Tôi đọc báo Tuổi trẻ ngày 13/8/ 2014, đăng bài: “Công an đánh chết nghi can trộm bò: 18 tháng tù”, ngồi suy nghĩ môn luật so sánh đang được giảng dạy trong các trường luật của Việt Nam trở nên vô hiệu trên thực tế.
Lấy nội dung và hình phạt của vụ án này Bị cáo đã dùng còng khóa tay nghi phạm lên cửa sổ rồi dùng gậy cao su đánh nhiều cái vào người để ép nghi phạm khai báo, dẫn đến chết người. nhưng Tòa chỉ xử phạt 18 tháng tù. Trong khi vụ án xẩy ra ở Hải Phòng , học sinh giật chiếc mũ bạn gái trị giá có 60 nghìn mà bị 36 tháng tù ?!
Đường lối của Đảng và pháp luật của nhà nước quy định: “ Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật”; đối với cán bộ công – viên chức mà vi phạm pháp luật thì phải xử lý nghiêm khắc để làm gương. Trong thực tiển thi hành và áp dụng pháp luật thì hầu như đang làm ngược lại: Dân làm chủ thì xử lý nghiêm khắc, còn cán bộ là đầy tớ của dân thì xử cho có xử.
Tại Điều 9 Pháp lệnh Công an xã có hiệu lực từ ngày 01/7/2009 không cho phép Công an xã lấy lời khai người phạm pháp quả tang hoặc người có dấu hiệu vi phạm pháp luật ( Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lường trước hậu quả nên không cho phép Công an xã làm việc đó). Trong vụ án này, công an xã tra tấn, ép cung, nhục hình đối với nghi can là trái pháp luật, cần phải xử theo tội giết người.
Vấn đề đang có tính thời sự là: “Thông tư số 28/TT-BCA ngày 07/7/2014 của Bộ trưởng Bộ Công an “Quy định về công tác điều tra hình sự trong Công an nhân dân” ; tại Điều 28 quy định “Trách nhiệm của Công an cấp xã, đồn, trạm Công an trong giải quyết một số trường hợp cụ thể” lại cho phép Công an xã được lấy lời khai – Đây là quy định trái với Pháp lệnh Công an xã ( Văn bản có hiệu lực pháp lý thấp hơn, quy định vượt quyền của văn bản có giá trị pháp lý cao hơn). Đó cũng là một trong những nội dung mà Đoàn LS TP Hà Nội dự định góp ý Thông tư 28 vào sáng ngày 16/8/2014 nhưng bị “phá sản”.
Lịch sử xã hội loài người, mọi chế độ, mọi hình thái nhà nước đã chứng minh rằng : không phải trong tay có quyền lực nhà nước, nắm vũ khí, có lực lượng “ vệ binh” thì chế độ đó, nhà nước đó tồn tại vĩnh cửu. Khi mất lòng dân, mâu thuẩn của nhân dân với chế độ trở thành mâu thuẩn đối kháng thì mất tất cả.
Chúng ta đang phát đông phong trào học tập tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh; Bác Hồ có lời dạy hết sức sâu sắc: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”. Chúng ta phải suy nghĩ rộng hơn khi mà 1 nhà nước, 1 chế độ thối nát; đè nén nhân dân, quan lại tham nhũng,…thì điều tương tự sớm hay muộn ắt sẽ xẩy ra./.
THEO FB LS. TRẦN ĐÌNH TRIỂN
No comments:
Post a Comment