HỒNG MINH 19/08/14 10:18
(GDVN) - Theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, không một hãng hàng không nào trên thế giới mà làm ăn có lãi kiểu Vietnam Airlines, lãi dựa trên ưu đãi...
Đề xuất xin ưu đãi của Vietnam Airlines – VNA đang ngày một thu hút sự quan tâm của dư luận, nhất là khi những kiến nghị của hãng bay này được xem như điều kiện để tiến hành cổ phần hóa.
Một vấn đề khác, trong bối cảnh làm ăn kém hiệu quả, liên tục vi phạm quy định an toàn an ninh hàng không và đang bị dư luận đặt dấu hỏi về vấn đề quản lý thì việc Vietnam Airlines xin ưu đãi càng trở nên vô lý.
Trong những đề xuất xin ưu đãi của Vietnam Airlines, đáng chú ý là hãng xin Chính phủ bảo lãnh miễn phí 100% vốn khi mua máy bay, cho phép miễn áp dụng quy định về tài sản thế chấp khi vay tín dụng xuất khẩu và vay vốn hỗn hợp có bảo lãnh để tiếp tục mua máy bay…
Dư luận quan tâm những đề xuất xin ưu đãi của Vietnam Airlines |
Nhìn vào đề xuất trên, đã có không ít câu hỏi đặt ra tại sao Vietnam Airlines không tự thu xếp vốn, tự cân đối thu chi để có nguồn tài chính khi mua máy bay mà phải dựa vào Chính phủ?
Trong khi đó, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, chuyên gia kinh tế Bùi Kính Thành cho rằng, Vietnam Airlines được xem là “anh cả” của ngành hàng không Việt Nam, đáng ra “anh cả” phải được cho ở riêng từ lâu để tự lực không dựa dẫm.
Chuyên gia Bùi Kiến Thành khẳng định, đề xuất ưu đãi của Vietnam Airlines là bất hợp lý, gây khó cho tiến trình cổ phần hóa. Theo đó, cổ phần hóa là mình muốn tư nhân vào đầu tư kinh doanh, mà muốn thu hút đầu tư phải làm sao cho người ta thấy được có lời. Nhưng trong khi hoạt động kinh doanh kém, lại liên tục xin nhà nước ưu đãi thì rất khó cổ phần hóa.
“Hơn nữa khi thực hiện cổ phần hóa nhưng nhà nước vẫn muốn giữ lại lại cổ phần lớn trên 51% để nắm quyền chi phối, quyết định ở một doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả thì rất khó để bán được cổ phần đó cho tư nhân. Nhà đầu tư sẽ không đầu tư vào một doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả, điều hành kém quen dựa vào nhà nước”, ông Thành nói.
Không chỉ riêng Vietnam Airlines, thực trạng doanh nghiệp nhà nước dù quản lý kém nhưng lâu nay vẫn có lối mòn hễ thua lỗ, làm ăn kém hiệu quả doanh nghiệp nhà nước không nhìn nhận lỗi quản lý của mình, không cá nhân lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước phải chịu trách nhiệm. Ngược lại doanh nghiệp nhà nước luôn tìm cách đổ lỗi cho yếu tố khách quan bên ngoài.
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành: Đề xuất của Vietnam Airlines là phi lý |
Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2014 của Vietnam Airlines cho thấy, lợi nhuận trước thuế dự kiến chỉ đạt 100 tỉ đồng trong tổng doanh thu 28.000 tỉ đồng, trong đó lợi nhuận sau thuế của đơn vị này chỉ 82,3 tỉ đồng. Giải thích cho kết quả kinh doanh kém, Vietnam Airlines cho rằng do chịu ảnh hưởng tiêu cực từ diễn biến phức tạp trên biển Đông, đồng thời đề xuất các giải pháp hỗ trợ.
