Friday, January 9, 2015

Thực hư việc thịt lợn siêu nạc chứa chất độc hại

(Baodatviet) - Thức ăn chăn nuôi chứa Clenbuterol được sử dụng như 1 chất tăng trọng gây độc hại cho cơ thể.

Liên quan đến thông tin xoay quanh thịt lợn siêu nạc có chất độc hại, Cục An toàn Vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) đã giải đáp về vấn đề này.
Theo đó, tại một số nước Clenbuterol được sử dụng như 1 chất tăng trọng. Người ta bổ sung Clenbuterol vào thức ăn chăn nuôi để nuôi lợn, gà, vịt, ngỗng, bò nhằm kích thích sinh trưởng, tăng tỷ lệ nạc, làm giảm chi phí thức ăn chăn nuôi.
Dư lượng Clenbuterol trong các loại thịt gia súc, gia cầm đã được 1 số nước phát hiện. Clenbuterol gây độc cho cơ thể. Khi bị nhiễm Clenbuterol sẽ làm cho cơ thể tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim, run cơ, co thắt phế quản, phù nề, liệt cơ.

Chất tạo nạc đã bị cấm nhưng vẫn được lén lút cho vào thức ăn cho gia súc.
Chất tạo nạc đã bị cấm nhưng vẫn được lén lút cho vào thức ăn cho gia súc.
Từ năm 1988, tại các nước châu Âu đã cấm đưa Clenbuterol vào thức ăn chăn nuôi. Năm 1991, nước Mỹ cũng đã cấm đưa chất này vào thức ăn chăn nuôi.
Ở Việt Nam, theo Quyết định số 54/QĐ-BNN do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ký ngày 26/06/2002 cấm sản xuất, nhập khẩu, lưu thông và sử dụng Clenbuterol trong sản xuất và kinh doanh thức ăn chăn nuôi.
Tuy vậy, người tiêu dùng cũng không nên nhầm lẫn và đánh đồng thịt lợn giống siêu nạc và thịt lợn siêu nạc do hóa chất. Thịt lợn nạc trên thị trường hiện nay chủ yếu là do giống lợn siêu nạc và lợn lai. Các giống này được nhập từ nước ngoài, đã được các cơ quan có chức năng về chăn nuôi nghiên cứu và chấp nhận được chăn nuôi và tiêu thụ ở Việt Nam. Các loại thịt lợn này cũng có tỷ lệ nạc cao, thậm chí mỡ dưới lớp bì không có.
 
Để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và những người chăn nuôi, tránh những hoang mang, lo lắng không đáng có, các nhà quản lý cần kiểm soát chặt các mặt hàng này từ khâu sản xuất đến tiêu thụ.
 
Theo Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia, việc cấm sử dụng chất tạo nạc trong thức ăn chăn nuôi là cần thiết để đảm bảo sự an toàn của thực phẩm. Tuy nhiên, cấm sử dụng trong thức ăn chăn nuôi không có nghĩa là hàm lượng của các chất này phải bằng "không".
Cơ quan chức năng cần có quy định về giới hạn tồn dư tối đa cho phép của các chất clenbuterol, salbutamol trong thực phẩm trên cơ sở tham khảo của các quy định của nước ngoài.  
Vân Nhi (Tổng hợp)

No comments:

Post a Comment