Sunday, January 4, 2015

Biển Đông năm 2015 có gì mới?

(Baodatviet) - Năm 2015, Trung Quốc sẽ không ngại ngần che giấu những động thái leo thang gây hấn trên biển, xấu hơn, họ còn có thể gây hấn trên... đất liền.

Trung Quốc năm 2015 ra sao?
Trước khi có thể dự đoán được Trung Quốc sẽ làm gì với Biển Đông năm 2015, cần phải phân tích được tình hình của quốc gia này vào năm mới.
Trước hết về kinh tế, theo nhận định của Wall Street Journal, năm 2015, Trung Quốc sẽ đối mặt với vô vàn khó khăn. Trong nhiều năm qua, Bắc Kinh đã liên tục hát bài "đạt chỉ tiêu". Tuy nhiên, năm 2015, họ sẽ không thể đạt được tăng trưởng GDP 7,5% như 2014, thậm chí con số này sẽ còn thấp hơn 7%.
Nguyên nhân dẫn đến việc tăng trưởng chậm lại này bắt nguồn từ việc phần bất động sản (chiếm 1/4 GDP) đã trở thành gánh nặng lớn trong bối cảnh nhu cầu thế giới và trong nước đều suy giảm.
Tiếp đến, tỉ lệ thất nghiệp tăng cao, giá nhân công lại tăng so với những năm trước, yêu cầu thay đổi công nghệ sản xuất hiện đại tạo gánh nặng cho doanh nghiệp... nhưng điều này tạo sức ép lớn đến kinh tế. Và mục tiêu bị tác động trực tiếp là cụm từ "phát triển bền vững", luôn ám ảnh đối với các nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh.
Kinh tế Trung Quốc năm 2015 dự kiến sẽ phát triển chậm lại
Kinh tế Trung Quốc năm 2015 dự kiến sẽ phát triển chậm lại
Chủ tịch Tập Cận Bình đã làm được nhiều điều tốt với kinh tế Trung Quốc, nhưng năm 2015, ông sẽ không thể đạt được đúng lộ trình đầy tham vọng khi tuyên bố năm 2013. Tiếp đến, việc tái cấu trúc nền kinh tế "không hề bền vững" của Trung Quốc trong năm bản lề 2015 sẽ tạo nhiều bỡ ngỡ mà những nhà lạnh đạo kinh tế của Trung Quốc chưa thể lường trước.
Những khó khăn này, kết hợp với môi trường tăng trưởng chậm, và hệ quả của việc chi tiêu công tràn lan của Trung Quốc sẽ khiến nền kinh tế chịu nhiều hậu quả. Và hiện trạng của kinh tế sẽ tác động rất lớn đến các vấn đề xã hội hay quyết sách chính trị, đối ngoại.
Còn về chính trị, năm 2014 có thể đánh giá là năm kiện toàn công tác thâu tóm quyền lực của ông Tập Cận Bình bằng một loạt các cuộc thanh trừng, bắt bớ dưới chiêu bài chống tham nhũng. Bản thân Tổng thống Mỹ Obama cũng thừa nhận rằng Tập Cận Bình là nhà lãnh đạo thâu tóm quyền lực nhanh nhất trong lịch sử Trung Quốc.
Việc làm chủ Bắc Kinh cho thấy ông Tập Cận Bình hoàn toàn có thể làm bất kỳ điều gì mình muốn mà không sợ những sự đấu đá hạ bệ từ phe đối lập. Cần phải nhớ rằng, "giấc mơ Trung Hoa" là giấc mơ mà ông Tập vẽ ra, đã được nhắc đến chi tiết trong lời phát biểu chào năm mới 2014 tại phòng làm việc riêng của lãnh đạo này.
Về xã hội, Trung Quốc chất chứa rất nhiều những mâu thuẫn. Phong trào đấu tranh có phần cực đoan của người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, cuộc biểu tình của sinh viên Hong Kong vừa qua đã nhắc nhở Bắc Kinh rằng, xã hội của họ đang ẩn chứa rất nhiều sự đe dọa đến tồn vong chế độ, an ninh đất nước.
Điều này dẫn đến việc Trung Quốc cần có một hành động nhằm thu hút sự chú ý của xã hội, thống nhất ý chí của tất cả các tầng lớp, thành phần về một điểm chung, đồng nhất với sự dẫn dắt, lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Người biểu tình phong tỏa trung tâm Hong Kong
Người biểu tình phong tỏa trung tâm Hong Kong
Biển Đông năm 2015 ra sao?
