Theo giaothongvantai -09:33, Thứ Sáu, 09/01/2015
Gần đến ngày trả tiền chuộc, cả thuyền viên và cướp biển đều rất căng thẳng. Nghe đến chuyện nhiều tàu bị cướp biển bắt giữ trước đó không giữ được tính mạng cho tất cả thủy thủ đoàn, thuyền trưởng Đinh Tất Thắng càng lo sợ cho tính mạng bản thân và thuyền viên.
Tàu Hoàng Sơn Sun trước thời điểm cướp biển Somali nhận tiền chuộc và thả tàu (khoanh tròn bên trái là vị trí thuyền trưởng Đinh Tất Thắng đứng - ảnh chụp từ máy bay trước khi thả tiền chuộc)
Cướp sợ bị… cướp
Ngày thứ 228, tên chủ tướng cướp Rằn Ri nổi đóa khi nội dung điện từ công ty không có ngày hẹn giao tiền. “Đã thế, không nhận 2,6 triệu USD nữa mà đòi 8 triệu USD như ban đầu”, Rằn Ri tức giận nói.
“Nghe tướng cướp nói thế, anh em chúng tôi ai cũng thót tim vì thông thường, tên chủ tướng này ít khi mở mồm. Kẻ ít nói thường không nói đùa. Anh em ai cũng lo sợ. Còn tôi nghĩ, có lo sợ cũng chẳng giải quyết được gì nên đành phó mặc số phận. Không ai trên tàu có thể hiểu nổi tại sao việc chuyển tiền lại khó khăn đến thế. Mất hơn một tháng mới chuyển được tiền khỏi Việt Nam và thêm hơn một tuần nữa vẫn chưa rút được tiền ra để chuyển đi châu Phi cho cướp”, thuyền trưởng Đinh Tất Thắng nhớ lại.
Theo ông Thắng, lúc đó, anh em lo phía công ty không xúc tiến việc chuyển tiền nữa thì chỉ còn nước chết. Đã thế, tình trạng của anh em càng ngày càng thê thảm hơn. Suốt nhiều ngày ròng, mỗi người chỉ được lưng cơm với gạo mốc, chẳng có thức ăn. Hôm nào có thêm chút muối là tốt lắm rồi.
“Thời gian nặng nề trôi. Đêm hôm đó, thằng đàm phán (tên là Dida) gửi một bức điện khác nhân danh tôi (thuyền trưởng) có nội dung trách móc công ty không bảo vệ thuyền viên. Bức điện này làm mình lóe lên hy vọng rằng bọn chúng vẫn chấp nhận 2,6 triệu USD nếu công ty trả sớm trong tuần tới”, vị thuyền trưởng kể.
Ngày thứ 232, ngày thứ tư từ khi cướp tăng tiền chuộc lên 8 triệu USD, vẫn chưa thấy động thái gì từ công ty. Vừa sốt ruột và cũng để tỏ thiện chí hợp tác để cướp khỏi mang mình ra làm bia đỡ đạn, tôi mấy lần hỏi xin tên đàm phán Dida cho gọi điện về nhưng nó không cho. Anh em càng thêm bất an, lo sợ.
"Chúng tôi, tất cả 24 thuyền viên được trở về quê hương bình yên là nhờ sự cố gắng không mệt mỏi của công ty, gia đình thuyền viên, sự hỗ trợ tích cực của các ban, ngành trong nước, trong đó có những sự giúp đỡ vô cùng lớn lao nhưng vì nhiều lý do khiến tôi không thể nói ra”.
Thuyền trưởng Đinh Tất Thắng hiện đang công tác trong ngànhĐăng kiểm
|
“Mấy đêm đó, hễ nhắm mắt ngủ lại mơ thấy chết chóc, bị cướp hành hạ. Có lúc thình lình bật dậy không ngủ nổi, toát hết mồ hôi, lo sợ cướp lại mang mình ra đánh đập. Than ôi, cuộc sống trong tay cướp biển khủng khiếp quá, chỉ có thể diễn tả tâm trạng lúc này bằng từ “khủng khiếp”, lời ông Thắng.
Cuối cùng, sau 6 ngày im lặng, công ty đã điện báo đang đổi tiền. Động thái này của công ty khiến tướng cướp và tên đàm phán vui vẻ lên đôi chút. Thêm bốn ngày nữa, thuyền viên ai cũng mừng như bắt được của khi có điện báo của công ty, tiền mặt tại London (Anh) đã sẵn sàng và sẽ cho người bay sang đem tiền về Kenya.
Nếu mọi chuyện suôn sẻ sẽ giao được tiền vào 11h30 thứ 5 ngày 15/9/2011. Đổi lại, công ty yêu cầu nói chuyện với thuyền trưởng, máy trưởng để xác báo tình trạng tàu có thể chạy được ngay sau khi cướp nhận tiền và rời tàu. Tuy nhiên, bọn cướp chưa đồng ý vì sợ lộ chuyện thiếu dầu và như vậy việc chuyển tiền từ London đi châu Phi sẽ bị chậm lại.
Ngày thứ 242 - ngày giải thoát cuối cùng cũng đến. Lúc 11h5 phút, một chiếc máy bay dùng mật khẩu “Hà Nội” như đã quy ước qua sóng VHF, bay từ Kenya sang sân bay của Somali tiếp thêm dầu, rồi bay lượn quanh tàu để chụp ảnh, đếm đủ số thuyền viên đang nắm tay xếp hàng trên nắp hầm hàng, sau đó thả thùng tiền (2,6 triệu USD) xuống biển (để không bị vỡ thùng đựng) nơi bọn cướp thả quả khói màu da cam. Bọn cướp đi xuồng ra vớt tiền rồi mang lên tàu đếm, dùng bút thử xem tiền thật hay giả, rồi chia chác một phần, còn lại mang vào bờ.
