Có một thông tin đọc qua đã thấy vui: Trong 7 tháng đầu năm nay, Bộ Giao thông Vận tải rà soát 25 dự án và tiết giảm được khoản tiền đầu tư đến 5.241 tỉ đồng. Nếu tính từ lúc thực hiện Nghị quyết 11/NQ/2011 đến tháng 8-2014, bộ đã rà soát tổng cộng 44 dự án, tiết giảm khoản kinh phí đầu tư 39.365 tỉ đồng.
Thật ra, đây là con số tiết giảm do yêu cầu rà soát quy mô đầu tư để cân đối một cách phù hợp và tiết kiệm trong điều kiện nguồn vốn hạn hẹp hiện nay. Có thể mượn ý kiến của TS Nguyễn Ngọc Long, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khoa học Kỹ thuật Cầu - Đường Việt Nam, để làm rõ ý tứ tiết giảm ở đây: “Rà soát lại nhưng vẫn phải chấp nhận được và nằm trong quy hoạch để sau này khi có vốn thì tiếp tục thực hiện”.
Xét về tổng thể, sự tiết giảm lớn như trên chắc chắn có tác động không nhỏ về mặt xã hội. Nó cho thấy tinh thần “liệu cơm gắp mắm” đang được đề cao trong đầu tư xây dựng, khác với thói quen “vung tay quá trán” không dựa vào hoàn cảnh thực tế lâu nay vẫn diễn ra ở nhiều nơi, gây không ít lãng phí cho nhà nước và xã hội.
Mặt khác, quyết định rà soát để tiết giảm còn có tác dụng chống lãng phí bởi phần tiết giảm kia có thể được đầu tư vào những khu vực khác, cấp thiết về đời sống và có thể sớm phát huy tác dụng, như đầu tư nhiều hơn cho các dự án cầu treo dân sinh đang kêu đòi.
Những ngày qua, truyền thông trong nước lại một lần nữa đưa tin về một tai nạn do đu dây vượt sông ở Đắk Lắk. Nạn nhân là bà Nguyễn Thị Thọ - 52 tuổi, trú tại xã Hòa Lễ, huyện Krông Bông - bị ngã bất tỉnh từ độ cao 10 m khi đang đu dây qua sông để bẻ chồi cà phê. Bà may mắn được người dân phát hiện 30 phút sau đó và đưa vào bệnh viện cấp cứu.
Dài hơn 10 km nhưng con sông Krông Ana chảy qua khu vực này chẳng có cây cầu nào bắc qua. Vì sinh kế, người dân đã phải tự chế cáp treo để vượt sông bất chấp nguy hiểm.
Đã từng xảy ra nhiều vụ tai nạn ở đoạn sông nơi bà Thọ gặp nạn, thường là rơi xuống do cáp đứt và cây bật gốc do tần suất qua lại quá nhiều. Bị thương nhẹ và nặng đều có. Khó như vậy nhưng người dân cũng chẳng dám vượt sông bằng thuyền vì sợ nước lũ.
Chính quyền xã Hòa Lễ đã nhiều lần giãi bày khó khăn với cấp trên nhưng không có kết quả do kinh phí làm cầu vượt quá khả năng của địa phương. Theo một thống kê, tại Đắk Lắk có gần 320 cầu dân sinh, chủ yếu là cầu treo, trong đó phần lớn được làm tạm bợ bằng tre, gỗ.
Tỉnh Đắk Nông cũng không khá hơn. Khoảng 160 cầu treo, cầu tạm trên địa bàn phần lớn xuống cấp, không an toàn. Có thông tin năm nay huyện được phân bổ 0,5 tỉ đồng nhưng để sửa chữa cầu theo đúng quy trình, quy chuẩn thì khoản tiền này chỉ đủ để làm 1 cây cầu. Trong điều kiện như thế, có lẽ không ai ngạc nhiên khi mỗi năm ở Đắk Nông có trên 250 người dân gặp nạn do những cây cầu tạm, nhiều trường hợp bị thương nặng...
Trên phạm vi cả nước, đề án xây dựng 186 cầu treo dân sinh ở 28 địa phương đã được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt, hoàn thành trong năm 2015. Tuy nhiên, số lượng cầu treo trong đề án trên xem ra chỉ đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu thực tế. Trong hoàn cảnh như vậy, thật khó mà ngăn cản người dân tiếp tục đu dây qua sông!
Thứ Tư, 23:46 20/08/2014
Cao Tuấn
No comments:
Post a Comment