Friday, January 9, 2015

Hãi hùng trước “cơn bão HIV”


Dân trí Đói nghèo, cuộc sống bấp bênh, người dân vùng tái định cư ở huyện Như Thanh - Thanh Hóa còn đứng trước nỗi lo về “cơn bão” HIV/AIDS đang hoành hành.
 

Khi người dân vùng lòng hồ Cửa Đạt chuyển về xã Thanh Kỳ, Thanh Tân định cư, có rất nhiều các tệ nạn xã hội cũng len lỏi theo về, trong đó có nghiện ngập, hút chích… Đặc biệt, căn bệnh thế kỷ mang tên HIV đã tràn về khi nào không ai hay. Chỉ khi trong thôn có người đang khoẻ mạnh bỗng nhiên đổ bệnh mà chết, người ta mới cuống cuồng sợ hãi.
Mấy năm trước đây, khu tái định cư (TĐC) Đồng Tâm - Đồng Tiến từng được biết đến là một điểm nóng nhất nhì huyện về tệ nạn ma túy với 4 người chết vì HIV/AIDS; gần 20 người nghiện và nhiễm HIV đang điều trị ARV, một số người có người thân là chồng, vợ, con bị nhiễm HIV... Đây cũng là nguyên nhân cản trở con đường thoát nghèo của người dân Đồng Tâm, Đồng Tiến.
Người đầu tiên trong thôn Đồng Tiến chết vì dính HIV/AIDS là anh L.V.N. (SN 1983). Sau đó trong thôn liên tiếp có 3 người nữa chết khi tuổi đời còn rất trẻ. Nhiều người có quan hệ huyết thống, quan hệ vợ chồng với những người đã chết vội đi xét nghiệm và có người đã thực sự sốc khi biết mình dính căn bệnh thế kỷ.
Cũng thuộc diện hộ nghèo nhất thôn Đồng Tiến, anh L.H.D, và vợ là chị L.T.L lại có hoàn cảnh khác. Năm 1997 họ cưới nhau. Cuộc sống bình yên của cặp vợ chồng trẻ chẳng kéo dài được bao lâu khi trong một chuyến đi rừng chặt gỗ, làm thuê, anh D đua đòi bạn xấu thử chích ma túy rồi lây nhiễm HIV.
Nét mặt buồn tủi chị L kể: “Năm 2008 chồng tôi đi khám thì biết mình mắc bệnh, đến năm 2009 tôi cũng phát hiện ra mình lây nhiễm HIV từ chồng. Từ đó, hàng tháng hai vợ chồng lại cùng nhau đi lấy thuốc điều trị, đợt nào thiếu thuốc thì sức khỏe cả hai lại suy sụp. Vì lo cuộc sống cho 4 đứa con nên chồng tôi dù bị bệnh vẫn phải đi làm thuê ở xa. Cuộc sống của mình vất vả đã đành, nhưng chúng tôi lo nhất là chưa có điều kiện đưa hai con nhỏ đi khám (sinh năm 2006 và 2008), các cháu còn quá nhỏ, đời còn dài, chẳng may bị nhiễm bệnh từ bố mẹ thì tương lai mờ mịt lắm…”.
Theo ông Lê Quang Sự, Bí thư chi bộ thôn Đồng Tiến cho biết hiện trong thôn có 13 người bị HIV/AIDS và đang điều trị thuốc, trong đó có 4 cặp vợ chồng. “Hầu hết các cặp vợ chồng này đều có con cả, nên cũng có 5-6 trường hợp nằm trong diện nghi ngờ, tuy nhiên họ không đi khám nên chúng tôi cũng không dám khẳng định” – ông Sự nói.
Ông Lê Chiến Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Thành Kỳ, cho biết, hiện toàn xã có 17 người bị HIV/AIDS, trong đó thôn Đồng Tiến có 13 người, còn lại ở các thôn khác. Ngoài ra còn có gần 10 người sử dụng và tiêm chích ma túy.
Bão HIV là một trong những nguyên nhân cản trở con đường thoát nghèo ở khu TĐC
Còn theo ông Lương Đình Thông, Trưởng Công an xã Thanh Tân, hiện tại địa phương có tới 14 đối tượng nghiện hút, tiêm chích, trong đó có 1 người bị nhiễm HIV. “Đại đa số con nghiện đều tập trung ở các thôn TĐC, nhiều nhất là ở thôn Tân Hùng. Kể từ khi người dân vùng lòng hồ Cửa Đạt về đây, đã kéo theo cơn lốc ma túy, HIV, khiến cho tình hình địa phương trở nên phức tạp” – ông Thông chia sẻ.
Đi thăm một số gia đình có người đã chết vì căn bệnh thế kỷ, chúng tôi không khỏi xót xa cho những cảnh đời bất hạnh còn ở lại. Vợ vật lộn với bệnh tật, con cái đi học bị bạn bè dị nghị, xa lánh… Trong căn nhà lạnh lẽo, ngó đi ngó lại không có gì đáng giá ngoài 2 chiếc giường, ông Lê Trọng T., thôn Đồng Tiến (bố của 2 người con đã chết vì AIDS) rơm rớm nước mắt: “Chúng nó chết đi để lại cho tôi 5 đứa nhỏ và 2 người vợ ốm đau suốt. Cuộc sống thì khó khăn, cũng chẳng biết sẽ ra sao nữa”.
Ông T. kể, từ khi chuyển về vùng TĐC xã Thanh Kỳ, chưa được bao lâu thì tai hoạ đã ập đến. Hai anh em L.Q.M. và L.Q.S. lần lượt qua đời do dính  HIV/AIDS, 1 trong số 2 người con dâu của ông cũng dính HIV/AIDS và đang điều trị thuốc. “Cái tôi lo nhất hiện nay là 5 đứa cháu nhỏ, không biết chúng có bị lây nhiễm từ bố mẹ chúng hay không nữa” – ông T. lo lắng.
Vùng TĐC ở huyện Như Thanh, cứ ngỡ là miền đất mới nhiều hứa hẹn, chẳng ngờ lại tan tác vì "cơn bão" HIV!
Bình Minh

No comments:

Post a Comment