Friday, January 9, 2015

Đường mòn Hồ Chí Minh đầy rẫy bẫy chết người

RFI-Minh Anh
Ngày 08-01-2015 17:43

media
Một quả bom được phát hiện tại Savannakhet, Lào.Handicap International

Thảm sát tại tuần báo trào phúng Charlie Hebdo là phần tin nổi bật nhất trong ngày 08/01/2015. Thời sự Châu Á xuất hiện khá rải rác trên các mặt báo, nhưng đáng quan tâm nhất là bài phóng sự dài và rất xúc động trên Le Figaro có tựa đề « Những chiếc bẫy ‘quái quỷ’ trên đường mòn Hồ Chí Minh ».

Theo ước tính của các tổ chức phi chính phủ quốc tế, khoảng 80 triệu quả bom bi vẫn còn hiện diện trên đất Lào, ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý, sinh hoạt và tính mạng của người dân, mà phần đông là trẻ em.

Mở đầu bài viết, Le Figaro kể lại trường hợp đáng thương tâm của anh thanh niên Phongsavath. Cuộc đời của anh đã bị đảo lộn cách đây 6 năm, lúc ấy anh được 16 tuổi. Trên đường đi học về, anh và bạn bè nhìn thấy một vật lạ bên vệ đường. Không biết rằng đó là một quả bom nhỏ, anh tìm cách mở thử và quả bom đã phát nổ ngay tức thì. Hậu quả là hai tay bị cụt, đôi mắt mù lòa.

Bài báo viết những số phận như Phongsavath không phải là hiếm hoi. Đã bốn mươi năm trôi qua, Lào – quốc gia Đông Nam Á nhỏ bé – đáng lý ra không có chút can dự gì vào cuộc chiến giữa Mỹ - Việt Nam, vẫn phải kế thừa những hậu quả nặng nề cho đến ngày hôm nay. Trên lý thuyết, theo tinh thần Hiệp định Geneve, Lào sẽ trở thành một quốc gia trung lập và cấm mọi sự hiện diện quân sự trên lãnh thổ. Thế nhưng, các lực lượng cộng sản và phe ủng hộ Mỹ lại lao vào một cuộc chiến khốc liệt không tên.

Từ Savannakhet, con đường số 9 chạy thẳng phía Đông, hướng về Việt Nam. Con đường chiến lược này cắt ngang đường mòn Hồ Chí Minh. Trong những năm tháng chiến tranh, khu vực này liên tục hứng những trận mưa bom, nhất là khu vực Tchepone, cách Việt Nam chỉ có 50 km. Trong giai đoạn 1964-1973, không quân Mỹ đã tiến hành 600.000 cuộc không kích và rải hai triệu tấn bom trên đất Lào. Ngang bằng với tổng số bom được thả trong Đệ nhị Thế chiến, kể cả trên Thái Bình Dương. Với số dân chỉ có 3 triệu người vào thời điểm bấy giờ, nhưng « đất nước Triệu Voi » lại là quốc gia bị dội bom nhiều nhất trên thế giới.

Trong trận bão bom đó, hơn 270 triệu quả bom bi đã được thả xuống. Nhưng khoảng 30% số bom đó đã không nổ liền tức thì. 80 triệu quả bom đó hiện vẫn còn công hiệu. Chúng nằm rải rác khắp nơi, trên những cánh đồng, dòng sông hay trên những con lộ. Ước tính khoảng 15 trong số 17 tỉnh bị ảnh hưởng. Theo số liệu thống kê : từ năm 1964 đến nay, có đến 50.000 người là nạn nhân của bom bi, trong đó phân nửa là trẻ em, do bởi tò mò vì những viên bi nhỏ có vẻ ngộ nghĩnh mà không hề hay biết đến sự nguy hiểm của chúng. Chỉ cần một thao tác đơn giản cũng đủ để khơi ngòi chất nổ.

Đây quả là một mối đe dọa thường trực cho người dân nông thôn, gây cản trở cho sự phát triển đất nước, một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới. Những « vật liệu chưa nổ » tạo ra « một nỗi bất an tâm lý. Nông dân không dám khai khẩn hay chăn thả gia súc », theo như giải thích của bà Melanie Broquet, trưởng nhóm tổ chức Handicap International tại Lào.

Cũng theo bà Melanie Broquet, số lượng bom lớn lại nằm rải rác khắp nơi đã gây nhiều khó khăn cho công tác dò tìm và gỡ mìn. Các tổ chức phi chính phủ không thể nào « bao hết sân ». Do đó, « cần phải ưu tiên các can thiệp tùy theo từng chương trình phát triển do chính phủ Lào quyết định cùng với sự hợp tác của chúng tôi ».

Nhằm giảm thiểu tối đa số nạn nhân, nhiều chương trình tuyên truyền đã được đưa ra. Tại nhà trường, các em nhỏ được giảng dạy cách giữ thái độ khi tìm thấy những quả bom bi đó. Dân làng được đánh động trước mối rủi ro… Theo tờ báo, các chương trình tuyên truyền đó đang bắt đầu cho những kết quả khả quan. Theo Handicap International, gần 17000 « vật liệu chưa nổ » đã được phá hủy từ năm 2006. Số nạn nhân cũng giảm đi đáng kể, từ 300 người trong năm 2010 xuống còn chừng 60 người trong năm 2014.

Các tổ chức phi chính phủ đấu tranh cho các nạn nhân kêu gọi phổ biến Hiệp ước Oslo cấm bom chùm, có hiệu lực từ năm 2010. 130 quốc gia đã tham gia ký kết hiệp ước đó, ngoại trừ các cường quốc lớn như Mỹ, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan… Vào năm 2014 vừa qua, loại vũ khí sát thương này còn được sử dụng tại Syria và Nam Su-đăng. Cuộc chiến Việt Nam đã kết thúc 40 năm qua, nhưng cuộc chiến bom bi vẫn còn đang tiếp diễn tại Lào. Le Figaro dẫn lời nhận định của một chuyên gia phá mìn người Lào để kết thúc bài viết, theo đó : « Chúng tôi cần ít nhất là 50 năm nữa ».

No comments:

Post a Comment