“Với một doanh nghiệp thực thụ, khi khó khăn họ phải tự bươn chải vượt khó nhưng Vietnam Airlines lại ngược lại, cứ khó khăn doanh nghiệp đề xuất xin ưu đãi. Thử hỏi liệu có bao nhiêu người sẽ bỏ tiền mua cổ phần của Vietnam Airlines khi doanh nghiệp đã quen dựa vào nhà nước, đòi hỏi cơ chế ưu đãi một điều không bao giờ có trong cơ chế thị trường. Vietnam Airlines đòi hỏi như vậy có hợp lý không?”, TS Bùi Kiến Thành đặt vấn đề.
“Phải khẳng định những đòi hỏi ưu đãi của Vietnam Airlines là phi lý, vốn dĩ anh là doanh nghiệp nhà nước, đã nhận rất nhiều ưu đãi hơn doanh nghiệp tư nhân. Trong cơ chế thị trường, doanh nghiệp phải bình đẳng trong cạnh tranh, bình đẳng trong ưu đãi. Riêng hàng không, việc thu xếp tài chính mua máy bay rất dễ, trong khi hãng hàng không khác họ tự thu xếp tài chính cớ gì một doanh nghiệp có kinh nghiệm như Vietnam Airlines lại trông chờ nhà nước phải bảo lãnh miễn phí 100% vốn khi mua máy bay?”, TS Thành thẳng thắn.
Kết quả kinh doanh kém của Vietnam Airlines là do điều hành doanh nghiệp kém. Bởi xét về ưu thế, Vietnam Airlines có lợi thế hơn nhiều các hãng hàng không còn lại, đơn cử chỉ riêng giá vé, Vietnam Airlines luôn cao hơn giá vé các hãng hàng không nội địa khác. Bên cạnh Vietnam Airlines còn được độc quyền khai thác các đường bay như TP.HCM đi Côn Đảo, TP.HCM đi Phú Yên, Pleiku, Chu Lai, Đồng Hới, Thanh Hóa… Rõ ràng, tất cả những yếu tố trên cho thấy kết quả kinh doanh của Vietnam Airlines trong 6 tháng đầu năm 2014 là chưa tương xứng với những lợi thế mà Vietnam Airlines đang có.
Cùng với lợi thế về kinh nghiệm, ưu tiên đường bay, được biết ngay khi nắm được tình hình khó khăn của Vietnam Airlines, do tình hình khách quan đem lại, Bộ Giao thông Vận tải đã đã ưu ái chấp thuận ngay một số kiến nghị của Vietnam Airlines như điều chỉnh giới hạn slot (lượt cất - hạ cánh) để Vietnam Airlines tăng chuyến một số đường bay. Và từ tháng 5 vừa qua, Bộ cũng đã cho phép giảm 25% trên biểu phí dịch vụ điều hành bay đi/đến, giá cất hạ cánh, soi chiếu an ninh hàng hóa, hành lý.
Đáng nhẽ với những ưu đãi đang được hưởng, Vietnam Airlines phải làm tốt hơn. Đặt giả thiết, nếu không cổ phần hóa mà tư nhân hóa, tự bơi trên thương trường liệu Vietnam Airlines có “sống” và cạnh tranh được với hãng hàng không khác hay không? Rõ ràng việc quản lý kém, ì ạch... chỉ quen được bao bọc như hiện nay, Vietnam Airlines khó đứng vững, giữ được thị phần.
“Theo tôi trong một số lĩnh vực, nhà nước thay vì cổ phần hóa nên tư nhân hóa để phát triển lành mạnh, giảm gánh nặng tài chính, gánh nặng điều hành cho nhà nước. Chỉ thực sự những lĩnh vực nào thuộc an ninh quốc phòng, lĩnh vực tư nhân chưa hoặc không thể làm được nhà nước mới làm. Chính phủ nên xem xét lại chính sách cổ phần hóa.
Còn với doanh nghiệp nhà nước như Vietnam Airlines, khi lãnh đạo doanh nghiệp không phải là doanh nhân mà là công chức, công chức điều hành doanh nghiệp dẫn đến trì trệ yếu kém là điều dễ hiểu. Không một hãng hàng không nào trên thế giới mà làm ăn có lãi kiểu Vietnam Airlines, lãi dựa trên ưu đãi”, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành nhận định.
No comments:
Post a Comment