Wednesday, August 20, 2014

4000 tỷ cho máy tính bảng, tiền dân ta cứ tiêu?

(Baodatviet) - Chúng tôi sẵn sàng đầu tư tiền của cho con cháu mình, nếu các vị đưa ra được một đề án cải cách giáo dục thực sự thuyết phục
a
Hiệu trưởng các trường tiểu học và trưởng phòng giáo dục các quận ở TP.HCM trong buổi hội thảo về đề án. Ảnh: Báo Tuổi trẻ.
Sau hội thảo về “Đề án thí điểm chương trình sách giáo khoa điện tử lớp 1, 2, 3 bậc tiểu học tại TP.HCM” cách đây đúng một tháng, Sở GDĐT TP. HCM lại tiếp tục tổ chức một hội thảo thứ 2 giới thiệu phương án 2 để thực hiện đề án này. Có thể hình dung, với đề án được đầu tư khoảng 4.000 tỉ đồng này, học sinh lớp 1, 2, 3 cấp tiểu học tại TP.HCM sẽ học hoàn toàn trong những lớp học thông minh.
Những con số trong đề án được bài viết “Phải sắm 320.000 máy tính bảng” trên báo Tuổi trẻ khiến người đọc hoa cả mắt cả mũi. Theo đề án này, mỗi học sinh từ lớp 1 đến lớp 3 cần trang bị một bút chấm đọc điện tử và một máy tính bảng có cài đặt sách giáo khoa điện tử. Ngân sách TP hỗ trợ 5.334 học sinh thuộc diện đối tượng chính sách. Số học sinh còn lại (hơn 321.000 em) phụ huynh phải tự trang bị.
Dự thảo cũng trình ra 5 lựa chọn máy tính bảng với giá dao động từ 3-5 triệu đồng/máy, kích cỡ màn hình từ 7-10,1 inch.
Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ hiệu trưởng tại nước ngoài trong bốn tuần là 250 triệu đồng/người; Đào tạo giáo viên theo hình thức tổ chức tập trung trong nước, cấp chứng chỉ quốc tế: thời gian ba tháng, chi phí 55 triệu đồng/người.
Kinh phí khảo sát, đánh giá thực trạng giáo dục tiểu học: hơn 1 tỉ đồng;Kinh phí xây dựng trường tiểu học mô hình mới: 2,2 tỉ đồng;Xây dựng sách giáo khoa điện tử và chương trình đào tạo: 1 tỉ đồng;Đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin: hơn 730 tỉ đồng. Đầu tư phòng họp trực tuyến: gần 500 tỉ đồng (mỗi trường một phòng trị giá hơn 1 tỉ đồng).
Có lẽ do thói quen chi tiêu tằn tiện chắt bóp của con nhà nghèo, nên tôi, dù cố gắng đến mấy cũng thấy khó mà nuốt nổi những con số này, chắc có lẽ rồi đây sẽ phải tự xếp mình vào loại “người âm lịch”, khó tiếp cận với công nghệ tiên tiến.
Nhẩm tính mà xem, kinh phí để đào tạo đội ngũ hiệu trưởng ở nước ngoài là 250 triệu đồng/người, giáo viên thì 55 triệu đồng/người, 451 trường tiểu học tham gia dự án là 451 ông/bà hiệu trưởng và hàng ngàn giáo viên. Nhân lên sẽ có một con số kinh hoàng.
Mỗi chiếc máy tính bảng từ 3-5 triệu đồng, chi phí này tự phụ huynh phải trả, ngân sách chỉ hỗ trợ cho đối tượng chính sách. Còn các khoản tiền đào tạo và xây dựng cơ sở vật chất, chắc chắn lấy từ ngân sách, ngân sách cũng là từ tiền thuế của dân. “Cơm ai chẳng gạo nhà này, áo ai chẳng vải nhà này xé ra”, thật là xót xa.
