Wednesday, August 20, 2014

Gần 165,000 cử nhân, thạc sĩ ở Việt Nam thất nghiệp


VIỆT NAM (NV) - Theo Bộ Lao Ðộng-Thương Binh-Xã Hội Việt Nam, con số tốt nghiệp đại học ở Việt Nam bị thất nghiệp hiện nay là 162,000 người.


Theo báo Tuổi Trẻ, đây là thống kê trích dẫn từ phúc trình của Bộ Lao Ðộng-Thương Binh-Xã Hội Việt Nam công bố hôm 2 tháng 7, 2014 vừa qua. Báo Tuổi Trẻ cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng thất nghiệp của lực lượng tốt nghiệp đại học đông đảo kể trên là sự chệch hướng của công tác đào tạo.


Không thiếu những ánh mắt thất vọng tại một hội chợ việc làm ở Việt Nam. (Hình: báo Tuổi Trẻ)

Phúc trình trên cũng cho thấy, số người trong độ tuổi từ 20 đến 24 có trình độ đại học thất nghiệp tại Việt Nam chiếm tới 20% số người thất nghiệp. Con số này tăng liên tiếp trong thời gian qua.

Thị trường lao động tại Việt Nam thời gian qua được coi là đầy dẫy những điều nghịch lý. Số cung của một số ngành nghề như kiến trúc, xây dựng, kế toán, kiểm toán... đều vượt xa mức cầu. Trong khi đó, các nhóm ngành, nghề có nhu cầu tăng vọt như công nghệ thông tin, cơ khí tự động hóa... lại không được nhanh chóng điền khuyết.

Tại cuộc hội nghị tổ chức ở Sài Gòn sáng ngày 20 tháng 8, 2014, ông Ngô Bá Thâm, chuyên viên cao cấp của Viện Nghiên Cứu và Phát Triển Sài Gòn cho rằng, thị trường lao động Sài Gòn đang lâm vào tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ.” Trong khi người tốt nghiệp đại học thất nghiệp đầy dẫy, các công ty, nhà máy đã bị buộc phải tuyển dụng người không hề trải qua một trường lớp đào tạo nào.

Ông Ngô Bá Thâm cũng cho rằng, nguồn thông tin dự báo năng lực của thị trường lao động tại Việt Nam hiện nay rất chắp vá, chỉ mới dừng lại ở mức độ đối phó. Ông Trần Anh Tuấn, quyền giám đốc Trung Tâm Dự Báo Nhu Cầu Nhân Lực của thành phố Sài Gòn, đơn vị vừa bị chỉ trích, cũng xác nhận rằng thị trường lao động ở Việt Nam hiện nay không cần người có bằng cấp cao. Ông Trần Anh Tuấn nói rằng, các công ty, nhà máy cần người có kỹ thuật chuyên môn và có đạo đức nhiều hơn.

Tại cuộc hội nghị mang tựa đề “Biến động việc làm ở Sài Gòn,” sáng ngày nói trên, nhiều người chỉ trích ngành giáo dục “nhắm mắt đào tạo” mà bất chấp nhu cầu của nền kinh tế. Một bản thuyết trình nói rằng, ngành giáo dục của Việt Nam xác định tỉ lệ đào tạo người tốt nghiệp đại học dựa vào tỉ lệ dân số chứ không theo cơ cấu của nền kinh tế.

Báo Tuổi Trẻ dẫn thông tin từ một phúc trình khác nói rằng, hơn 300 trường đại học và cao đẳng ở Việt Nam hiện nay thiết lập phương hướng đào tạo không dựa vào bất cứ dự báo này. Họ chỉ dựa vào năng lực của nhà trường như đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất... Vì vậy mà các ông thầy đã được đào tạo sai, lại tiếp tục cho ra đời các cử nhân, thạc sĩ thế hệ đàn em không đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế.

Vì vậy, số người tốt nghiệp đại học bị thất nghiệp tiếp tục tăng đều là chuyện đương nhiên, không có gì khó hiểu tại Việt Nam hiện nay. (PL)

08-20-2014 3:21:34 PM
Theo Người Việt

No comments:

Post a Comment