Cần phải thấy rằng, Trung Quốc năm 2014 đã có nhiều hành động đáng kinh ngạc ở Biển Đông. Mở màn là cuộc dạo chơi của giàn khoan Hải Dương 981 (Haiyang Shiyou 981) tới vùng biển chủ quyền của Việt Nam, quần đảo Hoàng Sa.
Cuộc xâm phạm này đã khiến mối quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam xấu đi nghiêm trọng. Nhiều kịch bản xấu đã được các nhà phân tích vạch ra, nhưng rất may, nó đã không xảy ra.
Tất cả những phép thử đó đều có câu trả lời bất lợi với Bắc Kinh. Nhưng các hành động tiếp theo như xây dựng các đảo nổi, đảo chìm ở Hoàng Sa, Trường Sa (Trung Quốc chiếm đóng trái phép) trở thành các căn cứ, công sự, hay xây dựng đường băng... đã không còn là phép thử nữa. Đó trở thành âm mưu, sự chuẩn bị cho các hành động leo thang nghiêm trọng sau này.
Trong năm 2015, một thông tin rất đáng chú ý, Tòa trọng tài quốc tế sẽ ra phán quyết về đơn kiện mà Philippines kiện Trung Quốc về chủ quyền của họ. Kết quả của vụ kiện này sẽ là phép thử với Trung Quốc. Rất có thể, Bắc Kinh sẽ có những hành động táo bạo hơn để phủ nhận những kết quả của tòa án nếu bất lợi cho họ.
Tàu Trung Quốc cùng giàn khoan Hải Dương 981 ở vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam
Tàu Trung Quốc cùng giàn khoan Hải Dương 981 ở vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam
Tiếp đến, năm 2015 mở ra một năm ngoại giao kiểu mới của Trung Quốc. Các hành động ngang ngược ở 2014 chứng minh Bắc Kinh không còn đường lối "ẩn mình chờ thời" của Đặng Tiểu Bình. Còn với thời của Tập Cận Bình, Trung Quốc gắn chặt với các quốc gia không có tranh chấp ở ASEAN bằng các hành động đầu tư kinh tế, sự chi phối về kinh tế sẽ khiến ASEAN chia rẽ trầm trọng.
Trung Quốc sẽ tiếp tục gây rối
Từ những phân tích về hiện trạng của Trung Quốc, hiện trạng của Biển Đông trong năm 2014, nhiều chuyên gia trên thế giới đã dự đoán về cục diện vùng biển nóng này trong năm 2015.
Tiêu biểu trong đó có học giả Austin Bay, một tác gia và nhà bình luận thời sự quốc tế Mỹ. Ông cho rằng Bắc Kinh sẽ tiếp tục nắn gân láng giềng ở trên bộ, sau hàng loạt cú nắn gân ở Biển Hoa Đông (ADIZ 2013) và Biển Đông.
Austin Bay nhận định, nhiều năm nay, Trung Quốc luôn chủ động khơi dậy chủ đề chiến tranh và lịch sử, reo rắc tâm lý chống Nhật, giành lại những gì đã mất.
Học giả này lưu ý, năm 1979, Trung Quốc đã tiến hành cuộc chiến tranh ngắn ngủi nhưng đầy tàn bạo xâm lược toàn tuyến biên giới phía Bắc Việt Nam. Cuộc khủng hoảng giàn khoan 981 không chỉ là một cuộc đối đầu trên lĩnh vực dầu mỏ, mà nó còn thể hiện nguy cơ va chạm nguy hiểm về mối quan tâm và ý chí giữa Trung Quốc và Việt Nam.
Mục tiêu của Bắc Kinh là bành trướng ra Biển Đông với đường lưỡi bò. Trung Quốc đã triển khai quân đội và đang xây dựng (bất hợp pháp) trên một số bãi đá ở Trường Sa và các đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) mà họ đánh chiếm những năm 1974, 1988.
Ngoài ra, không quá xấu như kịch bản của Austin Bay đưa ra, nhiều chuyên gia quốc tế cũng nhận định rằng, năm 2015, với việc chuẩn bị một loạt các công sự trên biển, Trung Quốc sẽ tiến tới việc xác lập quyền kiểm soát của mình bằng một vùng nhận diện phòng không tương tự như ở Hoa Đông trên Biển Đông.
Và chắc chắn, với Biển Đông, mà đối thủ là các quốc gia thường xuyên bị Trung Quốc lấn át, sẽ không có chuyện Bắc Kinh để ADIZ của họ chỉ có tác dụng "lưu hành nội bộ" như cách Nhật Bản phản đối. ASEAN sẽ bị lấn át và gây hấn nghiêm trọng trong không phận của họ.
  • Đỗ Minh Tú

No comments:

Post a Comment