Ai chẳng muốn đầu tư thật oách cho giáo dục, ai chẳng muốn cho con cái mình tiến kịp với công nghệ thế giới. Nhưng làm gì cũng phải liệu cơm gắp mắm, trong khi phần đông cha mẹ phụ huynh còn sống trong mức nghèo khổ, mỗi dịp đầu năm học là quay cuồng trong một cơn địa chấn với các khoản tiền trường. Thế mà các vị ở Sở bàn chuyện ngàn tỷ cứ xơi xơi.
Phải rồi, tiền dân nên ta cứ tiêu. Cái lũ trẻ từ lớp 1 đến lớp 3 ấy, cứ đem ra mà thí nghiệm như chuột bạch, mai kia nói dại lỡ dự án có đổ bể, như vụ học tiếng Anh theo chương trình Cambridge ấy, thì cứ đổ lỗi loanh quanh một lúc cũng bằng hòa.
Tôi xót xa khi đọc những dòng ý kiến bạn đọc phản hồi dưới bài báo “Phải sắm 320.000 máy tính bảng”. Họ tha thiết mong mỏi báo chí và dư luận lên tiếng về đề án này, hãy vì những học sinh nghèo, phụ huynh nghèo, hãy ngăn chặn để đừng có thêm “thảm họa” giáo dục.
Nếu có người lên án tôi và rất nhiều người lên tiếng phản đối đề án này là “kéo tụt sự phát triển của giáo dục”, chúng tôi cũng xin đành nhận “tội”. Nhưng không thể để người ta cứ vẽ vời ra những dự án mà chưa biết hậu quả thế nào nếu nó vỡ lở, nếu nó thất bại, cốt chỉ để đốt tiền dân.
Không thể mang bọn trẻ ra làm thí nghiệm hàng loạt nếu chưa có thời gian thí điểm đủ để chứng minh học bằng máy tính bảng, chúng sẽ trở thành công dân ưu tú vượt trội. Tại sao người ta lại vội vàng đến thế, tổ chức đến giờ mới được 2 cuộc hội thảo mà đã vội đưa ra thời gian dự kiến thực hiện trong năm học 2014-2015?
Còn sức khỏe thể chất, tâm sinh lý của những đứa trẻ từ 6-8 tuổi, ai đã nghiên cứu, ai đã khảo sát để đưa ra cho phụ huynh một đáp án rằng chúng sẽ phát triển bình thường nếu tối ngày gắn với một cái máy tính bảng và sóng wifi phủ quanh mình?
Đừng lợi dụng sự yếu kém, tụt hậu của giáo dục để vẽ vời dự án. Chúng tôi sẵn sàng đầu tư tiền của cho con cháu mình, nếu các vị đưa ra được một đề án cải cách giáo dục thực sự thuyết phục và chịu trách nhiệm đến cùng với sự thành công của đề án ấy.
Một phụ huynh học sinh đã viết lời phản hồi chua xót thế này: “Tôi là người dân, tôi van xin các anh làm công tác quản lý giáo dục, nên có những đề án khả thi hơn”. Cần bao nhiêu lời van xin nữa để Sở GDĐT TP HCM “hồi tâm chuyển ý”? Cần bao nhiêu lời van xin nữa để ông Bộ trưởng Bộ GD ĐT lên tiếng yêu cầu xem xét tính khả thi của đề án, xin các vị nói rõ để dân chúng tôi biết mà còn cất tiếng van xin?
Tiền mồ hôi nước mắt của dân cả đấy. Lũ trò nhỏ 6-8 tuổi là tương lai của đất nước cả đấy. Việc hệ trọng như thế, hãy để cho dân lên tiếng, hãy để dân được tham gia định đoạt tương lai của đất nước này.
Những mong các nhà quản lý giáo dục hãy ghi nhớ trong lòng, các vị đang làm nhiệm vụ “trồng người” cho xã hội đấy, mà trồng người thì phải có đức, có tâm. Hãy đặt mục tiêu đó lên trên con số 4.000 tỷ kia một lần xem thử.
  • Mi An

No comments:

Post a Comment