồng. Với số tiền này, gia đình tôi không thể mua nhà chung cư hay nền đất chỗ khác để ở”.
Theo ông Phan Ngọc Anh Huy, Trưởng Ban Bồi thường Giải phóng mặt bằng quận Bình Thạnh, hiện còn 28 hộ dân ở dự án chống sạt lở kênh Thanh Đa đoạn 1.4 chưa đồng ý di dời vì muốn được bồi thường 100% theo đơn giá đất. Ông Huy cho rằng hồ sơ pháp lý về nhà và đất ở của những hộ này “còn yếu”. Nhiều hộ lấn chiếm kênh, ao nên chỉ được hỗ trợ khi thu hồi đất chứ không thể bồi thường. “Năm 2013, UBND TP chấp thuận cho quận áp dụng biện pháp cưỡng chế nhưng quận Bình Thạnh tiếp tục vận động từng hộ và đối thoại để giải quyết khiếu nại. Tháng 11-2014, UBND quận Bình Thạnh đã kiến nghị Hội đồng Thẩm định bồi thường TP áp dụng Nghị định số 84/2007 xem xét bồi thường cho người dân để dự án được triển khai nhanh chóng” - ông Huy cho biết.
Dự án hoàn thành sẽ hạn chế ngập
Ông Trần Văn Giàu, Giám đốc Khu Quản lý đường thủy nội địa, cho biết do tình trạng sạt lở nghiêm trọng nên dự án chống sạt lở được triển khai đồng thời với khâu giải phóng mặt bằng. Các đoạn 1.1 và 1.3 ở phường 25 và phường 26, quận Bình Thạnh đã hoàn thành từ năm 2009. Năm 2012, dự án chống sạt lở kênh Thanh Đa đoạn 1.2 và đoạn 1.4 được thực hiện nhưng đến nay vẫn còn dang dở. Hiện đoạn 1.2 còn 42 m chưa thi công do vướng mặt bằng liên quan đến 8 hộ dân. UBND quận Bình Thạnh thông báo trong tháng 1-2015 sẽ bàn giao mặt bằng để thi đoạn còn lại. Đoạn 1.4 còn vướng 41 hộ dân, trong đó 13 hộ đã đồng ý giao mặt bằng nhưng do các vị trí này ngắt quãng nên không thể thi công. “Mục tiêu ban đầu là chỉnh trang đô thị và chống sạt lở, tuy vậy, khi dự án hoàn thành sẽ hạn chế được tình trạng nước tràn bờ kè gây ngập trong khu dân cư như hiện nay” - ông Giàu khẳng định.
Bài và ảnh: SỸ ĐÔNG
No comments:
Post a Comment