“Có đứa được nhiều, đứa được ít. Đứa được phần nhiều thì vui vẻ nói cười, kẻ ít hơn mặt mũi buồn thiu. Chia tiền xong, đến tối và hôm sau, bọn cướp yêu cầu tàu chạy xuôi chạy ngược theo phía Nam và Bắc bờ biển để đến chỗ có sóng di động, rồi gọi xuồng ra đón từng toán một. Mãi đến 19h ngày thứ 243, tên chủ tướng Rằn Ri là kẻ cướp cuối cùng rời tàu.
Trước khi đi, nó còn gọi tôi ra bắt tay để chào từ biệt. Buông tay nó xong và không còn bóng dáng nó trên tàu nữa mình mới dám thở phào nhẹ nhõm và cũng cầu mong tàu còn đủ dầu để chạy đến cảng gần nhất của Oman”, ông Thắng nhớ lại.
Cũng chính trong ngày cuối cùng này, tôi mới nhận ra rằng, bọn cướp căng thẳng không kém thuyền viên vì chúng lo bị lộ thông tin và bị tấn công. Nếu lộ thông tin về tiền bạc, có thể bị toán cướp khác tấn công cướp lại tiền, bị tàu chiến đánh úp giải cứu, thậm chí tấn công lẫn nhau. Trước đây, chúng tôi tưởng rằng chỉ có một đường dây cướp biển tại đây, nhưng không hẳn thế, vì đã có lần bọn cướp trên tàu xả súng tán loạn vào một chiếc xuồng của toán cướp khác tiến đến gần tàu.
Luật ngầm của cướp biển
Ngay sau khi thằng Rằn Ri rời tàu, tàu kéo neo chạy về cảng Salalah của Oman. Sau 8 tháng, khá nhiều thiết bị bị hỏng, nhưng rất may máy chính vẫn hoạt động tốt và điều vui mừng nhất là cả 24 người trên tàu đều giữ được tính mạng để trở về với gia đình.
“Trước kia xem phim ảnh về cướp biển, thấy nói về luật của cướp, nay trực tiếp sống trong những tháng ngày dưới sự kiểm soát, kèm cặp và tra tấn của chúng, tôi thấy điều này là thật. Theo đó, cướp biển cũng có kỷ luật riêng, có hình phạt để quản lý nhau.
Những tên vi phạm kỷ luật, như đánh nhau hoặc tự ý làm trái ý, sẽ bị phạt bằng cách trói chân tay, tội nhẹ thì trói ít, nặng trói lâu. Có tên bị trói lâu đến nỗi da thịt bị lở loét”, ông Thắng nói và kể tiếp, hôm nhận tiền xong, tên chủ tướng cướp viết tay và đưa cho tôi tờ giấy bảo đảm bằng chữ Somali, mà chúng dịch ra tiếng Anh là: “Tàu Hoàng Sơn Sun bị cướp bắt đã trả tiền chuộc và sẽ không bị cướp bắt lại nữa”.
Bọn cướp còn nói thêm rằng “nếu sau này có cướp lên tàu thì đưa giấy này ra, chúng sẽ rời tàu mà không bắt và cướp bóc gì. Tên cướp nào làm trái sẽ bị xử lý theo luật của cướp”. Dẫu thế mình vẫn cầu trời khấn phật đừng bao giờ gặp lại bọn cướp biển nữa, dù cho có được chúng bỏ qua vì chiếc “giấy thông hành” được đánh đổi bằng máu, nước mắt và tiền bạc của thuyền viên, chủ tàu.
Kết thúc những tháng ngày tồi tệ
Sau bốn ngày lái tàu hướng về cảng Salalah của Oman mà vẫn đủ nhiên liệu (tháng trước bọn cướp cấp một số phuy dầu theo thỏa thuận- NV), tàu đến trạm hoa tiêu lúc 3 giờ sáng. 6 giờ sáng cập xong cầu tàu, đại lý và các bên liên quan lên tàu làm thủ tục rất nhanh mà không tra hỏi hay quát nạt gì. Chỉ có điều đại lý lên tàu nhưng lại không mang theo thực phẩm tiếp tế. Anh em những tưởng sẽ được một bữa ra trò thì lại chưng hửng, đành phải tiếp tục ăn cơm gạo mục với nước muối, hai bàn chân đã sưng to lên đến cả cổ chân.
Buổi chiều, sau khi được nhận phòng nghỉ ở khu nghỉ dưỡng, đại lý đưa chúng tôi đến Văn phòng chống cướp biển đặt tại Salalah để trả lời phỏng vấn. Các tướng lĩnh ở đây rất thân thiện. Họ cho biết, có cả một tàu chở hóa chất đang chờ vào cầu cảng Salalah thì bị cướp từ Somali sang tận khu neo đậu bắt đi.
Ngày 23/9/2011 (ngày thứ 250 kể từ khi bị cướp), chúng tôi được đi máy bay từ Oman sang Qatar, rồi bay đi Bangkok (Thái Lan). Về đến sân bay Nội Bài lúc 15h. Thời khắc đặt chân xuống sân bay Nội Bài với chúng tôi mới tin thực sự là lúc kết thúc những tháng ngày tồi tệ nhất trong cuộc đời.
“Ngẫm lại, những lúc cái chết kề cận trên đầu cũng qua đi. Cuộc sống rồi sẽ trở lại như vốn có nhưng những gì đã gặp phải thật không dễ gì quên được. Những cái tên như Bã Trầu, Rằn Ri, Chột, Gọng Vó, Lác, Vổ… vẫn gợi lên trong tôi một quá khứ hãi hùng”, thuyền trưởng Thắng chia sẻ.
Hồng Xiêm
No comments:
Post a Comment